Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho hay, do tình hình thiên tai ngày càng cực đoan, cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, đã và đang đặt các cộng đồng trong môi trường dễ bị tổn thương. Người dân là một trong những đối tượng đầu tiên phải đối mặt với các rủi ro thiên tai. Việc làm tốt công tác chuẩn bị, phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, nâng cao năng lực cộng đồng là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả cao.
Thời gian qua, Trung tâm KNQG đã đưa ra nhiều giải pháp về kỹ thuật, xây dựng các chương trình, dự án phù hợp như: chủ động bố trí cơ cấu sản xuất né tránh thiên tai; áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời vụ; áp dụng kỹ thuật tưới nước hợp lý, tiết kiệm; áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ phù hợp…
Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, 3 năm gần đây (2020 - 2022), tỉnh bị thiệt hại kinh tế hơn 5.787 tỷ đồng do thiên tai gây ra. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp thiệt hại hơn 3.412 tỷ đồng.
Để khắc phục hậu quả thiên tai, tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều mô hình thích ứng biến đổi khí hậu, giúp nông dân có sinh kế bền vững và hiệu quả như: mô hình chăn nuôi bò, dê, lợn, gà, vịt; chuyển đổi đất lúa thiếu nước vụ hè thu sang trồng ngô sinh khối; nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi xen ghép…
Quảng Trị còn tập trung nguồn lực đầu tư công trình, hạ tầng kỹ thuật phòng chống thiên tai; đặc biệt chú trọng các hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo hướng chủ động thích ứng thiên tai và phát triển bền vững...
Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cho cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai; ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ để xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển sinh kế bền vững, giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng. Tăng cường phát triển hệ thống thông tin dự báo, quy hoạch cụ thể các vùng sản xuất nông nghiệp - phi nông nghiệp. Chuyển đổi cơ cấu thời vụ, cây trồng, vật nuôi thích nghi với điều kiện thiên tai.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận, tham luận về công tác phòng, chống, giảm thiểu rủi ro, thiên tai dựa vào cộng đồng tại các tỉnh, thành khu vực duyên hải miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Đưa ra các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro do thiên tai, phát triển các mô hình sinh kế bền vững cho người dân để ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, thảo luận, chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi cơ cấu thời vụ, cây trồng, vật nuôi thích nghi với điều kiện thiên tai.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh cho biết, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đã từng nói: "Không ai ngăn chặn được thiên tai, nhưng có thể chuẩn bị phòng ngừa trước để giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra" và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng, chống thiên tai.
Vì vậy, diễn đàn này đã cung cấp các giải pháp, mô hình sinh kế, hướng sản xuất cụ thể gắn liền với các loại hình thiên tai cho cộng đồng; xây dựng chiến lược sản xuất phù hợp, giúp nông dân giảm thiểu các rủi ro do thiên tai gây ra.
Chiều cùng ngày, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị tổ chức tọa đàm "Giải pháp phát triển khuyến nông cộng đồng trong phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn"ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, Quảng Trị và Thừa Thiên -Huế được lựa chọn để xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng phục vụ chế biến và xuất khẩu. Quy mô thực hiện từ nay đến năm 2025 phát triển mới 23.000ha rừng gỗ lớn đạt chuẩn.
Để thực hiện mục tiêu này, 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đã thành lập 126 tổ khuyến nông cộng đồng với 897 thành viên. Mục tiêu của tổ khuyến nông cộng đồng nhằm tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tư vấn, dịch vụ, giúp các hợp tác xã và nông dân thay đổi nhận thức, nắm được các bước thực hiện và có những phương án sản xuất hiệu quả để đạt kế hoạch đề ra.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng, giải pháp thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng Việt Nam; các vấn đề liên kết chuỗi sản xuất gỗ lớn; tổ chức hợp tác xã trong liên kết sản xuất gỗ lớn. Vai trò và trách nhiệm to lớn của cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng trong phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn.
Các bước để tham gia chứng chỉ rừng và cách lập hồ sơ tham gia chứng chỉ rừng. Những việc cần phải thực hiện để thúc đẩy vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng, xây dựng vùng nguyên liệu rừng trồng gắn với thực hiện chứng chỉ bền vững FSC, PEFC, VFCS như mục tiêu đề án đã đề ra. Đề xuất phương án tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn, những khó khăn vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho tổ khuyến nông cộng đồng.
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, khuyến nông cộng đồng không có khuôn mẫu, mà tuỳ vào tính chất của từng địa phương để đưa ra nguyên tắc hoạt động. Tuy nhiên, vẫn cần có một số nguyên tắc chung cơ bản. Hội thảo này là nơi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tổ khuyến nông cộng đồng nhằm tiếp tục hướng dẫn, điều chỉnh cho phù hợp.
Trong đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ cố gắng đạt mục tiêu đưa ra một nguyên tắc chung về cách thức hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng; cơ chế, chính sách, sự tham gia của chính quyền địa phương, doanh nghiệp… để cùng nhau hoạt động hiệu quả.
Tại hội thảo, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã trao một số thiết bị cho tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm hoạt động.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.