Sản xuất thuận lợi, sản lượng lúa tăng
Báo cáo của Cục Trồng trọt cho thấy, tổng diện tích gieo trồng vụ hè thu 2023 ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên ước đạt 266.190ha, tăng 1.860ha so với vụ trước; năng suất ước đạt 60,42 tạ/ha, tăng 0,84 tạ/ha; sản lượng ước đạt 1,61 triệu tấn thóc, tăng 34.000 tấn so với vụ hè thu 2022.
Đối với vụ mùa 2023, tổng diện tích gieo trồng của vùng ước đạt 356.600ha, năng suất ước đạt 54,20 tạ/ha, tăng 1,31 tạ/ha; sản lượng ước đạt 1,93 triệu tấn thóc, tăng 38.000 tấn so với vụ mùa 2022.
Như vậy, tổng diện tích gieo trồng lúa toàn vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên năm 2023 ước đạt 1,028 triệu ha; năng suất ước 60,24 tạ/ha, tăng 1,33 tạ/ha; sản lượng ước 6,2 triệu tấn thóc, tăng 130.000 tấn so với năm 2022.
Cơ cấu giống lúa khuyến cáo
* Các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ: Giống chủ lực: HT1, OM4900, Thiên ưu 8, KDđb, DV108, TBR36, ML48, ML49, ML202, ML214, VD20, Đài thơm 8, TH3-3, Nhị ưu 838, BC15, TBR225...
* Các tỉnh Đông Nam Bộ: Giống chủ lực: OM6976, OM4900, OM5451, ML48, Đài thơm 8...
* Các tỉnh Tây Nguyên: Giống chủ lực: HT1, VND95-20, ML48, OM4900, OM6162, OM5451, IR64, Đài Thơm 8, TH3-3, Nhị ưu 838...
* Giống bổ sung:RVT, ĐV108, DT45, Hưng Long 555, Hương Châu 6…
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động rõ nét, Cục khuyến cáo các địa phương trong vùng tập trung sử dụng giống ngắn ngày trong vụ hè thu,vụ mùa 2023. Theo đó, có khoảng 95% diện tích sử dụng giống ngắn ngày: ANS1, ANS1399, BĐR27, Bắc Thịnh, Hưng Long 555, DT45, OM6976…
Ngoài ra, các giống lúa chất lượng cao và lúa thơm được nhiều địa phương bổ sung vào cơ cấu giống như: HT1, RVT, VD20, OM4900, OM5451, OM6162, OM7347, BC15... "Sử dụng giống ngắn và cực ngắn ngày trong tình hình khô hạn thiếu nước đã mang lại hiệu quả cao, giảm tối thiểu 2 lần tưới (10-12 ngày)/vụ" - ông Cường cho biết.
Ngoài ra, Cục Trồng trọt đã phối hợp các địa phương triển khai kế hoạch và các giải pháp chỉ đạo sản xuất sớm hơn, bố trí thời vụ gieo sạ phù hợp và tập trung xuống giống nhanh, gọn; chủ động lịch xuống giống linh hoạt cho từng tiểu vùng tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương. Vùng đủ nước tưới tăng cường đầu tư thâm canh; vùng có nguy cơ thiếu nước cuối vụ đã chuyển đổi cây trồng khác sử dụng ít nước như: ngô, lạc, vừng, rau, đậu, cỏ chăn nuôi...
Đáng chú ý, hưởng ứng chương trình phát động giảm lượng giống lúa gieo sạ của Bộ NNPTNT, các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đã đồng loạt tiếp tục triển khai trong sản xuất lúa vụ hè thu, vụ mùa đến các địa phương và hộ dân.
Kết quả cho thấy các hộ đã được nhận thức và đang thay đổi dần tập quán gieo sạ lúa mật độ cao. Các tỉnh đã chủ động xây dựng nhiều mô hình giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80kg/ha có kết quả tốt và đang tuyên truyền nhân rộng trong thời gian tới.
Đồng thời, nhiều tỉnh còn xây dựng chương trình tuyên dương khen thưởng đến các cá nhân, tập thể thực hiện tốt chương trình giảm lượng giống gieo sạ, phấn đấu những năm tới gieo sạ trung bình đạt 80kg/ha cho sản xuất lúa thuần. Sở NNPTNT các tỉnh tiếp tục triển khai, vận động tuyên truyền nông dân thực hiện tiến bộ kỹ thuật "1 phải, 5 giảm".
Tuy nhiên, theo ông Cường, bên cạnh những kết quả đạt được, một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo giảm khối lượng hạt giống lúa gieo sạ trên một đơn vị diện tích, nên xu hướng giảm lượng giống lúa gieo sạ còn chậm. Các tiến bộ kỹ thuật canh tác để giảm giá thành sản xuất lúa và các cây trồng khác chưa được đẩy mạnh áp dụng.
Đẩy mạnh sử dụng giống ngắn ngày
Theo Cục Trồng trọt, kế hoạch diện tích lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 toàn vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là 406.000ha, năng suất bình quân 65,70 tạ/ha, tăng 0,27 tạ/ha; sản lượng ước đạt 2,67 triệu tấn thóc.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh, thành tập trung đánh giá mùa vụ sản xuất và cân đối nguồn nước tưới, khả năng khai thác các nguồn nước tưới bổ sung để có các giải pháp tập trung chỉ đạo; vùng an toàn nguồn nước cho sản xuất tập trung canh tác đúng lịch thời vụ, tăng cường thâm canh.
Vùng có nguy cơ hạn hán, không đủ lượng nước cho sản xuất cần tập trung bố trí chuyển từ cơ cấu sản xuất 3 vụ sang 2 vụ, hoặc bố trí lại thời vụ sản xuất phù hợp để né tránh hạn, mặn và áp dụng kỹ thuật canh tác để hạn chế tác động của hạn, mặn đến sản xuất lúa. Đẩy mạnh chuyển đổi những vùng thiếu nước tưới sang cây trồng cạn ngắn ngày để tăng hiệu quả sản xuất và tiết kiệm nước tưới.
Về khung thời vụ, Cục Trồng trọt khuyến cáo, những diện tích chủ động nguồn nước bố trí thời vụ xuống giống đại trà tập trung từ ngày 10 - 31/12/2023 (cố gắng không gieo muộn hơn sau ngày 10/1/2023), thu hoạch trước 30/4/2023.
Những diện tích không chủ động nguồn nước, cần gieo sớm hơn lúa đại trà chính vụ (trước 10/12/2023), diện tích này chiếm 10-15% diện tích gieo trồng. Vùng trũng thoát nước kém, tranh thủ nước rút đến đâu xuống giống đến đó; phấn đấu gieo sạ trước 10/1/2024. Đối với những diện tích nước rút quá chậm sau 10/1/2024, có thể gieo mạ cấy để tranh thủ thời gian và rút ngắn sinh trưởng, lúa trỗ bông sớm.
Các tỉnh Đông Nam Bộ, vụ đông xuân sớm xuống giống tháng 10 đến đầu tháng 11 diện tích gieo sạ ước 20.000ha, đạt 25% diện tích kế hoạch gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước. Đợt 2, đông xuân chính vụ xuống giống đầu tháng 11 đến tháng 12; đợt 3 đông xuân muộn xuống giống cuối tháng 12 đến đầu tháng 1 năm sau.
Các tỉnh Tây Nguyên vùng chủ động nguồn nước tưới, tập trung xuống giống trong khung thời vụ từ 10 – 31/12/2023. Những vùng cân đối nguồn nước có nguy cơ thiếu vào cuối vụ (mùa khô) các địa phương phải tính toán cân đối diện tích xuống giống phù hợp lượng nước trong hồ đập và khuyến cáo sử dụng giống ngắn ngày, gieo sạ sớm hơn lúa đại trà (trước 10/12/2023).
"Các tỉnh cần đẩy mạnh sử dụng cấp giống xác nhận, giống ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng khá, cứng cây, chống đổ ngã, chống chịu khô hạn tốt. Vùng có nguy cơ thiếu nước: bố trí giống có thời gian sinh trưởng ngắn" - ông Cường nhấn mạnh.