Cập nhật giá gạo mới nhất ngày 14/8: Giá lúa neo cao, giá gạo giảm 200 đồng/kg

Nguyễn Phương Thứ hai, ngày 14/08/2023 15:44 PM (GMT+7)
Cập nhật giá gạo mới nhất ngày 14/8: Hôm nay giá lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ổn định và neo ở mức cao. Với mặt hàng gạo, giá gạo thành phẩm, nguyên liệu giảm 100 -200 đồng/kg. Mặt hàng phụ phẩm, tấm có giá đi ngang. Tại các chợ lẻ, giá gạo không có điều chỉnh.
Bình luận 0

Cập nhật giá gạo mới nhất ngày 14/8: Lúa neo cao, gạo giảm

Giá lúa gạo hôm nay ngày 14/8/2023 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ổn định và neo ở mức cao. Theo đó, tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang, giá lúa IR 504 ở mức 7.300 - 7.500 đồng/kg; OM 18 ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức 7.400 - 7.600 đồng/kg; OM 5451 ở 7.600 - 7.800 đồng/kg; Nàng Hoa 9 có giá 7.200 - 7.600 đồng/kg; lúa Nhật cũng ổn định ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa Nàng Nhen (khô) ở mức 13.000 đồng/kg.

Với lúa nếp, nếp Long An (tươi) ở mức 6.700 - 7.000 đồng/kg; giá nếp An Giang tươi ở mức 6.300 - 6.600 đồng/kg; nếp An Giang (khô) ở mức 7.700 - 7.900 đồng/kg; nếp Long An (khô) có giá 7.700 - 7.900 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm tiếp tục giảm. Theo đó, giá gạo nguyên liệu ở mức 12.100 – 12.200 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; giá gạo thành phẩm ở mức 14.100 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg.

Với mặt hàng phụ phẩm, giá tấm IR 504 duy trì ở mốc 11.600 đồng/kg; cám khô ở mức 7.600 đồng/kg.

Cập nhật giá gạo mới nhất ngày 14/8: Lúa neo cao, gạo giảm 200 đồng/kg, thị trường giao dịch chậm - Ảnh 1.

BẢNG GIÁ LÚA HÔM NAY 14/8

Cập nhật giá gạo mới nhất ngày 14/8: Lúa neo cao, gạo giảm 200 đồng/kg, thị trường giao dịch chậm - Ảnh 2.

BẢNG GIÁ GẠO HÔM NAY 14/8

Cập nhật giá gạo mới nhất ngày 14/8: Lúa neo cao, gạo giảm 200 đồng/kg, thị trường giao dịch chậm - Ảnh 3.

GIÁ GẠO NGUYÊN LIỆU VÀ THÀNH PHẨM HÔM NAY 14/8

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hôm nay lượng gạo về ít hơn so với những ngày cuối tuần trước, các bến vắng gạo, giá gạo giảm nhẹ.

Với thị trường lúa, giá lúa neo cao, giao dịch mới ít. Các doanh nghiệp và kho ngưng mua. Thị trường giao dịch trầm lắng.

Trên thị trường xuất khẩu gạo, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 11/8, giá gạo xuất khẩu 5% tấm giao dịch ở mức 638 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 618 USD/tấn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, tổng diện tích lúa cả nước khoảng 7,1 triệu ha; năng suất trung bình đạt 60,7 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 43,1 triệu tấn thóc, tăng trên 452.000 tấn so với năm 2022. Từ nay đến cuối năm nếu thời tiết không diễn biến bất thường thì sản lượng lúa sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và xuất khẩu.

Các nước đang tăng cường dự trữ, tình trạng thiếu hụt đã diễn ra khá nghiêm trọng, giá gạo toàn cầu tăng mạnh khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gạo của Việt Nam đang đứng trước cả cơ hội và thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, với sản lượng 43 triệu tấn thóc, sau khi để tiêu dùng nội địa, năm nay Việt Nam ước cố gắng thì có thể xuất khẩu được trên 7,5 – 8 triệu tấn gạo, cao hơn 400.000 – 900.000 tấn so với năm 2022.

Về xuất khẩu, hoạt động buôn bán bị hạn chế do các nhà xuất khẩu vẫn dự đoán giá gạo sẽ tăng hơn nữa. Các nhà xuất khẩu không ký hợp đồng xuất khẩu mới do giá gạo trong nước ngày càng đắt đỏ, khiến họ khó đảm bảo đủ nguồn cung cho các hợp đồng.

Không chỉ Việt Nam, giá gạo xuất khẩu tại các "vựa lúa" châu Á tiếp tục nới rộng đà tăng. Giá gạo Thái Lan hiện đã tăng gần 20% giá trị kể từ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati trong tháng 7/2023. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức từ 650 - 655 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 10/2008, so với mức từ 627 - 630 USD/tấn trong tuần trước.

Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức kỷ lục từ 460 - 467 USD/tấn, tăng so với mức từ 450 - 455 USD/tấn trước đó do nhu cầu chuyển sang loại gạo này sau lệnh cấm đối với loại gạo non-basmati.

Cập nhật giá gạo mới nhất ngày 14/8: Lúa neo cao, gạo giảm 200 đồng/kg, thị trường giao dịch chậm - Ảnh 5.

Nông dân các tỉnh miền Tây tất bật thu hoạch lúa. Ảnh: Chúc Ly

Tồn trữ gạo thế giới có thể tiếp tục giảm liền 3 năm

Theo thông tin mới nhất, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính tồn trữ gạo thế giới niên vụ 2022/23 giảm, và sẽ tiếp tục giảm trong niên vụ 2023/24.

USDA ước tính tồn trữ gạo toàn cầu cuối niên vụ 2022/23 giảm 2,2 triệu tấn so với báo cáo tháng 4, xuống 169,2 triệu tấn, thấp hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Myanmar, Campuchia, Ấn Độ, Mexico và Pakistan chiếm phần lớn sự điều chỉnh giảm đối với tồn trữ gạo thế giới cuối năm 2022/23.

Tồn trữ của Ấn Độ ước tính giảm 1,5 triệu tấn xuống còn 31,0 triệu tấn do nhu cầu tiêu thụ nội địa tưang. Tồn trữ cuối vụ ở Pakistan ước tính giảm 0,9 triệu tấn xuống 0,8 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ vụ 2013/14, do sản lượng giảm. Những thị trường có lượng tồn trữ được điều chỉnh tăng là: Mali, Nigeria, Philippines, Senegal, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela.

Về niên vụ 2023/24, USDA dự đoán tồn trữ gạo toàn cầu sẽ tiếp tục giảm 2,5 triệu tấn so với báo cáo tháng 4, xuống 167 triệu tấn. Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 81% dự trữ gạo toàn cầu. Tỷ lệ sử dụng – tồn trữ gạo toàn cầu trong năm 2023/24 được dự đoán là 31,9%, giảm so với mức 32,4% một năm trước và là mức thấp nhất kể từ năm 2016/17.

Tồn trữ của Trung Quốc dự kiến sẽ không thay đổi và chiếm phần lớn trong tổn tồn trữ gạo toàn cầu, trong khi tồn trữ của Ấn Độ được dự báo sẽ giảm do nhu cầu sử dụng trong nước tăng mạnh và xuất khẩu ổn định. Tồn trữ cuối vụ của Mỹ được dự báo sẽ tăng trở lại nhờ được mùa lúa.

Nhìn chung, tồn trữ tại các thị trường xuất khẩu gạo lớn dự báo sẽ giảm năm thứ ba liên tiếp.

Với việc tiêu thụ nội địa dự kiến sẽ vượt sản lượng toàn cầu một lần nữa, tồn trữ gạo toàn cầu cuối vụ 2023/24 dự kiến sẽ giảm 2,5 triệu tấn xuống còn 166,7 triệu, năm thứ ba liên tiếp giảm và là năm tồn trữ thấp nhất kể từ 2017/18. Ấn Độ chiếm phần lớn mức giảm tồn trữ cuối kỳ dự kiến trên toàn cầu vào niên vụ 2023/24, giảm 2,5 triệu tấn xuống 28,5 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ niên vụ 2017/18. 

Sự suy giảm tồn trữ cuối kỳ của Ấn Độ là kết quả của việc tồn trữ gối vụ giảm và tiêu thụ cao kỷ lục cũng như xuất khẩu đạt kỷ lục mới, mặc dù sản lượng bội thu. Tồn trữ cuối kỳ của Bangladesh dự kiến sẽ giảm 0,2 triệu tấn xuống dưới 2,0 triệu tấn do tăng tiêu thụ vượt xa sản lượng.

Tồn trữ của Nhật Bản cuối vụ 2023/24 dự kiến sẽ giảm gần 0,2 triệu tấn xuống còn 1,6 triệu do sản xuất liên tục giảm. Một vụ mùa kém hơn cũng là nguyên nhân khiến tồn trữ cuối kỳ của Nigeria giảm gần 0,2 triệu tấn xuống còn 1,8 triệu tấn. Tồn trữ cuối kỳ cũng được dự đoán sẽ giảm vào năm 2023/24 tại Liên minh Châu Âu, Hàn Quốc, Philippines và Đài Loan (Trung Quốc).

Ngược lại, cuối vụ 2023/24, tồn trữ của Pakistan dự kiến sẽ tăng gần 0,8 triệu tấn lên 1,5 triệu do vụ mùa phục hồi mạnh mẽ. Ngoài ra, tồn trữ cuối kỳ dự kiến sẽ tăng ít nhất 70.000 tấn vào năm 2023/24 tại Campuchia, Colombia, Ai Cập và Mỹ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem