Trên hành trình đó, khuyến nông giữ vai trò chủ lực trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, góp phần tạo nên những dấu ấn sâu đậm vào phát triển sản xuất nông nghiệp giá trị cao.
Đúng như trong thư chúc mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Khuyến nông Việt Nam của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đã viết: "Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông", đó không phải là một khẩu hiệu mà đã thực sự khắc ghi vào tâm thức của những người làm công tác khuyến nông.
Bước ngoặt từ những hạt lúa lai
Là người có thâm niên hàng chục năm làm Chủ nhiệm HTX, nay là Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Diễn Liên (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), ông Võ Văn Giáp chia sẻ: "Dấu ấn không bao giờ quên trong đời làm chủ nhiệm HTX của tôi, đó là những năm tháng làm nông nghiệp vẫn thiếu gạo ăn. Từ khi có cán bộ khuyến nông đưa giống lúa lai về gieo cấy thử, cho năng suất lên đến 60 – 70 tạ/ha, bà con rất vui mừng. Từ kết quả đó, những vụ lúa về sau diện tích lúa lai nhanh chóng tăng lên đến 80%, rồi 90%. Bà con không những đủ lúa gạo để ăn mà còn dư thừa để bán và chăn nuôi".
Tôi mong rằng, mỗi người trong hệ thống khuyến nông đã chọn cho mình nhiệm vụ vinh quang đó, hãy không ngừng học tập, trau dồi những tri thức, kỹ năng mới mẻ để trao đến cho bà con nông dân. Tôi cũng mong rằng đội ngũ khuyến nông mỗi khi đến với bà con nông dân hãy đến bằng tất cả trái tim mình…".
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan
Chủ trương phát triển lúa lai bắt đầu từ năm 1991, khi đó, dưới sự chỉ đạo của cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn và Ban Khuyến nông (tiền thân của Cục Khuyến nông), mô hình thâm canh lúa lai đầu tiên đã triển khai tại HTX Phú Lập (Phú Xuyên, Hà Nội), quy mô 55,3ha, năng suất bình quân mô hình đạt 9,6 tấn/ha, trong khi lúa thường chỉ đạt cỡ 5-5,5 tấn/ha. Ngay vụ sau đã có 22 tỉnh làm theo, năng suất đạt 7,2-8,5 tấn/ha, cao hơn đối chứng 20-30%.
Lúa lai sau đó được triển khai rộng rãi qua mạng lưới khuyến nông, đến năm 2000 diện tích đã đạt 330.000ha, sản lượng 1,5 triệu tấn. Mạng lưới khuyến nông đã chuyển giao công nghệ sản xuất hạt giống lúa lai với chủ trương "Nam sản, Bắc tiêu" để tận dụng lợi thế vùng miền.
Từ chỗ hoàn toàn phụ thuộc giống của nước ngoài, Việt Nam đã chủ động được một phần giống thông qua chương trình khuyến nông trọng điểm sản xuất hạt lai F1, lúa lai thương phẩm, lúa chất lượng. Điển hình là các dự án triển khai tại Nam Định, Hải Phòng, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Nam, Cần Thơ…
Từ thực tế sản xuất lúa lai, hàng nghìn nông dân đã được nâng cao trình độ sản xuất, tạo nên một dấu mốc, bước ngoặt lịch sử cho sản xuất lúa nói riêng và sản xuất lương thực nói chung của nước ta.
Dấu ấn tiếp theo là cánh đồng lớn trong sản xuất lúa được khởi xướng từ cuối những năm 2000 ở miền Bắc, sau đó lan rộng khắp cả nước. Trên những cánh đồng này cũng là địa bàn tốt nhất để khuyến nông áp dụng mô hình kỹ thuật thâm canh lúa theo hướng tăng năng suất, giảm giá thành như: "3 giảm 3 tăng" hay "1 phải 5 giảm", cơ giới hóa gắn liên kết với cánh đồng mẫu, SRI, canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính…
Phải nói rằng, các dự án trên đã đặt nền móng quan trọng cho sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải, tiếp đó là những mô hình "mặt ruộng không dấu chân", cơ giới hóa đồng bộ…
Phong trào ứng dụng cơ giới hóa đã góp phần tăng năng suất lao động từ 5 - 20 lần, khắc phục tình trạng thiếu lao động; giảm 20 - 30% chi phí sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Hiệu quả sản xuất của các mô hình tăng từ 15 - 40% so với sản xuất đại trà.
Từ cây lúa "cứu đói", đến năm 1989, lần đầu tiên nước ta xuất khẩu gạo và đến nay, gạo Việt Nam đã có mặt ở hơn 150 nước, vùng lãnh thổ, trở thành 1 trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Tất nhiên các dự án khuyến nông không chỉ triển khai trên cây lúa, mà hầu hết các ngành hàng chủ lực đều ghi nhận dấu ấn quan trọng, không thể thiếu của cán bộ khuyến nông. Đó là các dự án cây ăn quả, cây công nghiệp, rồi hàng loạt dự án chăn nuôi, nuôi trồng và khai thác thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp...
Trọng trách của cán bộ khuyến nông ở mỗi dự án, mô hình không chỉ là tìm các giải pháp giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản mà quan trọng hơn là tăng thu nhập cho nông dân, từ đó giúp bà con xóa đói giảm nghèo, vươn lên khấm khá.
Cũng từ đây, nước ta ngày càng có nhiều tỷ phú nông dân trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản… Họ cũng được ngành khuyến nông phát hiện, tuyên dương qua các hội thi "Người chăn nuôi gia cầm giỏi", "Chăn nuôi lợn giỏi", "Chăn nuôi bò giỏi", "Người nuôi tôm giỏi"...
Đây là những "sân chơi" bổ ích không chỉ đối với bà con nông dân tiêu biểu mà cũng là nơi để cán bộ khuyến nông giao lưu, học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, sát cánh cùng người nông dân trên mọi nẻo đường.
Viết tiếp những thành tựu, đóng góp cho sự nghiệp "tam nông"
Trong thư chúc mừng nhân kỷ niệm 30 năm khuyến nông Việt Nam (1993 – 2023), Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đánh giá: Suốt quá trình hình thành và phát triển, nhờ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, với tinh thần đoàn kết, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức của tập thể, sự nỗ lực, sáng tạo của hàng triệu bà con nông dân, ngành khuyến nông đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, đóng góp chung vào sự phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Hệ thống khuyến nông kết nối từ T.Ư đến địa phương, gắn bó mật thiết với nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên mọi miền đất nước.
Ngành khuyến nông đã đảm trách tốt công tác chuyển giao khoa học công nghệ, hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các giải pháp hữuích vào sản xuất, canh tác, giúp cải thiện sinh kế, tăng thêm thu nhập.
"Gần đây, khuyến nông tích cực đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức hoạt động, mở rộng phạm vi bao phủ và đối tượng tiếp nhận. Phối hợp hoạt động theo mô hình hợp tác công - tư, hệ thống khuyến nông kết nối cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, các tổ chức quốc tế. Tại nhiều địa phương, mô hình tổ khuyến nông cộng đồng bước đầu đã có những tín hiệu tích cực, nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của bà con nông dân" – Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá.
Bộ trưởng NNPTNT cũng nhắn nhủ, thời gian tới công tác khuyến nông cần chủ động chuyển đổi từ tư duy khuyến nông hỗ trợ sản xuất sang tư duy khuyến nông tích hợp, gắn với kiến thức, kỹ năng kinh tế nông nghiệp. Tăng cường năng lực để người nông dân thực sự trở thành chủ thể trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới…
Trong đó, đội ngũ khuyến nông cộng đồng - những người gắn bó, đồng hành với bà con nông dân trên mọi miền đất nước, cùng nhau thấm nhuần tư tưởng: "Muốn thay đổi nền nông nghiệp, trước hết và trên hết là cần hỗ trợ để chính người nông dân thích ứng với sự thay đổi, sẵn lòng và chủ động thay đổi".
Về định hướng phát triển Khuyến nông Việt Nam thời gian tới, TS Lê Quốc Thanh – Giám đốc TTKNQG cũng khẳng định: Toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp - đây là thời cơ để hệ thống khuyến nông tiếp tục đổi mới và phát triển.
"Chúng tôi nhận thức rõ sứ mệnh của mình, với phương châm "Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông" để người nông dân thực sự trở thành chủ thể, trung tâm của sự phát triển. Hệ thống khuyến nông sẽ tiếp tục đi đầu trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn để tạo dựng nền "Nông nghiệp sinh thái, phát triển bền vững - Nông thôn hiện đại, phồn vinh - Nông dân văn minh, làm chủ khoa học kỹ thuật".