Kể chuyện làng: Nhớ mùi khói đốt đồng chiều quê

Trịnh Hoàng Khôi Thứ tư, ngày 18/10/2023 07:05 AM (GMT+7)
Một ngày gần cuối năm, có chuyến công tác về Tây Ninh, chạy ngang qua làng cũ, tôi chợt nhìn thấy những làn khói đốt đồng phảng phất trong ánh nắng vàng vọt của buổi chiều quê.
Bình luận 0
Kể chuyện làng: Nhớ mùi khói đốt đồng chiều quê - Ảnh 1.

Mùa khói đốt đồng. Ảnh: Tác giả cung cấp

Cái nắng tháng 9 vừa oi nồng lại đầy mùi cỏ ngọt của miền Đông Nam Bộ tràn về, khiến tâm trí tôi phút chốc bâng khuâng.  Ai đã từng sống ở nông thôn hẳn sẽ không thể quên được cái mùi khói ám màu rơm rạ đặc trưng ấy. Chắc cũng vì thế nên dù có xa đồng quê lâu đến đâu, tâm trí tôi vẫn chẳng thể nguôi đi nỗi nhớ những ngày xa xưa theo cha đi đốt rạ trên đồng.

Theo lời ba tôi kể lại thì đốt đồng từ lâu đã trở thành một nét văn hoá độc đáo trong nông nghiệp của người dân Nam Bộ. Thông thường, muốn gieo trồng vụ sau người nông dân phải tốn công sức và thời gian cho việc thu dọn rơm để lên bờ. Thấy công việc này quá bất tiện, bà con liền nảy ra sáng kiến đốt rơm. Rơm cứ thế bền bỉ cháy dần tạo thành những làn khói nghi ngút cuộn trắng bay lên không trung.

Quê tôi trước đây vốn dĩ làm lúa hai vụ, vụ đông xuân thường liền kề nối tiếp vụ hè thu. Vụ mùa đông xuân thường được bà con quê tôi thu hoạch vào khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5. Trong ký ức tuổi thơ của tôi thì khoảng thời gian ngắn ngủi giữa hai vụ lúa là những ngày nhàn tản, trâu bò cũng được thả rong chơi, đi thong dong giữa cánh đồng. Còn với bọn trẻ con như chúng tôi khi ấy, thời điểm này còn hân hoan hơn cả Tết, vì công việc học hành đã hoàn thành, mở ra một kỳ nghỉ hè dài trước mắt.

Kể chuyện làng: Nhớ mùi khói đốt đồng chiều quê - Ảnh 2.

Khói đồng. Ảnh: Tác giả cung cấp

Dưới ánh nắng óng ánh của mùa hè phương Nam, những cánh đồng quê rộng bát ngát chỉ còn trơ gốc rạ, đất ruộng khô cứng. Cũng bởi, ở Tây Ninh quê tôi, lúa sau khi gặt xong sẽ được các cô chú nông dân tuốt ngay tại chỗ, phần rơm rạ còn lại sẽ được rải đều trên mặt ruộng phơi khô. Sau khoảng một tuần, người ta sẽ bắt đầu đốt rạ. Theo lời ba tôi giải thích thì cách làm vậy để tận trừ sâu bệnh của vụ trước, đuổi chuột và những con vật làm hại mùa màng chạy đi. Đám tro của rạ sau khi đốt xong, người nông dân quê tôi sẽ tận dụng làm phân bón hữu cơ bồi đắp cho ruộng để gieo cấy vụ lúa hè thu.

Tuổi thơ của tôi là những buổi chiều quê gió thổi mát rượi, mải mê chạy loanh quanh phụ người châm lửa, nghịch với những đám tàn tro. Thi thoảng, ngồi nhàn tản trên những bờ ruộng, ngắm nhìn làn khói trắng bay lên rồi mất hút giữa bầu trời cao rộng, tôi từng tự hỏi, liệu rằng chúng sẽ bay về đâu, bay nhẹ nhàng qua dãy núi bên kia, vào thành phố hay ra tận biển khơi. Bản tính trẻ con thích đi xa khiến nhiều lần tôi mong ước bản thân sẽ được thong dong như làn khói ấy, tung bay đi khắp bầu trời, được ghé thăm những miền đất xa xôi hơn cả cánh đồng làng.

Những buổi chiều hoàng hôn, khi gió chiều lồng lộng ùa về xao xác những rặng tre, ba tôi lại xách chiếc cào có ba răng đi về phía ruộng, sau khi tản bộ một vòng để xem xét xung quanh, ba tôi sẽ từ tốn dùng cào kéo rơm trải đều trên mặt ruộng rồi châm lửa đốt. Những đợt khói nhẹ nhàng lan khắp trời chiều tạo thành từng dải nhẹ như mây. Khói bay nhẹ nhàng, hòa vào sắc xanh trong của bầu trời. Thi thoảng, những ngọn gió nồm nam lồng lộng lan tỏa khắp cánh đồng quê, lan tỏa trong không gian, một mùi hương thật lạ kỳ. Tôi đặc biệt yêu thích mùi hương đặc biệt này. Cũng bởi, đó là mùi đất đai nhà quê hăng hăng hòa cùng chút ngai ngái của rơm mới phơi khô, những hạt thóc lép còn sót lại nổ lép bép mà đượm thơm bùi ngọt.

Kể chuyện làng: Nhớ mùi khói đốt đồng chiều quê - Ảnh 3.

Nhớ khói đồng. Ảnh: Tác giả cung cấp

Ký ức về mùa đốt đồng ngày xưa, đâu chỉ có mỗi khói mà còn hằn sâu biết bao những tháng năm ngọt ngào, tinh nghịch của tuổi thơ. Ngày trước, cứ chờ đến mùa khói tỏa lam, bốc mùi khen khét thì lũ nhỏ lại hân hoan gọi nhau đi đào ít khoai lang, bắp trái về vùi sâu trong đống rạ đang hun hút cháy. Có đứa siêng năng hơn sẽ tranh thủ lội mương kiếm thêm vài con cua, con ốc... bỏ vào đám lửa rơm để nướng. Dẫu khoai lang nướng khi thì củ chín, củ sống, còn ốc và cua luôn dính đầy bụi tro nhưng cũng đủ khiến những đứa trẻ sinh trưởng trong thời kỳ khó khăn của đất nước như chúng tôi khi ấy, cảm thấy hạnh phúc đến kỳ lạ.

Vào những buổi chiều hanh khô, mùi khói đặc biệt trở nên thơm ngọt. Lửa cháy kèm theo những tiếng lách tách. Đó là âm thanh của mấy hạt lúa còn mắc kẹt lại trong rơm. Bọn trẻ con chúng tôi thường đợi lửa tắt, sẽ lấy cây nhẹ nhàng khều ra những hột gạo thơm nở bung trắng xóa nổi bật giữa đám tro đen ngòm rồi cứ thế mà đưa luôn lên miệng nhấm nháp rất hể hả. Không gian mờ ảo chung quanh nghe rõ tiếng trẻ nhỏ đùa nghịch, chạy đuổi bắt nhau quanh các bờ ruộng chơi trốn tìm với khói, thoắt ẩn rồi lại thoắt hiện giữa không gian bao la khói. Đứa nấp bên hông trâu, đứa nằm ép xuống bờ ruộng, đứa nhanh chân chạy tìm gò đất. Những con trâu chốc chốc dừng ăn nghển cổ gọi đàn. Sau mỗi buổi chiều nhàn tản, mặt đứa nào đứa nấy cũng dính đầy lọ lem nhưng niềm vui thì tràn ngập tâm hồn. Mãi cho đến khi trưởng thành, trở thành một người trung niên tóc bạc đến nửa mái đầu, lòng tôi vẫn hoài khắc ghi thứ kỷ niệm ngọt ngào nhất của quê hương.

Khói đốt đồng gợi cho tôi biết bao hoài niệm về nơi mình sinh ra, lớn dần theo tuổi ấu thơ. Ở vùng quê nghèo khi đó có hình ảnh của người mẹ cần cù, tần tảo nắng mưa, để chắt chiu cho ta biết bao cơm ngon, áo ấm. Lại nhớ cả những ngày mùa, lon ton phụ mẹ đội rơm châm lửa đốt đồng còn ba thì dắt con trâu với cái cộ đưa lúa về sân phơi cho kịp nắng.

Dẫu đã nhiều năm rời xa quê hương nhưng cái mùi khói ám màu rơm rạ ấy vẫn ăn sâu vào ký ức tôi. Chắc cũng vì thế nên dù cách xa đồng ruộng, quê hương đến đâu, tôi vẫn chẳng nguôi đi nỗi nhớ. Trên chuyến xe chiều từ Tây Ninh về Sài Gòn, lòng tôi phút chốc nghe xốn xang biết bao khi thấy những vệt khói dài mờ mờ ảo ảo còn sót lại trên những mảnh ruộng còn trơ gốc rạ đen sì.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem