Tăng cường vai trò của khuyến nông cộng đồng trong phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả

Tuệ Linh - Phạm Hoài Thứ năm, ngày 28/09/2023 05:30 AM (GMT+7)
Ngày 27/9, tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển (NNPTNT) tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo Khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) trong phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả và chuỗi giá trị cây trồng an toàn vùng miền núi phía Bắc.
Bình luận 0


Clip: Hội thảo Khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) trong phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả và chuỗi giá trị cây trồng an toàn vùng miền núi phía Bắc.


Hơn 200 đại biểu tham dự Hội thảo Khuyến nông cộng đồng

Dự và chủ trì Hội thảo có ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, bà Cầm Thị Phong - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La. Tham dự Hội thảo còn có hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan trực thuộc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; một số chuyên gia Nhật Bản; Sở NNPTNT tỉnh Sơn La, Hòa Bình; Trung tâm Khuyến nông Sơn La, Hòa Bình; thành viên tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ); đại diện doanh nghiệp, HTX trên địa bàn 2 tỉnh Sơn La, Hòa Bình.

Vai trò của Khuyến nông cộng đồng trong phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả - Ảnh 2.

Hội thảo Khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) trong phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả và chuỗi giá trị cây trồng an toàn vùng miền núi phía Bắc. Ảnh: Phạm Hoài.

Ngày 8/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 318/QĐ-TTg về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, có chỉ tiêu 13.5 quy định xã đạt chuẩn nông thôn mới phải có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả.

Sau đó, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình Tổ KNCĐ và quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng vùng nguyên liệu và Đề án khuyến nông cộng đồng giai đoạn 2022-2025.

Vai trò của Khuyến nông cộng đồng trong phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả - Ảnh 3.

Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Sơn La phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Phạm Hoài.

Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay, Sở NNPTNT của 13 tỉnh thí điểm đã có quyết định ban hành quy chế mẫu cho các Tổ KNCĐ cho 26 Tổ KNCĐ (mỗi tỉnh 2 tổ thí điểm).

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã ban hành Quyết định số 259/QĐ-KN-TCHC về việc công nhận 26 Tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm và các qui chế hoạt động tổ KNCĐ, gồm 26 Tổ Khuyến nông cộng đồng thí điểm tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu, trong đó có vùng nguyên liệu cây ăn quả miền núi phía Bắc (Hòa Bình, Sơn La).

Tại tỉnh Sơn La, hiện có 2 Tổ KNCĐ trên địa bàn 2 huyện Mai Sơn và Thuận Châu, gồm 14 người. Trong đó, Tổ KNCĐ huyện Thuận Châu có 6 người; Tổ KNCĐ huyện Mai Sơn có 8 người. Cả 2 Tổ KNCĐ đều có cán bộ kỹ thuật phát triển vùng nguyên liệu của Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La.

Vai trò của Khuyến nông cộng đồng trong phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả - Ảnh 4.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, chủ trì Hội thảo. Ảnh: Phạm Hoài.

Tại tỉnh Hòa Bình, hiện có 33 Tổ KNCĐ với 178 thành viên tại các huyện, thành phố. Ngoài 2 Tổ KNCĐ thuộc phạm vi Đề án thì đến nay đã có 12 xã trên địa bàn các huyện: Yên Thủy, Tân Lạc, Kim Bôi, Cao Phong, thành phố Hòa Bình, Lạc Sơn có quyết định thành lập Tổ KNCĐ mở rộng.

Theo đó, Tổ KNCĐ có nhiệm vụ: Chuyển giao công nghệ, khuyến nông; Hỗ trợ, tư vấn phát triển HTX; Hỗ trợ thị trường và liên kết chuỗi giá trị; Đào tạo nông dân số; Các nhiệm vụ chính trị khác tại địa phương; 

Trao đổi thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo trình bày về những khó khăn, kiến nghị trọng hoạt động của Tổ KNCĐ. 

Đó là, các Tổ KNCĐ mới thành lập nên hoạt động còn bị động, lúng túng, chưa có kế hoạch cụ thể, chưa có kinh phí hoạt động trang thiết bị; Thành phần Tổ KNCĐ chưa đảm bảo đa ngành theo yêu cầu, thiếu cán bộ kỹ thuật về chăn nuôi, thủy sản; Cán bộ tham gia Tổ KNCĐ hạn chế kiến thức về phát triển thị trường, quản trị HTX, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị...

Vai trò của Khuyến nông cộng đồng trong phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả - Ảnh 5.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã trao tặng thiết bị cho 4 Tổ KNCĐ của tỉnh Sơn La và tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Phạm Hoài.

Từ những khó khăn trên, nhiều đại biểu kiến nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cần đẩy mạnh nhân rộng khuyến nông cộng đồng, xây dựng các chương trình đào tạo, thu hút nguồn lực địa phương hỗ trợ hoạt động KNCĐ. Tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn cho thành viên Tổ KNCĐ về kinh tế tập thể, phát triển HTX, kiến thức về thị trường, liên kết sản xuất, liên kết chuỗi giá trị, chuyển đổi số, thông tin thị trường...

Tăng cường tổ chức các hội thi, hội thảo, hội nghị đánh giá hiệu quả hoạt động của các Tổ KNCĐ để chọn ra Tổ KNCĐ điển hình tiêu biểu, làm hoạt động mẫu cho các Tổ KNCĐ khác học hỏi.

Khuyến nông cộng đồng là cầu nối liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và người dân

Phát biểu ở buổi tọa đàm chuyên sâu tại Hội thảo về những khó khăn trong việc triển khai đề án KNCĐ, bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La cho biết: Khi bắt đầu Đề án Tổ KNCĐ, tôi cũng rất băn khoan vì với một hệ thống khuyến nông đang đứt gãy thì phải làm gì để cho các hoạt động khuyến nông tại cơ sở có thể phát triển được. 

Bà Phong đặt vấn đề, với một tỉnh có diện tích cây ăn lớn nhất cả nước cùng với việc đang kêu gọi thu hút đầu tư các nhà máy chế biến nông sản thì việc tổ chứ hoạt động KNCĐ như thế nào?

Theo bà Phong, hiện tỉnh Sơn La đang phải xây dựng một chính sách mới cho cán bộ khuyến nông vì dù thế nào chúng ta cũng phải có ít nhất một cán bộ khuyến nông tại cơ sở. Trước đó, tỉnh Sơn La có quyết định 2451 có quy định công chức địa chính nông nghiệp kiêm khuyến nông xã thì khối lượng công việc quá nhiều nên không thể có thời gian thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất tại cơ sở. 

"Khi đã có một cán bộ khuyến nông chuyên trách tại xã thì hoạt động Tổ KNCĐ, nhất là đối với các xã đang có lộ trình về đích nông thôn mới trong giai đoạn 2022-2025 mới thực hiện được. Tỉnh Sơn La đang phấn đấu đến năm 2025 có 83 xã đạt chuẩn nông thôn mới. 

Tuy nhiên hết năm 2022, Sơn La mới có 56 xã, thời gian còn lại nhiệm vụ rất nặng nề. Vì vậy, để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới thì Sơn La phải thực hiện được việc xây dựng các Tổ KNCĐ hỗ trợ phát triển sản xuất tại cơ sở, bà Phong nói.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La mong muốn thông qua Hội thảo này, sẽ có thêm những giải pháp, kinh nghiệm trong việc phát triển các Tổ KNCĐ ở Sơn La. Ngoài 2 Tổ KNCĐ trong đề án thì phải phát triển ra các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2022-2025.

Theo bà Phong, phải tiếp tục nâng cao năng lực cho Tổ KNCĐ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho chính cộng đồng xã, bản, bởi bản thân các đồng chí lãnh đạo xã cũng phải nhận thức được việc thay đổi nhận thức của Tổ KNCĐ là gì, hoạt động như thế nào? 

Cũng theo bà Phong, để phát triển được vùng nguyên liệu cây ăn quả đạt chuẩn thì cần có sự đồng hành của chính quyền, doanh nghiệp và Tổ KNCĐ. Doanh nghiệp cần phải bắt tay chặt với Tổ KNCĐ thì mới phát triển được vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Doanh nghiệp đặt ra tiêu chuẩn cho nhà máy gồm những gì, từ đó Tổ KNCĐ cùng doanh nghiệp và người dân đi phát triển vùng nguyên liệu sao cho đảm bảo yêu cầu đặt ra. Mặt khác, doanh nghiệp cũng phải đồng hành cùng người nông dân trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng hợp đồng và cam kết đôi bên cùng có lợi.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Toàn Thắng, Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao chi nhánh Sơn La (Doveco Sơn La): Là doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Sơn La, tôi mong muốn làm sao nâng cao được vai trò của cán bộ khuyến nông trong việc gắn kết giữa doanh nghiệp với bà con nông dân trong việc phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả đảm bảo chất lượng.

Theo ông Thắng, Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La khánh thành năm 2023, công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm, với nhu cầu nguyên liệu sản xuất rơi vào khoảng 120.000 tấn/năm. Trước khi đặt nhà máy tại Sơn La, trong rất nhiều năm, chúng tôi đã phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả để đáp ứng nhu cầu chế biến của nhà máy. 

"Doveco là doanh nghiệp đi cùng với bà con từ khâu phát triển vùng nguyên liệu, thu mua chế biến và xuất khẩu. Hiện, sản phẩm của doanh nghiệp đã xuất khẩu đi 50 nước trên thế giới. Mà thị trường xuất khẩu rất khó tính nên chúng tôi mong muốn cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con thực hiện đúng được quy trình kỹ thuật trong sản xuất. Từ đó, xây dựng được vùng nguyên liệu đủ lớn, đảm bảo về chất lượng, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật..." ông Thắng chia sẻ.

Nêu ý kiến tại Hội thảo, chuyên gia Nhật bản MORITA Tateo - Cố vấn về thúc đẩy hợp tác Công - Tư (PPP) trong nông nghiệp nhấn mạnh: Các đối tác nước ngoài rất chú trọng đến chất lượng, số lượng sản phảm. Vì vậy, các Tổ KNCĐ cần hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho người nông dân để làm sao ổn định số lượng và chất lượng sản phẩm mà doanh nghiệp yêu cầu.

Đối với các doanh nghiệp, vị chuyên gia người Nhật Bản MORITA Tateo kiến nghị, doanh nghiệp không nên tập trung vào những hộ dân sản xuất đơn lẻ. Thay vào đó, tập trung vào các nhóm hộ, hợp tác xã; đặc biệt các doanh nghiệp nên có đặt hàng về công nghệ theo tiêu chuẩn, khối lượng nhất định. Và doanh nghiệp hướng dẫn tiêu chuẩn, quy trình sản xuất đó thông qua hệ thống Tổ KNCĐ để KNCĐ hướng dẫn người nông dân sản xuất sản phẩm đảm bảo.

MORITA Tateo cho rằng, từ câu chuyện thực tiễn là nhu cầu về nông sản của các doanh nghiệp biến đổi liên tục. Nhiều doanh nghiệp thu mua nông sản có nhu cầu khác nhau. Doanh nghiệp này thu mua nông sản này, chất lượng này, nông sản kia, chất lượng kia. Vì vậy, Tổ KNCĐ phải nắm bắt được nhu cầu thị trường để có phản ứng, tương tác trong sản xuất.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Đến nay, việc triển khai đề án Tổ KNCĐ đã rất thành công. Trong đề án, chúng tôi có thành lập 26 Tổ KNCĐ của 13 tỉnh trong vùng nguyên liệu thì đến nay đã có khoảng 700 Tổ KNCĐ trong toàn quốc. 

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, việc Sơn La đang mong muốn kiện toàn lại đội ngũ khuyến nông cơ sở không chồng chéo với việc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang triển khai đề án Tổ KNCĐ. 

"Nếu chúng ta có khuyến nông viên cơ sở chuyên nghiệp và kết hợp với việc đưa các lực lượng cộng đồng khác tham gia vào hoạt động khuyến nông thì rất tuyệt vời. Trong đó, người biết nhiều chia sẻ cho người biết ít, người không có thông tin chia sẻ cho người không có thông tin, người sản xuất giỏi chia sẻ cho người sản xuất chưa giỏi.... Tôi mong muốn tất cả chúng tôi đều làm khuyến nông, bởi đã sản xuất thì phải có khuyến nông. Thời bây giờ, không ai làm sản xuất được một mình cả mà phải hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị..."

Ông Thanh lấy ví dụ, trong một bản làng ở Sơn La, có hộ gia đình lại sản xuất được xoài VietGAP đi vào siêu thị Big C, bay sang thị trường thế giới mà nhà bên cạnh lại không làm được. Đó là vì hộ sản xuất xoài VietGAP không sản xuất một mình mà sản xuất theo chuỗi liên kết, có khuyến nông cộng đồng giỏi. 

Tại Hội thảo, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã trao tặng thiết bị cho 4 Tổ KNCĐ của tỉnh Sơn La và tỉnh Hòa Bình, mỗi tổ được hỗ trợ 1 điện thoại và 1 máy vi tính do Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) tài trợ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem