Thư ký tài chính Công ty AIC đầu thú nhưng "không thừa nhận hành vi" đối diện khung hình phạt nào?
Thư ký tài chính Công ty AIC về nước đầu thú nhưng "không thừa nhận hành vi", sẽ đối diện khung hình phạt nào?
Xuân Huy
Thứ sáu, ngày 01/09/2023 11:19 AM (GMT+7)
Nhà chức trách xác định bà Phương giúp sức tích cực cho bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong việc quản lý, điều hành các công ty "quân xanh", "quân đỏ". Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, bị can này không thừa nhận hành vi phạm tội.
Liên quan đến vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh, VKSND Tối cao truy tố bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty AIC, cùng 15 bị can khác.
Trong số này, có 4 người đang bỏ trốn, 2 người từng bỏ trốn, bị truy nã, nhưng hiện đã bị bắt hoặc vừa đầu thú.
Người đầu tiên là Đỗ Văn Sơn, Kế toán trưởng Công ty AIC. Bị can này bỏ trốn khi bị khởi tố, sau đó bị truy nã. Đến ngày 22/6, Sơn bị bắt.
Một bị can khác là Nguyễn Thị Thu Phương, Trưởng bộ phận Thư ký tài chính Công ty AIC. Theo cáo trạng, Phương bỏ trốn và bị truy nã, đến ngày 28/7/2023 ra đầu thú nhưng quá trình điều tra, bị can này không thừa nhận hành vi phạm tội.
Cơ quan tố tụng xác định Phương giúp sức tích cực cho bà Nhàn trong việc quản lý, điều hành các công ty có liên quan đến Công ty AIC; ký mục Kế toán trưởng tại các Báo cáo tài chính trong hồ sơ dự thầu của Công ty Phúc Hưng, chỉ đạo thực hiện lập hồ sơ dự thầu cho các công ty "quân đỏ", "quân xanh" để Công ty AIC trúng 6 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50,6 tỷ đồng.
Hành vi của Nguyễn Thị Thu Phương phạm vào tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, gây thiệt hại trên 1 tỷ đồng thì bị phạt tù từ 10 đến 20 năm.
Nhà chức trách cho biết đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận và xã hội quan tâm; một số bị can, đặc biệt là các bị can đầu vụ đã bỏ trốn, gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cáo trạng thể hiện, Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập, xây dựng và điều hành toàn bộ hoạt động của Công ty AIC và một số doanh nghiệp khác. Năm 2012, tại dự án mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh, bà Nhàn giao cấp dưới thông đồng với nhóm lập hồ sơ thầu về thông số kỹ thuật, cấu hình, giá trang thiết bị...
Chủ tịch AIC còn yêu cầu cấp dưới điều chỉnh số liệu, cung cấp các thông tin không trung thực về năng lực tài chính nhằm đáp ứng đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Các công ty khác nằm dưới sự điều hành của bà Nhàn cũng được huy động làm quân xanh để quân đỏ là AIC trúng thầu.
Kết quả, Công ty AIC trúng 4 gói thầu, Công ty Mopha trúng 2 gói thầu tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh với tổng trị giá hơn 232 tỷ đồng. Qua đây, bà Nhàn gây thiệt hại hơn 50 tỷ đồng ngân sách.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.