Ngày 24/10, trao đổi với PV Dân Việt, một lãnh đạo Huyện uỷ Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, đã chỉ đạo UBND huyện khẩn trương báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra theo quy định. Đồng thời, yêu cầu Ban Tổ chức Huyện uỷ nắm lại nội dung và báo cáo Ban Thường vụ Huyện uỷ về những sai phạm trong công tác nhân sự tại huyện này.
Trước đó, Sở Nội vụ Đắk Lắk đã lập đoàn thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về lĩnh vực nội vụ tại huyện Krông Pắc.
Kết quả thanh tra cho thấy, UBND huyện Krông Pắc đã để xảy ra hàng loạt sai phạm trong công tác nhân sự. Cụ thể, về việc quản lý và sử dụng biên chế, huyện có tổng biên chế chưa sử dụng là 260, trong đó: Công chức 7, số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp (biên chế viên chức) 252 và hợp đồng lao động theo Nghị định 68, Nghị định 161 là 1 người.
UBND huyện Krông Pắc sử dụng vượt 4 hợp đồng theo Nghị định 68 đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục là Trường Mẫu giáo Tuổi Hồng, Trường Tiểu học Tô Hiệu, Trường Tiểu học Trần Bình Trọng, Trường PTDT Nội trú. Ngoài ra, UBND huyện còn sử dụng vượt 7 lãnh đạo quản lý trường học.
Về việc thực hiện các quy định của pháp luật về thiết lập và quản lý hồ sơ công chức, qua kiểm tra cho thấy có 47/83 hồ sơ không đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn và thành phần hồ sơ; hoặc có nhưng chưa hợp lệ (có 2 trường hợp không có văn bằng chuyên môn khi tuyển dụng, 4 trường hợp không có bằng THPT, 16 trường hợp không có chứng chỉ ngoại ngữ, 7 trường hợp không có chứng chỉ tin học, 21 trường hợp không có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, 9 trường hợp không có quyết định tuyển dụng, 8 trường hợp không có quyết định xét chuyển viên chức sang công chức…).
Về việc thực hiện các quy định của pháp luật về thiết lập và quản lý hồ sơ viên chức, qua kiểm tra cho thấy có 109/213 hồ sơ không đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn và thành phần hồ sơ; hoặc có nhưng chưa hợp lệ (có 15 trường hợp chưa có bằng tốt nghiệp THPT, 1 trường hợp bổ nhiệm hiệu trưởng nhưng chưa có bằng Trung cấp Lý luận chính trị, 14 trường hợp không có quyết định tuyển dụng, 22 trường hợp không có quyết định công nhận hết thời gian tập sự, 6 trường hợp không có chứng chỉ Anh văn, tin học; 39 trường hợp quyết định bổ nhiệm ngạch lương không thoả thuận Sở Nội vụ…).
Ngoài ra, tại một số đơn vị sự nghiệp giáo dục trực thuộc, UBND huyện Krông Pắc đã ký hợp đồng lao động với 14 trường hợp không đúng quy định.
Liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm trên, Sở Nội vụ xác định đối với UBND huyện, trách nhiệm chính thuộc về lãnh đạo UBND huyện, mà trực tiếp là Chủ tịch UBND huyện tại các nhiệm kỳ (giai đoạn) trước. Trong đó có một phần trách nhiệm tại thời kỳ từ ngày 01/01/2019 đến 31/3/2022 chưa sâu sát lãnh đạo và chỉ đạo đối với cơ quan tham mưu thực hiện nhiệm vụ dẫn đến những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm theo từng nội dung đã nêu ở phần kết luận thanh tra.
Đối với các cơ quan tham mưu của huyện, Sở Nội vụ xác định trách nhiệm chính thuộc về lãnh đạo Văn phòng HĐND và UBND huyện, Phòng Nội vụ và Phòng Giáo dục và Đào tạo. Trực tiếp là Chánh Văn phòng HĐND và UBND, Trưởng Phòng Nội vụ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo tại các nhiệm kỳ (giai đoạn) trước. Trong đó có một phần trách nhiệm tại thời kỳ từ ngày 01/01/2019 đến 31/3/2022 là tham mưu chưa chặt chẽ và chưa chính xác các nhiệm vụ dẫn đến những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm.
Cũng tại UBND huyện Krông Pắc, sau hơn 5 năm, giáo viên mất việc vẫn chưa nhận được bồi thường.
Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, ngày 9/3/2018, UBND huyện Krông Pắc ra thông báo buộc 550 giáo viên hợp đồng tại địa phương này phải thôi việc do việc tuyển dụng trước đó không đúng quy định, vượt chỉ tiêu biên chế.
Có 6 giáo viên khởi kiện thành 2 vụ án tranh chấp hợp đồng lao động. Vào tháng 4 và 6/2022, TAND tỉnh Đắk Lắk đã công nhận đơn khởi kiện của 6 giáo viên, buộc 2 trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, THCS Ea Kly và UBND huyện Krông Pắc liên đới bồi thường hơn 1,5 tỷ đồng.
UBND huyện Krông Pắc chậm thi hành án vì "huyện đang chờ kháng nghị giám đốc thẩm". Tuy nhiên TAND cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng kháng nghị của địa phương này không có cơ sở.