Diễn đàn Kinh tế xanh 2023: Giảm "dấu chân carbon" trong chuỗi giá trị nông sản
Diễn đàn Kinh tế xanh 2023: Giảm "dấu chân carbon" trong chuỗi giá trị nông sản
Đoàn Thùy Linh
Thứ năm, ngày 02/11/2023 16:01 PM (GMT+7)
Cùng với phiên toàn thể diễn ra vào chiều 2/11, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế xanh tổ chức tại Hà Nội đã diễn ra 12 phiên hội nghị, với các chủ đề "nóng hổi" như năng lượng tái tạo, tài chính xanh, giảm phát thải và nông nghiệp bền vững.
Nông nghiệp tăng trưởng bền vững, thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế
Diễn đàn Kinh tế xanh (GEF 2023) được tổ chức chỉ một tháng trước Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP28) năm 2023. Diễn đàn được thiết kế để thúc đẩy sự hợp tác giữa châu Âu và Việt Nam, cũng như định hướng diễn ngôn về tính bền vững của Việt Nam phù hợp với các cam kết về khí hậu. GEF 2023 đã thu hút hàng trăm người tham dự, nhấn mạnh cam kết thống nhất của các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, cơ quan chính phủ và cộng đồng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.
Cùng với phiên toàn thể diễn ra vào chiều 2/11, trong khuôn khổ diễn đàn cũng đã diễn ra 12 phiên thảo luận với các chủ đề "nóng hổi" như năng lượng tái tạo, tài chính xanh, giảm phát thải và nông nghiệp bền vững. Hơn 80 chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau đã chủ trì các cuộc thảo luận này, đơn cử đại diện các tập đoàn quốc tế như Airbus, BlueSchope, CIP, De Heus, EDP Renewables và Equinor. Các tổ chức toàn cầu như Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB), GIZ (Deutsche Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Ngân hàng Thế giới...
Chia sẻ tại phiên thảo luận với chủ đề Nông nghiệp bền vững, ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) cho biết: Trong vòng 10 năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã tăng trưởng bền vững gấp đôi so với giai đoạn trước đó, đóng góp nhiều vào giá trị thặng dư thương mại của Việt Nam.
Theo con số của Tổng cục Thống kê, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36% trong năm 2022, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng thêm của toàn nền kinh tế. "Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, rồi xung đột giữa một số quốc gia, song khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế" - ông Thắng thông tin.
Tuy nhiên theo ông Thắng, người nông dân, các HTX, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải thay đổi phương thức hoạt động để thích nghi với sự biến đổi của toàn cầu, đặc biệt là những biến đổi về thị trường, luật pháp, chính sách. Thay đổi tư duy từ sản xuất sang kinh tế và chúng ta phải đi theo xu hướng này, phải đáp ứng tiêu chí của các quốc gia nhập khẩu, cụ thể đó là đi theo con đường sinh thái.
Điều phối phiên thảo luận, ông Jesper Clausen – Giám đốc dinh dưỡng khối ngành thủy sản của tập đoàn De Heus cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam đang có những bước dịch chuyển sang sản xuất bền vững hơn, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế song cũng vừa đảm bảo bền vững hơn. Tuy nhiên phải thừa nhận quá trình này có rất nhiều thách thức.
Chia sẻ về điều này, ông Huỳnh Tiến Dũng, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững IDH Việt Nam cho biết: Giảm phát thải, thích ứng biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề đặt ra với Việt Nam mà còn ở quy mô toàn cầu. Các công ty, tổ chức như chúng tôi đã đưa ra nhiều giải pháp để giảm dấu chân carbon ở trong chuỗi giá trị của mình.
"Rất dễ để ai đó đưa ra một cam kết, nhưng thực hiện nó mới là quan trọng và nhất là làm thế nào để tiến tới Net Zero? Chúng tôi đã phối hợp với một số công ty thuỷ sản, cà phê có những can thiệp để giảm phát thải khí nhà kính. Đầu tiên là xây dựng những công cụ để xác định đâu là điểm nóng trong chuỗi giá trị, từ đó đánh giá đo lường xem chúng ta giảm được đến mức độ nào" - ông Dũng nói.
Đại diện IDH cho biết: "Chúng tôi đã đánh giá với ngành cà phê, hạt tiêu thì thấy có tới 80% lượng phát thải đến từ khâu trồng trọt, 10% từ chế biến và chỉ 10% từ các hoạt động trước canh tác. Đối với nuôi trồng thuỷ sản, khoảng 20-30% lượng phát thải đến từ giai đoạn chế biến, 50% từ giai đoạn nuôi trồng.
Nhưng 90% lượng phát thải trên toàn cầu lại đến từ các quốc gia xuất khẩu nông sản, trong đó có Việt Nam, do đó rất cần những giải pháp toàn diện từ Chính phủ, sự tham gia của các tổ chức như IDH nhằm triển khai các dự án công tư, phối hợp cùng nhau xây dựng những dự án can thiệp trong khâu thực hành tại doanh nghiệp, áp dụng những giải pháp giảm thiểu carbon".
Ví dụ, theo ông Dũng, đối với ngành cà phê, hồ tiêu tại Tây Nguyên hoàn toàn có thể giảm phát thải từ giai đoạn sử dụng phân bón, ví dụ giúp nông dân tăng sử dụng phân bón sinh học thay cho phân bón hoá học, áp dụng các biện pháp cải tạo đất.
Ông Lê Văn Đông - Tổng Giám đốc Le Fruit chia sẻ câu chuyện "cô đơn" trong quá trình tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ. "Le Fruit gặp vô vàn thách thức ngay ở thời điểm thành lập công ty. Chúng tôi đơn độc trong việc phối hợp với những nông hộ riêng lẻ, nhất là khi tiếp xúc sâu hơn với bà con tại các ấp thuộc vùng sâu xa ở khu vực Mekong. Tại đó chúng tôi cũng gặp nhiều biển hiệu quảng cáo về thuốc trừ sâu, nhưng hầu hết không thấy khuyến cáo rõ ràng về tác động của nó. Nông dân chỉ để ý tác dụng phòng trị sâu bệnh chứ không thực sự hiểu rõ về tác hại của những sản phẩm đó đến môi trường, sức khoẻ" - ông Đông kể.
Đặc biệt, theo ông Đông, hầu hết nông dân Việt Nam canh tác quy mô nhỏ nên họ rất khó tiếp cận được các giải pháp tài chính nhằm lồng ghép với việc phát triển bền vững. Không dễ dàng gì khi giới thiệu tới người tiêu dùng sản phẩm hữu cơ, nhưng may mắn là chúng tôi đã kiên trì theo đuổi và thiết lập được chuỗi tiêu thụ của Le Fruit, bao gồm các khách sạn 5 sao, các siêu thị lớn và xuất khẩu ra nước ngoài.
"Mỗi khi chúng tôi tiếp cận được với người tiêu dùng thông qua mạng lưới phân phối thì đều gặp rào cản, đơn cử như khi muốn vào siêu thị. Tuy nhiên tôi cho rằng thách thức luôn đi cùng với cơ hội, chúng tôi đã cập nhật được các lợi thế để chinh phục thị trường, đặc biệt là khi xảy ra dịch Covid-19, thị trường ngày càng quan tâm tới các sản phẩm nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hữu cơ và chúng tôi đã tận dụng hiệu quả cơ hội đó" - ông Đông cho biết.
Về câu hỏi làm sao bán được tín chỉ carbon cho các Chính phủ, tổ chức doanh nghiệp từ các nông hộ nhỏ; làm sao để hàng triệu nông hộ nhỏ quan tâm thực sự tới vấn đề giảm phát thải - điều mà hầu hết bà con cho rằng chưa cần thiết, ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Ipsard cho biết: Chúng tôi đã tiến hành các nghiên cứu và nhận thấy việc theo đuổi, thực thi nông nghiệp sinh thái gặp rất nhiều khó khăn không chỉ ở nông hộ mà còn cả phía chính quyền địa phương. Nhưng đó cũng là trách nhiệm của Bộ NNPTNT và các cơ quan khác, cùng vai trò tiên phong của các doanh nghiệp lớn.
"Chúng ta sẽ phải chia thành lộ trình, trong đó ưu tiên tập huấn đào tạo nâng cao nhận thức cho nông dân, mã hoá các tài liệu này để phổ cập, chia sẻ với tất cả các bên liên quan, giúp các thành viên hiểu rõ bản chất của nông nghiệp sinh thái là gì, nông dân và chính quyền địa phương có thể bắt đầu từ đâu? Khi xác định rõ và sẵn sàng thay đổi từ cách làm cũ sang cái mới, người dân sẽ được hưởng lợi từ sự thay đổi đó" - ông Thắng nhận định.
Cũng theo ông Thắng, Viện Ipsard đang phối hợp với một số địa phương ở Tây Nguyên xây dựng các vùng trồng cà phê sinh thái; hợp tác với các đối tác sản xuất trà hữu cơ và đến nay đã thu hút nhiều tổ chức quốc tế cùng tham gia chung tay.
"Phải thừa nhận ở góc độ kinh doanh nông nghiệp, mời gọi nông hộ tham gia rất khó. Bộ NNPTNT đang triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải carbon, và sẽ triển khai khoản vốn vay khoảng 400 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới để hỗ trợ các nông hộ trở thành thành viên của HTX. Nếu làm được thì tiềm năng thành công rất lớn, nhất là khi giá lúa gạo tăng lên" - ông Thắng tin tưởng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.