Suy đoán Fed sẽ mạnh tay tại phiên họp điều hành cuối năm khiến các quỹ và đầu cơ mạnh tay thanh lý vị thế ròng làm các thị trường kỳ hạn sụt giảm trở lại.
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều sụt giảm. Kỳ hạn giao tháng 1 giảm 64 USD, xuống 2.358 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 giảm 40 USD, còn 2.321 USD/tấn, các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao tháng 12 giảm 2,95 cent, xuống 170,75 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2024 giảm 2,20 cent, còn 169,50 cent/lb, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay giảm 1.300 - 1.400 đồng/kg. Cụ thể, các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 56.500 - 57.200 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 56.500 đồng/kg, giảm 1.400 đồng/kg. Tiếp đến Đắk Nông với 57.100 đồng/kg, giảm 1.400 đồng/kg. Hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk giao dịch ở mức 57.200 đồng/kg, tương ứng giảm 1.300 đồng/kg và 1.400 đồng/kg.
Sau vài phiên tăng giá do có sự hỗ trợ từ dữ liệu báo cáo tồn kho của ICE sụt giảm, các thị trường kỳ hạn vừa có phiên hiệu chỉnh mang tính kỹ thuật với các báo cáo thời tiết ở Brazil có nhiều mưa tốt hỗ trợ cho vụ mùa mới 2023/2024 đạt sản lượng cao đã gây bi quan cho giá cà phê.
Thêm vào đó, DXY mạnh trở lại đã thúc đẩy các quỹ và đầu cơ thanh lý vị thế ròng trên cả hai sàn kỳ hạn do lo ngại Fed sẽ mạnh tay tại phiên họp điều hành cuối năm, trong khi mối lo của hiện tượng thời tiết El Nino gây khô hạn cho các quốc gia sản xuất cà phê quanh vành đai Thái Bình Dương vẫn còn nguyên.
Nấm hồng là một loại bệnh hại phổ biến trên cây cà phê, bên cạnh bệnh gỉ sắt hay khô cành khô quả. Bệnh gây hại chủ yếu ở chùm quả và cành non, làm cây khô héo và chết.
Nguyên nhân gây ra bệnh nấm hồng trên cây cà phê
Bệnh do chủng nấm có tên khoa học là Corticium salmonicolor gây ra.
Khi ký sinh trên cây trồng, nấm sẽ phát triển hệ thống vòi hút, còn gọi là rễ, ăn sâu vào phần thân, hút các chất dinh dưỡng của cây để sinh sống, đồng thời làm cho hệ thống mạch dẫn bị phá hủy, phần thân bị nhiễm bệnh không được cung cấp đủ nước và chất dinh dưỡng nên sẽ vàng úa, khô héo rồi chết.
Nấm bệnh thường có xu hướng lên kết với nhau tạo thành những mảng lớn, không xử lý kịp thời sẽ lan rộng sang cả những cành lớn và thân chính. Làm cho cây suy kiệt, héo úa rồi chết khô.
Giai đoạn bệnh nấm hồng trên cây cà phê bùng phát thường là thời điểm cây đang nuôi trái, làm trái non rụng nhiều, giảm năng suất, giảm sức sinh trưởng của cây.
Bệnh lây lan trên cây khá nhanh, nhưng lây sang cây khác thì chậm hơn, tuy nhiên nếu gặp điều kiện thuận lợi (mưa nhiều, gió mạnh, mức độ giao tán cao do trồng dày…) bệnh có khả năng bùng phát thành dịch.
Loại nấm gây bệnh nấm hồng hại cà phê thường phát triển mạnh vào mùa mưa, giai đoạn có nhiệt độ từ 28-30 độ C, độ ẩm không khí cao (trên 85%). Thường bắt đầu gây hại vào tháng 6 – tháng 7, lên đến đỉnh điểm vào tháng 9 sau đó giảm dần.
Các vườn trồng cà phê với mật độ dày, cây che bóng quá rợp bệnh sẽ phát triển mạnh và có xu hướng lây lan nhanh hơn.
Bệnh thường gây hại trên chùm quả và cành non, tuy nhiên nếu không xử lý kịp thời bệnh có thể phát triển sang cả những cành lớn và thân chính
Vết bệnh ban đầu là những đốm nhỏ màu trắng nhìn như bụi phấn. Sau đó lan rộng thành mảng lớn, bề mặt có nhiều phấn màu hồng nhạt.
Bệnh thường xuất hiện ở các vị trí hay đọng nước, ít được chiếu sáng như kẽ quả, chùm quả, phần dưới cành…
Sau một thời gian phát triển, bệnh sẽ làm cho chùm quả, cành lá bị nhiễm bệnh trở nên khô héo, phủ nhiều bụi hồng (chính là bào tử nấm) và chết khô trên cây.
Biện pháp phòng trừ bệnh nấm hồng hại cà phê
Trồng cà phê với mật độ vừa phải, phù hợp với đặc điểm của từng giống.
Sử dụng các loại cây che bóng có tán trung bình, hàng năm nên rong tỉa cành ít nhất 2 lần.
Sau vụ thu hoạch và trước các đợt bón phân, cần tiến hành cắt cành, bẻ chồi, giữ tán cây thông thoáng
Bón phân cho cà phê cân đối giữa phân vô cơ và phân hữu cơ, riêng phân hữu cơ (phân chuồng hoai, hoặc vỏ trấu đã ủ) nên chứa các chủng nấm đối kháng Trichoderma, giúp phòng trừ bệnh nấm hồng trên cây cà phê nói riêng và các loại nấm hại trên cây trồng nói chung.
Thường xuyên thăm nom vườn tược, phát hiện sớm các cây bị bệnh để kịp thời cắt bỏ, tiêu hủy và xử lý bệnh bằng các loại thuốc chuyên dùng.
Tương tự như các bệnh hại thường gặp trên cây cà phê, bệnh nấm hồng cũng có thể xử lý bằng các thuốc bảo vệ thực vật có chứa các hoạt chất Hexaconazole, Validamycin,… hoặc các thuốc chứa ion đồng, ion bạc…
Bà con lưu ý nên chủ động phòng bệnh hơn chữa bệnh, hàng năm phun phòng ít nhất 1-2 lần vào đầu và giữa mùa mưa. Khi thấy bệnh nấm hồng trên cây cà phê chớm xuất hiện thì phun 2-3 lần cách nhau 7-10 ngày để diệt dứt điểm nấm bệnh. Khi phun nên chọn ngày mát trời, lặng gió, để tăng hiệu quả của thuốc. Tránh những ngày nắng gắt hoặc mưa dầm.