Kể chuyện làng: Mùa cất vó, hoài niệm khó quên về miền Tây quê tôi

Kiến Hoành Thứ bảy, ngày 07/10/2023 07:23 AM (GMT+7)
Chiều nay, sau một ngày tất bật làm việc, mở hộp mail kiểm tra lần cuối trước khi ra về, bản thân chợt tần ngần khi nhìn thấy bức ảnh chụp mùa cất vó ở miền Tây từ người bạn cũ, lòng tôi không khỏi nao nao nhớ quê nhà.
Bình luận 0

Ai đã từng sinh ra và trưởng thành ở miền sông nước Nam bộ, chắc hẳn sẽ có nhiều kỷ niệm với vùng đất đặc biệt này. Miền Tây quê tôi vốn dĩ được bồi đắp nhờ phù sa màu mỡ nên cây trái tốt tươi, tôm cá cũng theo đó mà xuất hiện chi chít theo từng con nước ròng. Việc bắt cá tôm có vô vàn các hình thức khác nhau, nhưng trẻ con có vẻ khoái nhất là "món" đặt vó.

Với đại đa số mọi người sống ở thành thị khi nghe đến danh từ "cái vó" đều cảm giác có gì đó lạ lẫm. Tuy nhiên, với những ai đã từng trải qua khoảng đời niên thiếu ở vùng sông nước miền Tây thì hình ảnh của cái vó đựng đầy cá tôm vào mỗi mùa lũ về, nước dâng cao luôn khắc ghi trong tâm trí của biết bao thế hệ. Theo cha tôi kể lại thì chẳng ai biết cái vó có tự khi nào, ai là người đã phát minh ra cách làm vó. Tuy nhiên, cứ mỗi mùa nước son tràn về, người dân trên quê tôi lại rộn rịp vào mùa cất vó.

Kể chuyện làng: Mùa cất vó, hoài niệm khó quên về miền Tây quê tôi - Ảnh 1.

Cất vó bè. Ảnh: Tác giả cung cấp

Chiếc vó ở quê tôi thông thường có hình chữ nhật, hình vuông hoặc tương tự như chiếc nón lá để ngửa. Vó thông thường được làm bằng loại vải màn xô mỏng rộng chừng hơn một tấc, xung quanh khâu viền kỹ càng cho đỡ sổ các đường chỉ dệt, sau đó được thắt chặt vào các thanh tre chéo nhau, thường gọi là càng vó. Ngoài ra, chiếc vó còn có một sợi dây cột ở trọng tâm dễ dàng kéo lên để xúc cá. Mỗi khi nước chảy ròng, lưới sẽ bung ra tạo thành một khoảng rộng để cá tép, tôm cua chạy vào. Đây là cách đánh bắt cá rất độc đáo và vô cùng tiện lợi vào những mùa nước dâng cao.

Công việc làm vó tưởng chừng đơn giản nhưng khá tốn công. Thông thường, chỉ có người lớn trong nhà mới có khả năng làm nổi. Nhà tôi thường có khoảng một đến hai cái vó, chủ yếu để dành cho mùa cất vó. Kỳ thực, gọi là mùa cũng không phải cho lắm, thật ra vó được cất quanh năm để kiếm cái ăn nhưng mỗi khi lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về mang theo vô vàn là cá thì cũng là lúc người dân quê tôi sửa sang lại những chiếc vó cũ kỹ chuẩn bị cho mùa cá mới. Chiếc vó có hình dạng gần giống như chiếc nón lá để ngửa với một tấm lưới rộng được thắt chặt vào các thanh tre nhưng các góc nhọn chia thành bốn hướng và có một sợi dây cột ở trọng tâm để kéo lên mà xúc tôm cá. Khi nước chảy vào lưới sẽ nhẹ nhàng bung rộng ra để cá tôm cua chạy vào rồi sau đó kéo lên cao.

Chiếc vó bè của cha tôi được mắc ở một khúc sông xa làng, ngay cạnh ngã ba sông nước mênh mông. Chiếc vó nom xa như một khẩu súng phòng không cỡ lớn, thi thoảng lại quay nòng lên tầm cao, có khi lại ngẫu nhiên chúi nòng xuống tầm thấp, để tóm gọn lũ cá tôm dưới nước. Cách đánh bắt cá bằng vó có vẻ nhàn tản hơn kiểu đánh bắt cá truyền thống, cũng bởi người đánh bắt cá không cần phải lội xuống nước để thả câu, giăng lưới hay đổ nò… Họ chỉ cần đứng trên bờ, làm một cái vó từ lưới chài, thêm vào một ít cây tre chắc chắn để làm cần vó. 

Không chỉ thuận tiện khi sử dụng, bà con quê tôi còn có thể dùng vó để đánh bắt cả ngày lẫn đêm. Theo kinh nghiệm của cha tôi thì mùa cất vó càng đạt được nhiều năng suất vào thời điểm nước sông dâng cao, màu nước càng đục thì càng mang đến nguồn thu hoạch lớn. Nước đục, cá không thấy lưới. Nước cao, cá mát mình mẩy thì chạy nhiều rồi lọt vào vó. Đây là cách đánh bắt rất độc đáo được sử dụng khá phổ biến ở miền sông nước, đặc biệt là vào mùa nước dâng cao.

Kể chuyện làng: Mùa cất vó, hoài niệm khó quên về miền Tây quê tôi - Ảnh 2.

Cất vó bên sông. Ảnh: Tác giả cung cấp

Vó bè thông thường có bốn cái gọng làm bằng những cây tre uốn cong được buộc vào nhau theo hình dấu nhân và cố định vào chiếc cần sao cho phần cong của gọng hướng xuống dưới nước. Bốn gọng vó cũng được cha tôi tỉ mỉ buộc vào bốn góc của chiếc vó. Ở giữa tấm vó, cha tôi buộc một cái xời, thực chất là một cái giỏ lớn có hom để đựng tôm cá.

Những lúc bình thường, bốn gọng vó thường chúc xuống nước, để giữ cho toàn bộ tấm vó trải dưới đáy sông. Cá tôm cứ việc nhởn nhơ bơi lội giữa dòng sông, để rồi chiếc vó bất thình lình được cất. Bốn góc vó sẽ cao dần lên trong khi lòng vó vẫn còn ở sâu dưới lòng sông. Khi ấy, tấm vó tạo thành một cái muôi khổng lồ để múc tôm cá. Tấm vó cũng từ từ được cất lên. Tôm cá sẽ nhẹ nhàng chui vào cái xời ở giữa vó. Khi nào xời đầy tôm cá hoặc khi có con cá thật to vào trong vó thì cha tôi sẽ lại nhẹ nhàng cột cần vó bè lại rồi chèo thuyền ra bắt cá bỏ vào cái thúng sơn trong thuyền...

Không biết chiếc vó bè của cha tôi có từ khi nào. Bản thân tôi chỉ biết rằng khi mình bắt đầu có nhận thức về cuộc sống chung quanh, đã thấy cha tôi cất vó. Niềm háo hức lớn nhất của hai chị em tôi lúc còn bé là hay ra lều xem cha tôi cất vó. Có đôi lần cha tôi cất được con cá chép hay cá gì to lắm, nặng đến mười cân. Cả làng cứ xôn xao lên vì con cá ấy. Thế nhưng cũng có nhiều ngày, dòng sông dài ăm ắp nước nhưng "cá lặn mất tăm", cha cất vó cả ngày chỉ được vài con cá lòng tong nhỏ xíu. Tuy thất thường là thế nhưng ngày nào cha tôi cũng đều đặn cất lưới, kể cả ngày mưa lẫn ngày nắng. Gió mát trăng thanh hay rét buốt thấu xương, cha tôi vẫn kiên nhẫn với công việc. Những đêm khuya thanh vắng, giữa mênh mông sông nước, người ta vẫn thấy le lói ngọn đèn dầu trong lều vó của cha tôi. Và tiếng rít thuốc lá của cha tôi cứ vang vọng mãi vào đêm khuya thanh vắng.

Chiếc vó bè của cha tôi cứ thế cần mẫn kiếm thêm nguồn thu nhập cho gia đình, giúp mẹ tôi bán thêm được ít cá tôm vào những phiên chợ sớm. Gia cảnh nhà tôi khi ấy vốn dĩ khó khăn nên chiếc vó bè của ông thực sự là "chiếc cần câu cơm" nuôi chị em tôi trưởng thành, được cắp sách tới trường...

Mãi cho đến năm tôi được mười lăm tuổi thì cha tôi lặng lẽ đi xa, sau những cơn đau kiệt cùng vì căn bệnh ung thư. Trước khi nhắm mắt, cha tôi không nói gì, chỉ khẽ khàng nắm chặt tay tôi rồi chỉ ra phía lều vó. Nhìn ánh mắt rưng rưng của cha, tôi biết đã đến lúc mình phải đảm đương thay ông việc cất vó bè trên sông.

Thế là từ đó, ngày nào sau khi đi học, tôi lại tranh thủ khoảng thời gian rảnh rỗi, ra cất vó thay cha mình. Mỗi buổi chiều tà, khi hoàng hôn buông xuống, tôi vừa cất vó vừa khẽ khàng ngẫm nghĩ về những chắt chiu, tảo tần mà cha đã dành cho gia đình trong suốt một thời gian dài.

Nhiều năm trôi qua, từ khi có cống Láng Thé và cống Cái Hóp thì nghề cất vó ở quê tôi cũng dần bị mai một, một phần có lẽ do lượng cá tôm ngoài thiên nhiên dần cạn kiệt, phần nữa có lẽ do người nông dân ở thời kỳ mới có nhiều phương thức để đánh cá hơn. Nghề cất vó hiện nay chỉ còn trong ký ức của nhiều người, nhưng ngẫm cho cùng, đó cũng là sự thay đổi để phù hợp với nhịp sống hiện đại ngày nay.

Thời gian cứ thế lặng lẽ trôi đi, tôi giờ đã là một người trung niên, tóc bạc gần nửa mái đầu, nhưng mỗi khi nhìn thấy hình ảnh cái vó cùng những người nông dân lam lũ lại thấy lòng mình nôn nao khó tả. Hoài niệm dẫn dắt tôi về một miền ký ức xa xăm, gợi nhớ đến một miền quê có cha mẹ già tóc bạc cất vó nuôi con khôn lớn. Cái vó thể hiện tâm hồn và tâm tính của con người vùng đất lắm sông, nhiều rạch để rồi lòng lại dặn lòng:

"Còn đây cái vó bên sông

Dẫu có theo chồng em vẫn nhớ quê".

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem