Ngày 23/10, TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 16 bị cáo về các tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan 6 gói thầu tại Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh.
Trong số 16 bị cáo hầu tòa, có 4 bị cáo đã bỏ trốn, hiện đang bị truy nã đặc biệt gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch AIC), Nguyễn Hồng Sơn (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty AIC), Trương Thị Xuân Loan (cựu Trưởng Ban Quản lý dự án 3 Công ty AIC), Nguyễn Thị Tích (cựu Trưởng phòng hồ sơ pháp chế của Công ty AIC, kiêm Tổng giám đốc Công ty Mopha).
Tại phiên tòa có 23 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. 4 luật sư được chỉ định bào chữa cho 4 bị cáo đang bỏ trốn ở nước ngoài.
Sau khi kết thúc phần thủ tục, đại diện VKS công bố bản cáo trạng xong, HĐXX chuyển sang phần xét hỏi các bị cáo.
Tại phiên tòa, bị cáo Đỗ Văn Sơn khai, cuối năm 2013, Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo bị cáo sửa báo cáo tài chính để hồ sơ năng lực công ty đảm bảo tham gia gói thầu tại Dự án Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Thời điểm này, Đỗ Văn Sơn đã làm báo cáo tài chính gửi Cục Thuế Hà Nội theo đúng tình hình tài chính của công ty.
"Chị Nhàn vẫn yêu cầu bị cáo chỉnh sửa bản báo cáo tài chính. Bị cáo có nói không làm được thì chị Nhàn nói đó là việc của chúng mày, chúng mày chỉ là người làm thuê không phải chịu trách nhiệm gì" - bị cáo Sơn khai.
Nguyên Kế toán trưởng AIC sau đó đã chỉ đạo và cùng cấp dưới chỉnh sửa bản báo cáo tài chính theo đúng chỉ đạo của bà Nhàn.
Theo bị cáo Đỗ Văn Sơn, bị cáo không được nhận hoa hồng hay hưởng lợi gì từ việc sửa báo cáo tài chính mà chỉ làm theo nhiệm vụ được bà Nhàn giao. Bị cáo nhận thức hành vi sai phạm và rất hối hận.
Tại phiên tòa, bị cáo Đỗ Văn Sơn cũng khai về quá trình lẩn trốn tại nước ngoài. Theo đó, từ năm 2020, bị cáo này đã xin nghỉ việc tại Công ty AIC.
Nhưng vào tháng 4/2022, bị cáo nhận được điện thoại của Nguyễn Thị Thanh Nhàn nói rằng công ty chuyển sang làm dự án "thành phố thông minh". Nếu Sơn muốn làm công việc mới này thì phải đi nước ngoài học tập. Sau 2 tuần suy nghĩ, bị cáo Đỗ Văn Sơn đã đồng ý.
Sau đó, bị cáo Sơn được trợ lý của Nguyễn Thị Thanh Nhàn mua vé máy bay để sang Dubai. Khi vừa xuống sân bay, Đỗ Văn Sơn được một người đón về ở tại căn phòng thuê từ trước và bị thu điện thoại.
Lúc này, Đỗ Văn Sơn mới phát hiện là bị bà Nhàn lừa. Đến ngày 22/6/2023, bị cáo Đỗ Văn Sơn về nước đầu thú.
Nhận thức được hành vi của mình, bị cáo Sơn khuyên các bị cáo khác còn đang bỏ trốn thì trở về đầu thú để nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
Dự kiến, tòa xét xử diễn ra trong 3 ngày (từ 23-25/10).
Theo cáo trạng, dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt năm 2009, tổng vốn đầu tư 238 tỷ đồng.
Dự án gồm 2 giai đoạn và chia thành 6 gói thầu mua sắm trực tiếp. Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC (Công ty AIC) tham gia dự thầu và trúng toàn bộ 6 gói thầu.
Với 6 gói thầu sai phạm, bà Nhàn và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50 tỷ đồng. Viện kiểm sát xác định, việc Công ty AIC trúng thầu có hành vi giúp sức của các bị cáo thuộc Công ty AIC và các công ty có liên quan.
Quá trình điều tra, các bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Hồng Sơn, Trương Thị Xuân Loan, Nguyễn Thị Tích đã bỏ trốn, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.
Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã và phát thư kêu gọi các bị cáo ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng, đồng thời áp dụng đầy đủ các biện pháp đảm bảo thực hiện quyền bào chữa theo quy định. Bị cáo Đỗ Văn Sơn bỏ trốn nhưng ngày 22/6/2023 đã ra đầu thú. Bị cáo Nguyễn Thị Thu Phương cũng bỏ trốn, bị truy nã, nhưng đã ra đầu thú ngày 28/7/2023.
Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 13 bị cáo khác bị xét xử về tội vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; 2 bị cáo bị xét xử về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.