Trợ cấp xã hội hơn 300.000 đồng/tháng: "Chỉ đủ ăn mì gói ăn qua ngày”

Thùy Anh Thứ hai, ngày 23/10/2023 13:08 PM (GMT+7)
Chia sẻ về mức tiền trợ cấp hiện nay, khá nhiều đối tượng cảm thấy buồn lòng. Nhiều người cảm thán: “Ừ đành rằng trợ cấp đấy, nhưng thấp quá, chẳng đủ tiền ăn để sống đâu”.
Bình luận 0

“Trợ cấp cho có chứ tiền đó chỉ đủ ăn mì gói qua ngày thôi”

“Thôi thì có còn hơn không”, đó là câu cảm thán của chị Tạ Thị Lan, (Hoằng Đồng, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vì là mẹ đơn thân đang nhận trợ cấp xã hội vì thuộc diện hộ nghèo nuôi 2 con nhỏ.

Chồng mất sớm, một mình chị phải nuôi 2 con nhỏ, công việc bấp bênh. Làm công nhân không bao lâu thì phải nghỉ việc, đi làm phục vụ tại nhà hàng, mức lương thấp chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng nên cuộc sống rất khó khăn.

Chia sẻ với PV Báo Dân Việt, chị Lan cho biết, mức tiền trợ cấp 360 nghìn đồng/tháng không đủ tiền ăn của một tháng/người trong gia đình chị. “Biết là trợ cấp chỉ cho có, chứ không thể nuôi sống được mình nhưng khoản tiền này thấp quá. Sống ở quê nhưng chừng ấy tiền thì cũng chỉ đủ để mua mì gói ăn sống qua ngày mà thôi”, chị Lan nói.

trợ cấp hàng tháng quá thấp

Chị Lan cho biết với mức trợ cấp 360 nghìn đồng/tháng chỉ đủ ăn mì tôm sống qua ngày. Ảnh: NVCC

Cùng chung tâm sự, chị Nguyễn Thị Nga, 29 tuổi (Hòa Bình) là người khuyết tật sống ở Hòa Bình cho biết, khoản trợ cấp 360 nghìn đồng không đủ để mua tiền ăn một tháng. Theo nhẩm tính của chị Nga, dù sống ở nông thôn, dù rất tiết kiệm nhưng mỗi ngày tiền ăn của chị cũng phải hết 50 nghìn đồng, chưa kể tiền thuốc thang, sinh hoạt…

“Chúng tôi hiểu đây chỉ là khoản tiền trợ cấp, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn một phần nhỏ để chúng tôi vơi bớt nỗi vất vả, nhưng thực sự với khoản tiền ấy chẳng thể sống được. Vẫn mong Nhà nước có chính sách hộ nâng mức trợ cấp lên”, chị Nga chia sẻ thêm.

Hiện nay mức trợ cấp xã hội là 360.000 đồng/tháng, chỉ đủ mua yến gạo với 1kg thịt, hoặc 2kg thịt. Mức trợ cấp quá thấp, không tăng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khiến nhiều người ái ngại.

Như Dân Việt đã đưa tin, hiện cả nước có hơn 3,3 triệu người đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Các đối tượng là: trẻ em mồ côi không nơi nuôi dưỡng hoặc cha mẹ mất tích, đang chấp hành án phạt tù hoặc cũng phải nhận trợ cấp xã hội; trẻ em bị nhiễm HIV, thuộc diện hộ nghèo; mẹ đơn thân, bố đơn thân thuộc hộ nghèo, cận nghèo nuôi con nhỏ; người cao tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc ở vùng đặc biệt khó khăn, người dân tộc; người khuyết tật; người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ nghèo.

Chính phủ đề nghị sửa luật, tăng trợ cấp xã hội hàng tháng

Một trong những vấn đề được đặt ra hiện nay chính là mức trợ cấp xã hội quá thấp, mới chỉ hỗ trợ được một phần nhu cầu thiết yếu của người dân; chưa tương đồng với chính sách bảo hiểm xã hội, lương hưu, giảm nghèo và trợ cấp đối với người có công với cách mạng.

Nhằm cải thiện tình trạng này mới đây Chính phủ đã giao Bộ LĐTBXH nghiên cứu, đề xuất phương án tăng trợ cấp cho các đối tượng thụ hưởng. Theo đó, Bộ LĐTBXH cũng cho biết đơn vị này đang sửa Nghị định 20/2021/NĐ –CP, trong đó có quy định về mức trợ cấp hàng tháng.

Theo Bộ LĐTBXH mức trợ cấp xã hội hiện chỉ bằng khoảng 17% thu nhập bình quân, 24% chuẩn nghèo nông thôn giai đoạn 2021 - 2025. Giai đoạn 10 năm 2013 - 2023, tiền lương cơ sở được điều chỉnh tăng 6 lần; tuy nhiên mức chuẩn trợ cấp xã hội chỉ được được điều chỉnh tăng 2 lần. Từ tháng 7/2023, mức lương cơ sở tiếp tục tăng lên 1,8 triệu đồng.

trợ cấp xã hội

Ông Hoàng Vĩnh Thanh chia sẻ về việc đề xuất tăng trợ cấp xã hội. Ảnh: N.T

Trước đó, trả lời câu hỏi của báo Dân Việt về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Vĩnh Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ LĐTBXH) cho biết, Bộ được giao nghiên cứu xây dựng, sửa đổi Nghị định số 20, Bộ đang đề xuất hai phương án tăng mức trợ cấp.

Phương án 1: Nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng/người/tháng lên 500.000 đồng, mức này tương đương 33% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021 - 2025.

Với phương án này thì số kinh phí thực hiện mỗi năm sẽ khoảng 37.000 tỷ đồng, tăng hơn so với mức quy định hiện tại là gần 10.000 tỷ đồng. Dự kiến nếu phương án này được thực hiện từ ngày 1/7/2024, năm 2024, ngân sách nhà nước cần bố trí thêm khoảng 4.700 tỷ đồng.

Phương án 2: Nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng/người/tháng lên 750.000 đồng, tương đương 50% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021 - 2025.

Với mức chuẩn trợ giúp xã hội là 750.000 đồng, thì tổng kinh phí thực hiện mỗi năm khoảng 54.000 tỷ đồng, ngân sách nhà nước bố trí tăng thêm khoảng 26.000 tỷ đồng/năm. Dự kiến nếu thực hiện từ ngày 1/7/2024, năm 2024 ngân sách nhà nước bố trí thêm khoảng 13.000 tỷ đồng.

Theo ông Thanh, hiện phương án Bộ LĐTBXH đang nghiên cứu để trình Chính phủ là, ngoài tăng mức trợ cấp từ 360.000 đồng/người/tháng lên 500.000 đồng/người/tháng theo phương án 1, dự kiến sẽ bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội gồm: Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không có người nuôi dưỡng; trẻ em dưới 3 tuổi và người cao tuổi từ 75 - 80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

"Nếu như tăng mức trợ cấp như trên và mở rộng thêm 3 nhóm đối tượng thì kinh phí tăng thêm trong năm 2024 dự kiến khoảng 17.000 tỷ đồng. Do còn liên quan đến tiêu chí xác định đối tượng, tác động, nguồn kinh phí nên Bộ tiếp tục lấy ý kiến của Bộ Tài chính để xem xét, thống nhất phương án đề xuất, sau đó sẽ sớm trình Chính phủ để ban hành trong năm 2024", ông Thanh nói.

Dự kiến, mức trợ cấp mới sẽ được áp dụng từ 1/7/2024, cùng với đợt cải cách tiền lương. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem