Theo bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết - chủ cơ sở sản xuất muối Ngọc Long (ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An), vụ muối năm nay sản lượng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính do thời tiết thay đổi thất thường khiến các công đoạn làm muối không diễn ra như dự tính.
Bên cạnh đó, theo bà Bạch Tuyết, giá muối năm nay cũng không ổn định, lúc lên lúc xuống và lệ thuộc nhiều vào thị trường. Hiện nay, tại địa phương chưa có nơi nào thu mua, bao tiêu đầu ra sản phẩm muối, mà phần lớn chỉ dựa vào thương lái. Do đó, việc sản xuất và mua bán muối của người dân còn nhiều khó khăn.
Vừa qua, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch 1784 về bảo tồn và phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, làng nghề muối Cần Giờ nằm trong danh sách những làng nghề được bảo tồn và phát triển trong giai đoạn 2022-2025.
Được biết, cơ sở sản xuất muối Ngọc Long của bà Tuyết chuyên sản xuất muối ớt, muối thảo dược từ nguồn muối thô tại địa phương. Mỗi tháng cơ sở của bà cung cấp ra thị trường khoảng 300kg muối các loại.
Bà Tuyết mong muốn người làm muối tại địa phương được tiếp cận các chính sách hỗ trợ vốn. Từ đó, có thể xây dựng mái che, nhà xưởng… hoặc các giải pháp tương tự để đối phó với việc mưa trái mùa, giúp bà con không bị thất thoát sản lượng.
Cũng như bà Tuyết, ông Năm Đổi (Nguyễn Văn Đổi) - diêm dân đang làm 5ha muối ở ấp Thiềng Liềng cũng thở dài, than ngắn. "Làm muối bây giờ khỏe hơn nhưng bấp bênh hơn. Như năm rồi, tui làm 5ha muối mà không dư đồng nào. Đầu vụ 2023, diêm dân có muối bán nhưng giá rớt xuống chỉ còn 1.200 đồng/kg" - ông Năm Đổi thổ lộ. Ông Năm Đổi đang chuyển một phần đất làm muối sang nuôi tôm để có công ăn việc làm vào mùa mưa. Ông nói: "Chỉ dựa vô muối là thua".
Ông Nguyễn Văn Yến - Trưởng ấp Thiềng Liềng thông tin, ấp hiện có khoảng 400ha đất được quy hoạch làm cánh đồng muối, trong đó có 80ha nằm trong đê bao. Diện tích nằm ngoài quy hoạch được định hướng chuyển đổi sang nuôi tôm.
UBND xã Lý Nhơn cũng cho biết, làng nghề muối Lý Nhơn có gần 1.000ha (100% sản xuất muối theo phương pháp kết tinh trên nền ruộng trải bạt) với 480 hộ tham gia sản xuất, năng suất muối bình quân đạt 89 tấn/ha/năm, tổng sản lượng đạt trên 88.000 tấn/năm. Diêm dân làng nghề chủ yếu sản xuất muối thô, làm nguyên liệu phục vụ chế biến thủy sản tại các tỉnh miền Tây.
Theo một số cán bộ ở huyện Cần Giờ, mặc dù nghề làm muối chưa đem lại cuộc sống sung túc cho nông dân, nhưng nhiều năm qua đây là nghề rất phù hợp với thỗ nhưởng vùng duyên hải này, giúp nhiều bà con có công ăn, việc làm, ổn định đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Lũy kế từ đầu năm đến tháng 10/2023 ngành diêm nghiệp TP.HCM đạt 1.547ha, sản lượng đạt 87.527 tấn. Trong khi đó kế hoạch đặt ra năm 2023 cho ngành muối thành phố là diện tích đạt 1.545ha, sản lượng đạt 80.000 tấn. So với kế hoạch, diện tích và sản lượng muối trên địa bàn thành phố đã vượt chỉ tiêu.
Theo UBND huyện Cần Giờ, huyện đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất muối và các sản phẩm chế biến từ muối, đưa muối vào Chương trình "Mỗi xã 1 sản phẩm" (OCOP). Đồng thời, phối hợp các sở, ngành giới thiệu các doanh nghiệp ký kết hợp đồng, liên kết sản xuất, tiêu thụ muối của hợp tác xã và diêm dân. Ngoài làm muối, thời gian gần đây, bà con ấp đảo Thiềng Liềng còn làm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm.