Vẻ đẹp cổ kính của chùa Trầm thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Thực hiện: Bình Minh
Chùa Trầm cách trung tâm Hà Nội khoảng 24 km. Khuôn viên chùa rộng rãi và thoáng mát, có tường gạch xây bao xung quanh. Ngôi chùa tọa lạc trên một khoảnh đất cao, lưng tựa vào núi Trầm (có độ cao hơn 400m).
Trò chuyện với Dân Việt, sư thầy Thích Đàm Hòa - Trụ trì chùa Trầm cho biết, chùa Trầm có lịch sử lâu đời, do Tướng quân Trần Văn Tăng khởi dựng từ khoảng đầu thế kỷ 16 (khoảng năm 1515).
Bước qua lớp bậc đá đầu tiên ở chùa Trầm là lên tới sân của chùa, sân lát gạch đỏ trang trí cây cảnh hai bên. Lên bậc tam cấp bước vào nhà Trung điện 5 gian mái ngói, hàng cột hiên được dựng bằng đá vô cùng vững chắc. Nhìn từ xa ngôi chùa nằm thu mình bên cạnh núi, cảm giác như nhỏ bé nhưng kết cấu “thượng thu hạ thách” lại vững như bàn thạch.
Đi tiếp vào bên trong là Thượng điện và Hậu cung. Hậu cung là nơi tôn nghiêm người ngoài không được phép tự ý vào. Thường chỉ những ngày mùng Một, Rằm, lễ tết mới mở cửa Hậu cung để vào bao sái, quen dọn, thực hành cúng lễ.
Bên trong chùa có nhiều đồ thờ quý giá, cũng như các lối kiến trúc độc đáo với nhiều mảng chạm khắc tinh xảo trên cửa, trên bức khảm. Ngoài ra còn có nhiều di vật đặc trưng như: Các cặp câu đối, hoành phi sơn son thiếp vàng, án thờ, ngai thờ, tượng phật…
Truyền thuyết về núi Trầm được các vị bô lão ở thôn Long Châu kể lại: Từ thời thượng cổ có một ngôi sao sáng, đẹp nhất thiên đình là Tử Vi tinh, tự nhiên rơi xuống trần gian và hoá thành dãy núi đá Tử Vi tinh. Dãy núi đá này gọi là Tử Trầm Sơn. Nguyên xưa, Tử Trầm Sơn gồm đỉnh lớn như con phượng hoàng khổng lồ nhô đầu lên, vì vậy gọi là Ngũ Nhạc Sơn. Đến thời Lý, Trần đổi tên theo truyền thuyết là Tử Trầm Sơn.
Khu núi Trầm thời vua Lê, chúa Trịnh (Lê Chiêu Tông, 1516 - 1522) đã cho dựng cung điện vào năm 1516. Thời này vua chúa đã sai dân khai sông suối quanh núi để ngự thuyền rồng ngắm cảnh, tạo lên cảnh sơn thuỷ hữu tình, kỳ sơn thuỷ tú. Tháng 4 năm 1993, núi Bút bị sập do phá đá nung vôi, cho đến thời điểm này khu hành cung núi Bút đã bị san bằng.
Cũng như những ngôi chùa cổ Việt Nam, chùa Trầm thờ Phật theo phái Đại Thừa, ngoài ra còn thờ các vị Tổ và Mẫu.
Chùa Trầm là một trong bốn ngôi chùa thiêng liêng thuộc “tứ đại danh thắng xứ Đoài. Theo sư thầy Thích Đàm Hòa, chùa Trầm còn được biết đến với tên gọi Thiền viện Trầm Chương.
Cũng theo nhiều cụ cao niên trong làng, chùa Trầm còn được mệnh danh là “nàng chúa đá” của miền Bắc Việt Nam với hàng loạt các hang động và những bức tượng nằm sâu trong lòng núi.
Bà Nguyễn Thị Tâm, xóm Miếu, thôn Long Châu, xã Phụng Châu chia sẻ, chùa Trầm mang đậm dấu ấn kiến trúc văn hóa tâm linh của người dân Đồng bằng Bắc Bộ. Chùa đã qua nhiều lần trùng tu và hiện nay còn giữ được nhiều tượng Phật mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 18-19 với những nét chạm khắc công phu, tinh tế...
"Đến chùa Trầm không chỉ được thắp hương lễ Phật mà còn được chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên đặc sắc xung quanh quần thể kiến trúc của chùa", bà Tâm cho biết.
PV Dân Việt theo chân bà Tâm leo lên đỉnh của núi Trầm, từ đây phóng tầm mắt ra xa, nhiều ngôi nhà mới khang trang, to đẹp của người dân xã Phụng Châu. Nằm cạnh núi Trầm là những cánh đồng lúa đang vào "thì con gái", bên cạnh là dòng sông với làn nước trong xanh hiền hòa gợn từng con sóng nhỏ.
Theo bà Tâm, những vách đá, tán cây trên núi xòa bóng che trở cho chùa Trầm và làm cho không gian ở đây mát mẻ quanh năm. Với bề dày lịch sử diễn ra tại đây, chùa Trầm đã được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ rất sớm, năm 1962.
Người dân xã Phụng Châu cho biết, núi và chùa Trầm liền một khối không thể tách rời. Núi mang màu trầm tích, giữ trong mình giá trị lịch sử không thể phai mờ về cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam.
Theo đó, trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ xâm lược Bác Hồ đã 7 lần về Chương Mỹ, trong đó 3 lần Bác về làm việc và nói chuyện với quân và dân ở núi Trầm, chùa Trầm.
Cũng theo sư thầy Thích Đàm Hòa, lễ hội chùa Trầm được tổ chức vào ngày 2/2 Âm lịch hàng năm. Người dân tới lễ chùa Trầm để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu cho cuộc sống an lành, thịnh vượng.
Hội chùa Trầm xưa mang đậm nét văn hoá dân tộc với những trò chơi dân gian: đu tre, rối nước, cờ tướng, leo cột mỡ, đánh vật, chọi gà… và cả lễ rước ảnh Bác gắn với dấu ấn lịch sử khi Bác Hồ nhiều lần về thăm và làm việc tại nơi đây.
Chùa Trầm còn vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Chính phủ về thăm như: Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... để lại dấu tích lịch sử đáng ghi nhớ.