Việc nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn giữ nguyên lãi suất tiền tệ đã thúc đẩy các quỹ và đầu cơ quay lại các thị trường tăng mua.
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao tháng 1 tăng 16 USD, lên 2.328 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 tăng 9 USD, lên 2.285 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao tháng 12 tăng 5,50 cent, lên 165,35 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2024 tăng 5 cent, lên 163,85 cent/lb, các mức tăng khá mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay tăng 100 đồng, lên dao động trong khung 57.000 - 57.900 đồng/kg. Tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 57.000 đồng/kg, đi ngang. Tiếp đến là tỉnh Gia Lai với 57.800 đồng/kg - ngang với tỉnh Đắk Nông, sau khi tăng 100 đồng/kg. Đắk Lắk ghi nhận mức giao dịch là 57.900 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát, tăng 100 đồng/kg.
Giá cà phê kỳ hạn tăng hồi phục trên cả hai sàn sau khi lần thứ hai Fed quyết định vẫn giữ nguyên lãi suất trong khoảng 5,25 – 5,5%/năm do nền kinh tế Mỹ vẫn còn dấu hiệu suy thoái. DXY quay đầu giảm đã hỗ trợ hầu hết các thị trường hàng hóa lấy lại sắc xanh.
Giá cà phê còn có thêm sự hỗ trợ từ việc Copom – Brazil cắt giảm lãi suất đồng Reais bớt 0,5% lần thứ 3 liên tiếp xuống còn 12,25%/năm. Ngân hàng Trung ương Vương quốc Anh (BoE) cũng góp thêm phần thúc đẩy các quỹ và đầu cơ quay lại thị trường tăng mua khi vẫn giữ nguyên lãi suất đồng Bảng ở mức 5,25%/năm.
Dữ liệu báo cáo của ICE cho thấy tồn kho trên cả hai sàn tiếp tục sụt giảm đã hỗ trợ xu hướng thị trường giá tăng.
Các loại rệp gây hại: Tại Tây Nguyên hiện nay phổ biến trên cây cà phê là các loại rệp: Rệp vảy xanh (Coccus viridis); Rệp vảy nâu (Saissetia hemisphaerica); Rệp sáp (Pseudococcus sp).
Đặc điểm gây hại:
Các loại rệp tập trung phá hại mạnh cây cà phê ở nhiều giai đoạn sinh trưởng và trên nhiều bộ phận. Rệp vảy xanh, vảy nâu gây hại trên các chồi lá non. Rệp sáp hại quả, chích hút chất dinh dưỡng ở cuống quả gây rụng quả. Rệp sáp hại rễ chích hút chất dinh dưỡng ở rễ làm rễ phát triển kém, có vết thương tạo điều kiện cho nấm xâm nhập gây triệu chứng vàng lá, thối rễ.
Thời điểm gây hại:
Rệp thường gây hại trong các tháng mùa khô và đầu mùa mưa ( từ tháng 1 đến tháng 6) đặc biệt là thời gian có các giai đoạn nắng mưa xen kẽ nhau.
Thuốc phòng trừ:
Nitox 30EC (Dimethoate 27%+Cypermethrin 3%) sử dụng ở nồng độ 0,2% - 0,25% (20 - 25ml thuốc+10 lít nước) phun ướt đều toàn cây khi rệp mới xuất hiện.
Nibas (Fenobucarb 50%) sử dụng ở nồng độ 0,25% - 0,3% (25 - 30ml thuốc + 10 lít nước) phun ướt đều toàn cây khi rệp mới xuất hiện.
Bini 58 (Dimethoate 40%) sử dụng ở nồng độ 0,2% - 0,3% (20 - 30ml thuốc + 10 lít nước) phun ướt đều toàn cây khi rệp mới xuất hiện.
Bonus 40EC (Chlorpyrifos Ethyl 40%): Lượng dùng 1 – 1,5lít thuốc/ha; lượng nước thuốc phun: 600 – 1000lít/ha; cách pha: Pha 30 – 40ml thuốc/bình 16lít nước, phun ướt đẫm tán lá khi rệp sáp chớm xuất hiện. Cách 7 – 10 ngày phun lại lần thứ 2 nếu mật độ rệp sáp quá cao.