Ngôi chùa nhà Trần với tích tiên nữ giáng trần dạo chơi, rửa chân ở Hà Tĩnh có gì đặc biệt?

Tập Thỏa Thứ hai, ngày 09/10/2023 14:38 PM (GMT+7)
Tương truyền khi xưa các tiên nữ thấy phong cảnh đẹp nên đã dạo chơi trên núi Tiên An tại xã Thịnh Lộc huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh), trước khi về những nàng tiên đã rửa chân, để lại dấu tích. Người dân đã xây chùa, đặt tên là chùa Chân Tiên để ghi nhớ.
Bình luận 0

Nhiều sự tích huyền bí

Chùa Chân Tiên (hay còn gọi là Chân Tiên tự) được xây dựng vào đời nhà Trần (thế kỷ XIII) trên núi Tiên An tại xã Thịnh Lộc huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh), một trong 99 ngọn núi của dãy Hồng Lĩnh, được tôn xưng là "Tiên An đệ nhất danh lam".

Hà Tĩnh: Bí ẩn huyền bí về ngôi chùa nhà Trần được tiên nữ xuống dạo chơi và rửa chân in dấu tích - Ảnh 1.

Chùa Chân Tiên nằm trên núi Tiên An, xã Thịnh Lộc huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh), nơi đây được mệnh danh là Tiên An đệ nhất danh lam. Ảnh: PV

Sự ra đời của ngôi chùa này gắn với những sự tích mang màu sắc huyền bí. Tương truyền, khi xưa có một đoàn tiên nữ nhà trời, sau khi xin phép mẫu Cửu Trùng xuống thăm thú chốn hạ giới đã chọn đỉnh Tiên An làm nơi dừng chân.

Bởi Tiên An lưng dựa vào núi, mặt hướng ra biển, ngày đêm thông reo, cảnh vật hiền hòa lại còn có dòng suối Ngọc nước trong vắt bốn mùa, cảnh sắc không đâu đẹp hơn. Sau khi vãn cảnh núi sông, hang động... các tiên nữ đã cùng xuống hồ nước ngay phía trước núi để tắm, rồi lại rủ nhau lên một tảng đá cạnh hồ ngồi đánh cờ, say sưa với cảnh hoa thơm cỏ lạ, suối nước trong xanh nên chẳng chịu rời đi.

Hà Tĩnh: Huyền bí ngôi chùa nhà Trần được tiên nữ xuống dạo chơi, rửa chân in dấu tích - Ảnh 2.

Những dấu chân ngựa thần linh thiêng được người dân thờ phụng, trên núi Tiên An tại xã Thịnh Lộc huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: PV

Trong lúc chơi đùa, một nàng niên đuổi theo con bướm vàng 6 cánh vô tình dẫm phải một cái lông nhím, chân bị đau, nàng không thể đi được nên phải dùng ngựa thần để về trời. Trước khi về, các nàng tiên khác đã dùng nước suối Ngọc để rửa chân cho nàng và gót ngọc đã in dấu trên mặt đá cùng dấu chân ngựa thần.

Hà Tĩnh: Bí ẩn huyền bí về ngôi chùa nhà Trần được tiên nữ xuống dạo chơi và rửa chân in dấu tích - Ảnh 3.

Những dấu chân ngựa thần được lưu lại khi tiên nữ quay về trời. Ảnh: PV

Về sau địa điểm này rất linh thiêng, người dân lên núi cầu được như ý nguyện. Để bày tỏ lòng biết ơn, người dân đã xây chùa và đặt tên là chùa Chân Tiên để ghi nhớ sự tích này.

Kiến trúc độc đáo

Chùa đã 3 lần được trùng tu, tôn tạo, lần gần đây nhất là vào năm 2005. Hiện nay, chùa có 2 ngôi thờ Phật tổ và thờ Thánh Mẫu.

Chùa thờ Phật có diện tích 50m2, kiến trúc theo kiểu tứ trụ gồm 3 gian lợp ngói âm dương, 4 cột xây, tường bao 3 phía. Chùa thờ Thánh Mẫu còn gọi là "Điện Thánh Mẫu" gồm Thượng điện, Trung điện (kiệu Long đình) và Bái đường có tổng diện tích 50m2.

Hà Tĩnh: Bí ẩn huyền bí về ngôi chùa nhà Trần được tiên nữ xuống dạo chơi và rửa chân in dấu tích - Ảnh 4.

Chùa Chân Tiên nằm giữa rừng thông xanh mát, khung cảnh nên thơ, hùng vỹ. Ảnh: PV

Trước cửa Thượng điện có đề 4 chữ Hán: "Thiên hạ mẫu nghi" và hình chim phượng đang giang cánh bay lên. Giữa đỉnh nóc có hình mặt nguyệt. Bốn góc mái có hình rồng và hoa lá viền quanh.

Trong điện trên mái sau có 3 chữ Hán: "Thượng Thánh cung". Trung điện là nơi đặt đồ tế lễ và nơi hóa hương của khách đến viếng. Bốn đầu đao trên mái điện có 8 hình rồng. Trong điện có 8 con hạc chầu. Hai bên hành lang thờ bộ hạ của Thánh Mẫu có 2 con hổ phù.

Hà Tĩnh: Bí ẩn huyền bí về ngôi chùa nhà Trần được tiên nữ xuống dạo chơi và rửa chân in dấu tích - Ảnh 5.

Mặc dù đã được xây dựng từ lâu và trải qua nhiều lần trùng tu nhưng ngôi chùa hiện vẫn giữ được sự thâm nghiêm, cổ kính với những nét kiến trúc đặc trưng của thời Trần. Ảnh: PV

Nhà Bái đường trước có ba chữ Hán "Tạ Phúc đường", bốn cột nhà đều có treo câu đối ca ngợi công đức Thánh Mẫu. Trong chùa Chân Tiên hiện có 14 tượng phật làm bằng gỗ mít, một bàn thờ, một lư hương, một hương án, trống, mõ...

Địa chỉ đỏ của phong trào cách mạng của thời kỳ 1930-1931

Ngoài những yếu tố cảnh quan thiên nhiên ban tặng, khu di tích Chân Tiên, còn là địa chỉ đỏ của phong trào cách mạng của thời kỳ 1930-1931. Ngày 25/4/1930, tại địa điểm này Chi bộ Yên Điềm (tiền thân của Đảng bộ xã Thịnh Lộc ngày nay) được thành lập, để lãnh đạo giành chính quyền về tay nhân dân.

Hà Tĩnh: Bí ẩn huyền bí về ngôi chùa nhà Trần được tiên nữ xuống dạo chơi và rửa chân in dấu tích - Ảnh 6.

Trong chùa Chân Tiên hiện có nhiều tượng phật được chạm khắc tỉ mỉ, mang kiến trúc thời Trần. Ảnh: PV

Nơi đây có vị trí địa bàn thuận lợi các chiến sỹ đóng giả những nhà tu hành, thầy tiểu để hoạt động cách mạng, viết truyền đơn, cất giấu tài liệu phục vụ cho phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 – 1931.

Ngoài ra, chùa Chân Tiên là nơi che chở các bộ cao cấp Xứ uỷ Trung Kỳ về trực tiếp chỉ đạo phong trào các cuộc biểu tình ngày 28/7/1930 của nông dân các xã vùng Hạ Can kéo về tại ngã ba Nghèn (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) lịch sử để đấu tranh giành độc lập tự do.

Hà Tĩnh: Huyền bí ngôi chùa nhà Trần được tiên nữ xuống dạo chơi, rửa chân in dấu tích - Ảnh 7.

Theo truyền thuyết, giếng Thần là nơi các tiên nữ từng rửa chân. Ảnh: PV

Lễ hội chùa Chân Tiên được tổ chức vào ngày mùng 3/3 (Al) hàng năm. Thu hút hàng ngàn các vị tăng ni phật tử, du khách trong và ngoài tỉnh về lễ chùa vãn cảnh, thắp hương nguyện cầu.

Đây đã trở thành ngày hội truyền thống, hoạt động văn hoá tâm linh và là nét đẹp truyền thống thuần phong mỹ tục, một biểu tượng đặc trưng mang nét đẹp văn hoá riêng có trong đời sống tinh thần của người dân Thịnh Lộc và du khách gần xa.

Hà Tĩnh: Bí ẩn huyền bí về ngôi chùa nhà Trần được tiên nữ xuống dạo chơi và rửa chân in dấu tích - Ảnh 8.

Lễ hội chùa Chân Tiên thu hút hàng ngàn du thập phương khắp mọi miền đất nước về tham dự. Ảnh: PV

Lễ hội diễn ra trong 2 ngày, sau phần dâng hương tế lễ là phần hội với các hoạt động giao lưu văn nghệ, đua thuyền trên Bàu Tiên, đấu vật truyền thống, bóng chuyền bãi biển, kéo co, đi cà kheo, đánh cờ thẻ, thả diều, cắm trại... thu hút đông đảo bà con tham gia.

Với những giá trị nghệ thuật độc đáo, giá trị văn hoá và truyền thống lịch sử cách mạng, chùa Chân Tiên đã được bộ Văn hoá xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia vào năm 1992.

Hà Tĩnh: Bí ẩn huyền bí về ngôi chùa nhà Trần được tiên nữ xuống dạo chơi và rửa chân in dấu tích - Ảnh 9.

Chùa Chân Tiên trở thành điểm văn hóa tâm linh của nhiều người. Ảnh: PV

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Khắc Phong-Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc, cho biết: "Chùa Chân Tiên là nơi chứa nhiều điển tích, huyền thoại bí ẩn. Sự tích của chùa gắn với nhiều điển tích linh thiêng, đây trở thành điểm văn hóa tâm linh của người dân trong và ngoài xã.

Lễ hội chùa Chân Tiên hàng năm là để bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, hướng về cội nguồn, ngưỡng vọng tâm linh và đồng thời cũng là dịp, để chúng ta khám phá tìm hiểu một di tích danh thắng Quốc gia."

"Chúng tôi định hướng xây dựng khu di tích danh thắng Chân Tiên, gắn với du lịch sinh thái, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân, mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế, du lịch của huyện mới Lộc Hà nói chung và xã Thịnh Lộc nói riêng", ông Nguyễn Khắc Phong-Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc, nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem