Hiện nay theo quy định, mức chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn đang là 1,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức trợ cấp được quy định cho các đối tượng bảo trợ theo Nghị định 20/2021/NĐ -CP hiện nay chỉ là 360.000 đồng/tháng.
Nhiều đối tượng bảo trợ cho biết, mức trợ cấp này quá thấp, chỉ đủ mua được vài cân gạo, 1-2kg thịt là hết. Ở thành phố, mức trợ cấp này chỉ đủ để sống được 2-3 ngày là hết.
Thừa nhận thực tế này, Bộ LĐTBXH cũng cho biết, quá trình triển khai thực hiện, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP còn nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc nảy sinh. Cụ thể, chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng còn thấp, mới chỉ hỗ trợ được một phần nhu cầu thiết yếu của người dân; chưa tương đồng với chính sách bảo hiểm xã hội, lương hưu, giảm nghèo và trợ cấp đối với người có công với cách mạng.
Mức trợ cấp xã hội hiện chỉ bằng khoảng 17% thu nhập bình quân, 24% chuẩn nghèo nông thôn giai đoạn 2021 - 2025. Giai đoạn 10 năm 2013 - 2023, tiền lương cơ sở được điều chỉnh tăng 6 lần; tuy nhiên mức chuẩn trợ cấp xã hội chỉ được được điều chỉnh tăng 2 lần. Từ tháng 7/2023, mức lương cơ sở tiếp tục tăng lên 1,8 triệu đồng.
Hiện cả nước có hơn 3,3 triệu người đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Các đối tượng là: trẻ em mồ côi không nơi nuôi dưỡng hoặc cha mẹ mất tích, đang chấp hành án phạt tù hoặc cũng phải nhận trợ cấp xã hội; trẻ em bị nhiễm HIV, thuộc diện hộ nghèo; mẹ đơn thân, bố đơn thân thuộc hộ nghèo, cận nghèo nuôi con nhỏ; người cao tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc ở vùng đặc biệt khó khăn, người dân tộc; người khuyết tật; người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ nghèo.
Hiện cả nước có hơn 3,3 triệu người thụ hưởng trợ cấp xã hội trên. Nhiều nơi đã nâng mức này lên khoảng 400.000 đồng cho gần 700.000 người với kinh phí trên 3.500 tỷ đồng/năm.
Đề xuất 2 phương án nâng mức trợ cấp xã hội hằng tháng từ 1/7/2024
Trước thực trạng đó, mới đây Chính phủ cũng đã giao Bộ LĐTBXH nghiên cứu xây dựng, sửa đổi Nghị định số 20 với đề xuất 2 phương án tăng mức trợ cấp. Hiện Bộ LĐTBXH đang tổng hợp để hoàn thiện báo cáo Chính phủ.
Ông Nguyễn Hoàng Vĩnh Thanh trả lời câu hỏi của PV Dân Việt trong buổi họp báo mới đây của Bộ LĐTBXH. Ảnh: T.NTrả lời câu hỏi của PV Dân Việt về hướng đề xuất nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội, ông Nguyễn Hoàng Vĩnh Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ LĐTBXH) cho biết, Bộ được giao nghiên cứu xây dựng, sửa đổi Nghị định số 20, Bộ đang đề xuất hai phương án tăng mức trợ cấp.
Phương án 1: Nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng/người/tháng lên 500.000 đồng, mức này tương đương 33% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021 - 2025.
Với phương án này thì số kinh phí thực hiện mỗi năm sẽ khoảng 37.000 tỷ đồng, tăng hơn so với mức quy định hiện tại là gần 10.000 tỷ đồng. Dự kiến nếu phương án này được thực hiện từ ngày 1/7/2024, năm 2024, ngân sách nhà nước cần bố trí thêm khoảng 4.700 tỷ đồng.
Phương án 2: Nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng/người/tháng lên 750.000 đồng, tương đương 50% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021 - 2025.
Với mức chuẩn trợ giúp xã hội là 750.000 đồng, thì tổng kinh phí thực hiện mỗi năm khoảng 54.000 tỷ đồng, ngân sách nhà nước bố trí tăng thêm khoảng 26.000 tỷ đồng/năm. Dự kiến nếu thực hiện từ ngày 1/7/2024, năm 2024 ngân sách nhà nước bố trí thêm khoảng 13.000 tỷ đồng.
Theo ông Thanh, hiện phương án Bộ LĐTBXH đang nghiên cứu để trình Chính phủ là, ngoài tăng mức trợ cấp từ 360.000 đồng/người/tháng lên 500.000 đồng/người/tháng theo phương án 1, dự kiến sẽ bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội gồm: Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không có người nuôi dưỡng; trẻ em dưới 3 tuổi và người cao tuổi từ 75 - 80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
"Nếu như tăng mức trợ cấp như trên và mở rộng thêm 3 nhóm đối tượng thì kinh phí tăng thêm trong năm 2024 dự kiến khoảng 17.000 tỷ đồng. Do còn liên quan đến tiêu chí xác định đối tượng, tác động, nguồn kinh phí nên Bộ tiếp tục lấy ý kiến của Bộ Tài chính để xem xét, thống nhất phương án đề xuất. Sau đó, sẽ sớm trình Chính phủ để ban hành trong năm 2024", ông Thanh nói.