Liên quan đến tín dụng, đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Hưng Yên chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng về tín dụng cho các dự án BOT, nhất là dự án giao thông.
Ông Thắng nêu: Hạ tầng giao thông được xác định là một trong ba đột phá chiến lược tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ XIII, các dự án hạ tầng giao thông có tổng mức đầu tư lớn. Vì vậy, bên cạnh nguồn vốn ngân sách, cần huy động thêm các nguồn lực khác để thực hiện. Tuy nhiên các dự án giao thông lớn, trọng điểm hiện nay chủ yếu đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công. Một trong các nguyên nhân là do việc huy động nguồn vốn tín dụng ngân hàng còn gặp khó khăn.
"Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì để tháo gỡ, thu hút các nguồn vốn tín dụng cho đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trong thời gian tới?", đại biểu đặt vấn đề.
Giải đáp chất vấn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, nhu cầu vốn cho dự án hạ tầng giao thông cần khối lượng lớn, kỳ hạn vay dài. Trong khi vốn của ngân hàng là ngắn hạn, nên việc cho vay khối lượng lớn, dài hạn bị ràng buộc bởi các quy định về tỷ lệ an toàn vốn.
"Nếu huy động vốn ngắn hạn, cho vay trung dài hạn vượt quá các giới hạn có thể gây rủi ro, hệ lụy cho ngân hàng", bà Hồng nhận xét và cho biết, vừa qua sự đổ vỡ của các ngân hàng Mỹ là minh chứng cho thấy rủi ro và hệ lụy từ vấn đề này.
Trưởng ngành ngân hàng cũng cho biết, đến hết tháng 9, các ngân hàng đã cấp tín dụng cho 22 dự án BT, BOT với tổng dư nợ 92.319 tỷ đồng và chiếm 0,72% tổng dư nợ cấp tín dụng đối với nền kinh tế. Điều đáng nói, nợ xấu chiếm 3,83%. Đáng chú ý nữa, nợ nhóm 2 chiếm đến 26,52% - đây là nhóm nợ sát với nợ nhóm 3 - nợ xấu. Nguyên nhân chủ yếu là các phương án tài chính của các dự án thường không đúng như với phương án tài chính xây dựng ban đầu. Do vậy, chính sách huy động vốn cũng cần phải huy động nhiều nguồn lực tài chính khác, kể cả là trong nước và nước ngoài.
"Dự án hạ tầng giao thông cần nguồn vốn lớn, dài hạn, nên chính sách huy động cần cả nguồn từ trong nước và nước ngoài. Vốn tín dụng ngân hàng có cho vay với những dự án này nhưng phải đảm bảo an toàn hoạt động", bà Hồng cho hay.
Liên quan đến tăng trưởng tín dụng, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị có ý kiến tranh luận với Thống đốc NHNN. Đại biểu Đồng nêu: Ông còn nhớ Nghị quyết chất vấn tại kỳ họp thứ 3 năm 2022 yêu cầu phải bỏ room tín dụng. Qua trả lời chất vấn, Thống đốc nói chưa thể bỏ room tín dụng được. Đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết, việc duy trì room tín dụng có nguy cơ tạo cơ chế xin cho và nảy sinh các tiêu cực khác hay không? Nếu bỏ, lúc nào bỏ được room tín dụng này?
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời: Trong thời gian vừa qua, NHNN đã tiến hành phân tích, đánh giá và tổ chức các buổi tọa đàm với chuyên gia và với đại biểu Quốc hội và cũng tổ chức cái hội nghị với các tổ chức tín dụng trong hệ thống. Tại các hội thảo và hội nghị, qua phân tích, đánh giá các đại biểu đều thống nhất rằng, đặc thù của nền kinh tế Việt Nam hiện nay đó là cái vốn thì phụ thuộc vào vốn tín dụng của ngân hàng rất nhiều và tỉ lệ dư nợ trên GDP hiện nay của Việt Nam là trên 120 % GDP - đang ở mức cảnh báo theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế. Vậy nên nếu bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, không áp dụng nữa thì tín dụng sẽ tăng rất mạnh.
Trước đây, mỗi năm tín dụng tăng 30%, năm 2007 tăng 53,8%, có thể là rủi ro với hệ thống ngân hàng. Vừa qua Thủ tướng có nhiều hội nghị phát triển thị trường vốn để phân khúc khác như trái phiếu doanh nghiệp dẫn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp. Nhờ vậy, ngân hàng sẽ chỉ cung cấp vốn ngắn hạn và lưu động. "Khi đó bỏ chỉ tiêu này thì sẽ thuận lợi", bà Hồng nói.
Để tránh tùy ý khi phân bổ chỉ tiêu tín dụng, hàng năm NHNN có chỉ tiêu định hướng và có nguyên tắc chung. "Không thể tùy ý cấp cho từng tổ chức tín dụng, mà dựa theo xếp hạng với tiêu chí rõ ràng", bà Hồng cho hay.
Ngoài ra, có một số tiêu chí khác như mặt bằng lãi suất giảm, tham gia vào quá trình tái cấu trúc... sẽ được cộng điểm.