Quảng Ninh nâng mức chuẩn nghèo đa chiều cao hơn 1,4 lần cả nước

Thanh Tuyền Thứ sáu, ngày 31/03/2023 05:47 AM (GMT+7)
Quảng Ninh nâng mức chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 theo hướng cao hơn chuẩn nghèo cả nước.
Bình luận 0

Chiều 30/3, tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua 9 nghị quyết quan trọng. Trong đó, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025.

Quảng Ninh nâng mức chuẩn nghèo cao hơn 1,4 lần cả nước - Ảnh 1.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV. Ảnh: QMG

Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết là quy định về tiêu chí đo lường đa chiều; chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025. Đối tượng áp dụng là hộ gia đình thường trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia công tác giảm nghèo và an sinh xã hội.

Theo nghị quyết, chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2023-2025 gồm: Về tiêu chí thu nhập tại khu vực thành thị là 2,6 triệu đồng/người/ tháng, ở khu vực nông thôn là 2,1 triệu đồng/người/tháng.

Như vậy, theo Nghị quyết quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025, mức chuẩn nghèo của tỉnh cao hơn khoảng 1,4 lần so với mức chuẩn nghèo quy định của Chính phủ.

Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản; dịch vụ xã hội cơ bản, chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản và người thiếu hụt đưa ra trong nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Ninh là áp dụng theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, ngày 27/1/2021 của Chính phủ Quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025.

Quảng Ninh nâng mức chuẩn nghèo cao hơn 1,4 lần cả nước - Ảnh 2.

Các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh biểu quyết thông qua các nghị quyết. Ảnh: QMG

Về chuẩn hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2023-2025, nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Ninh chỉ rõ: Chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2,6 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội trở lên.

Đối với khu vực nông thôn, hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2,1 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội trở lên.

Đối với hộ cận nghèo, nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Ninh quy định: Tại khu vực thành thị, hộ cận nghèo là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2,6 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội.

Đối với khu vực nông thôn, hộ cận nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2,1 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội...

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, với nhiều cách làm hiệu quả, phù hợp, đến hết năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đã đề ra.

Cụ thể, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Quảng Ninh không còn huyện nghèo, cận nghèo; toàn tỉnh còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,067% tổng số hộ dân toàn tỉnh; 2.454 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,635% tổng số dân toàn tỉnh.

Trong đó, TP.Hạ Long không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; 3 địa phương là TX.Quảng Yên, huyện Cô Tô, huyện Vân Đồn không còn hộ nghèo; 9 địa phương còn lại tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%.

Với kết quả này, Quảng Ninh đã về đích Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trước 3 năm, chuyển sang giai đoạn xây dựng và triển khai chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn mức bình quân của cả nước, không để tái nghèo, phát sinh hộ nghèo...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem