Diễn đàn Kinh tế Xanh 2023 (GEF) do Hiệp hội Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) tổ chức. Diễn đàn có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Ngoài ra, GEF còn có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện một số bộ ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp...
Phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế xanh, ông Gabor Fluit - Chủ tịch EuroCham cho biết, vài tháng sau GEFE 2022 được tổ chức tại TP.HCM vào năm 2022, Việt Nam đã công bố Quy hoạch Phát triển Điện lực 8. Việt Nam cũng đã ký kết Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng trị giá 15,5 tỷ USD vào tháng 12/2022. Thỏa thuận này không chỉ đảm bảo nguồn tài trợ cho quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam mà còn mở đường cho việc cải tiến lưới điện, áp dụng năng lượng xanh trên diện rộng và tiếp cận năng lượng sạch toàn cầu.
Mặc dù những thành tựu này là đáng kể, nhưng hành trình vẫn đang tiếp diễn, cần những nỗ lực hết sức cần thiết để vượt qua những thách thức của biến đổi khí hậu. Những thách thức này không hề trừu tượng khi nhiệt độ ngày càng tăng cao đang tạo ra các mối đe doạ cho các khu vực ven biển, bao gồm cả khu vực TP.HCM khi có nguy cơ bị nhấn chìm do mực nước biển dâng cao. Vùng ĐBSCL - trung tâm nông nghiệp của khu vực với 20 triệu dân đã phải đối mặt với đợt hạn hán nghiêm trọng nhất vào năm 2020, cùng với những thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra.
Ông Gabor bày tỏ sự phấn khởi khi thấy các quốc gia như Việt Nam đang huy động nhiều nguồn lực để ứng phó, đồng thời đặt ra mục tiêu ngăn chặn nạn phá rừng vào năm 2030, loại bỏ than vào năm 2040 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam hiện dẫn đầu Đông Nam Á về sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất điện và hơn 1/4 sản lượng năng lượng được sản xuất từ năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, theo ông Gabor, bối cảnh thương mại toàn cầu đang trải qua sự thay đổi mạnh mẽ, người tiêu dùng đang ngày càng ưa chuộng các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Đây không chỉ là một xu hướng nhất thời mà còn là một sự phát triển lớn trong hành vi của người tiêu dùng. Những công ty nhắm mắt làm ngơ trước điều này có nguy cơ trở nên không còn phù hợp, trong khi những công ty thích ứng được sẽ tự khẳng định mình là người dẫn đầu thị trường trong tương lai. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc đón nhận sự thay đổi này là cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh trong và ngoài nước.
"Chúng tôi với tư cách là các doanh nghiệp châu Âu, cũng sẽ nỗ lực hết mình để hỗ trợ Việt Nam trong việc này. Tuy nhiên, điều hướng quá trình chuyển đổi này không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Nó đòi hỏi một nguồn lực khổng lồ, đặc biệt là để nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động, triển khai công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy môi trường kinh doanh thúc đẩy đổi mới... Tôi tin rằng sự kiên trì sẽ đem đến thành công, "có công mài sắt, có ngày nên kim" - ông Gabor nói.
Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, ông Valdis Dombrovskis cho biết: Thời gian qua EU và Việt Nam có mối quan hệ kinh tế phát triển mạnh mẽ và có thể đưa lên tầm cao mới với các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào EU đã đạt hơn 52 tỷ euro; sản lượng hàng hoá xuất khẩu tăng gấp 4 lần so với chiều ngược lại.
Với việc các đối tác từ Việt Nam quyết tâm thực hiện các cam kết trong các lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, công nghiệp, với những tiến bộ trong ngành chế biến chế tạo xanh, EU cũng như các doanh nghiệp sẵn sàng tiếp tục hợp tác sâu rộng hơn nữa, vừa nắm bắt các cơ hội, vừa hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết, đây là thời điểm đặc biệt trong quan hệ Việt Nam và Hà Lan khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023). Hai nước có mối quan hệ lâu đời hơn thế, khi các thương thuyền của Hà Lan cập cảng Hội An hơn 400 năm trước.
"Việc tiếp xúc khi đó có thể không dễ dàng nhưng tất cả mọi thứ đã thay đổi. Hiện nay, Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất của châu Âu tại Việt Nam và 60% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu đi qua cửa ngõ cảng Rotterdam của Hà Lan", Thủ tướng Mark Rutte nói, đồng thời ông cũng khẳng định: "Việt Nam thực sự xứng danh với tên gọi của mình, mảnh đất của con rồng bay lên, là mảnh đất đem lại nhiều tiềm năng. Chúng ta cùng hợp tác để Việt Nam, Hà Lan sẽ cùng là những con rồng xanh".
Thủ tướng Hà Lan cũng chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Xanh 2022, có tới 44 doanh nghiệp Hà Lan tham gia, cho thấy sự quan tâm của các doanh nghiệp Hà Lan trong việc hợp tác với các đối tác quốc tế để xử lý các thách thức toàn cầu; đồng thời lưu ý các doanh nghiệp sản xuất và các nhà cung ứng cần phải tuân thủ các quy định mới của EU về sản xuất bền vững; đề nghị các doanh nghiệp Hà Lan hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện điều này.
Về phần mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng sau Diễn đàn Kinh tế Xanh năm 2022, các đối tác của Việt Nam và EU đã đạt được những kết quả nhất định. Diễn đàn năm nay tiếp tục khẳng định quyết tâm và sự ủng hộ của châu Âu với sự phát triển xanh của Việt Nam.
Thủ tướng đánh giá quan hệ Việt Nam và châu Âu đang rất tốt đẹp, đạt nhiều bước tiến lớn về hợp tác trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam - EU phục hồi và tăng trưởng tốt bất chấp khó khăn do Covid-19 và đứt gãy chuỗi cung ứng; tính bổ trợ, đan xen lợi ích ngày càng chặt chẽ, nhất là từ khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, đó là đảm bảo trật tự an toàn chính trị để các nhà đầu tư đến Việt Nam thực hiện đầu tư hiệu quả, lâu dài; đặc biệt là Việt Nam cam kết sẽ luôn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư nước ngoài trong bất kỳ trường hợp nào trên tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ.
Đồng thời Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá về con người, thể chế, hạ tầng, nhằm tạo ra sự cạnh tranh tốt hơn. Bên cạnh đó là các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, tạo ra hệ sinh thái đổi mới rộng rãi, hỗ trợ cho các nhà đầu tư.
"Việt Nam phát triển nhanh nhưng phải bền vững, không hi sinh an sinh xã hội môi trường để chạy theo lợi ích kinh tế đơn thuần. Theo đó chúng tôi sản xuất xanh, xuất khẩu khẩu xanh, đảm bảo nguồn năng lượng xanh để các nhà đầu tư phát triển bền vững tại Việt Nam. Điển hình là nhà máy trị giá 1 tỷ USD của Tập đoàn Lego ttại Bình Dương đã mở ra xu hướng đầu tư xanh tại Việt Nam" - Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, phát triển kinh tế xanh và kinh tế số có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau, là 2 mặt của quá trình như "cặp song sinh", muốn phát triển xanh thì phải phát triển kinh tế số và ngược lại. Đây cũng là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Thủ tướng khẳng định Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ các chiến lược, sáng kiến và chính sách của EU trong phát triển xanh, trong đó có các quy định về sản xuất xanh và Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định này.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, còn nhiều khó khăn, do đó Thủ tướng mong muốn EU tiếp tục chia sẻ, giúp đỡ Việt Nam trên tinh thần cùng thắng trong xây dựng cơ chế, chính sách, chuyển giao công nghệ, thu xếp nguồn tài chính, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị… để thúc đẩy phát triển xanh.
Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao quan điểm của Thủ tướng Hà Lan về Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, vùng đất này đang đối diện với 4 nguy cơ đe dọa như sụt lún, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh kế của 22 triệu người dân. Trong khi đó, nơi đây là khu vực chiếm tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% lượng thủy sản của Việt Nam.
Do đó, Thủ tướng mong các đối tác, nhà đầu tư tiếp tục hỗ trợ, tăng cường đầu tư tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhất là trong ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng hạ tầng chiến lược, triển khai chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải để góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho thế giới. Việt Nam cũng đang tích cực ngăn chặn nạn phá rừng, đẩy mạnh trồng rừng, triển khai bán tín chỉ carbon, phát triển điện sinh khối…
Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị các đại biểu có tiếng nói thúc đẩy các bên liên quan phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), và đề nghị EU sớm gỡ thẻ vàng IUU với Việt Nam.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc), thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam. Còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU tại ASEAN (thương mại hai chiều năm 2022 đạt 62,4 tỷ USD).
EU cũng là nhà đầu tư lớn thứ 6 của Việt Nam với 2.535 dự án đang hoạt động với số vốn đăng ký tính đến tháng 9/2023 đạt hơn 29 tỷ USD.