Người phụ nữ 10 năm làm thăng hoa giá trị cho "vàng trắng" Cần Giờ

Thu Hoài Thứ hai, ngày 09/10/2023 09:48 AM (GMT+7)
10 năm gắn bó với yến sào Cần Giờ là ngần ấy năm chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ tập trung nâng cấp, gia tăng giá trị cho loại "vàng trắng" đặc biệt này, thay vì chỉ cung cấp sản phẩm thô ra thị trường.
Bình luận 0

Tổ yến được mệnh danh là “vàng trắng” của Cần Giờ, TP.HCM. TP.HCM đang tập trung phát triển sản phẩm yến sào đi kèm xây dựng thương hiệu cho yến sào Cần Giờ.

Phát triển ngành nghề nuôi chim yến, sản xuất yến sào cũng đang đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, theo hướng nông nghiệp đô thị tại TP.HCM.

Nâng cấp giá trị yến sào Cần Giờ

Chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất yến sào Khánh Đan, xã Tam Thôn Hiệp của chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền để tìm hiểu “vàng trắng” Cần Giờ. 

Huyện Cần Giờ có khoảng 520 nhà yến nhưng chúng tôi chọn cơ sở của chị Tuyền vì yến sào Khánh Đan là cơ sở sản xuất yến đầu tiên của Cần Giờ được TP.HCM công nhận OCOP (sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Cơ sở của chị Tuyền tập trung sản xuất chế biến sâu, nâng tầm giá trị cho yến sào Cần Giờ. 

Hai sản phẩm tổ yến chưng nguyên chất và tổ yến chưng vị đông trùng hạ thảo Khánh Đan đã được UBND TP.HCM công nhận đạt OCOP 4 sao.

Người đánh bóng “vàng trắng” yến sào Cần Giờ - Ảnh 1.

Nhân công nhặt lông yến tại cơ sở yến sào Khánh Đan, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Ảnh: Thu Hoài

Nỗ lực chế biến sâu, gia tăng giá trị cho tổ yến thô đã giúp chị Tuyền có nhiều sản phẩm tổ yến chất lượng, mẫu mã bắt mắt, đáp ứng nhu cầu của thị trường. 

Ngoài hai loại tổ yến đã được công nhận OCOP, bộ sưu tập tổ yến của chị Tuyền còn có tổ yến chưng nguyên chất đường ăn kiêng để phục vụ cho những người bệnh tiểu đường, kiêng đường, ăn theo chế độ organic. 

Các sản phẩm của yến sào Khánh Đan khác biệt hoàn toàn so với mặt bằng chung, bởi nhiều cơ sở sản xuất yến sào tại Cần Giờ vẫn đang tập trung làm yến thô.

Chị Tuyền cho biết giai đoạn đầu, cơ sở chỉ bán tổ yến thô, yến đã qua sơ chế, doanh thu mang lại không cao. Sau khi nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng hướng đến sản phẩm đã sơ chế và chế biến nhiều hơn, cơ sở đã quyết định chuyển hướng.

“Ban đầu, bên tôi chỉ sản xuất tổ yến đã qua sơ chế, khách hàng mua về tự chế biến. Nhận thấy nhu cầu của thị trường, chúng tôi sản xuất thêm 3 dòng yến hũ chưng sẵn là tổ yến nguyên chất, tổ yến chưng sẵn nguyên chất vị đông trùng hạ thảo và tổ yến nguyên chất chưng sẵn đường ăn kiêng”, chị Tuyền nói.

Người đánh bóng “vàng trắng” yến sào Cần Giờ - Ảnh 2.

Tổ yến chưng nguyên chất và tổ yến chưng vị đông trùng hạ thảo của cơ sở yến sào Khánh Đan đã được UBND TP.HCM công nhận OCOP 4 sao. Ảnh: Hồng Phúc

Yến hũ nguyên chất và yến chưng đông trùng hạ thảo lần lượt có giá 830.000 đồng và 890.000 đồng/hộp. Giá cao gấp nhiều lần so với yến thô. Sự chuyển đổi này mang lại kết quả ngọt ngào khi đây là những sản phẩm được khách ưa chuộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với sản phẩm chưa qua chế biến sâu, gia tăng giá trị.

Nhờ “nâng cấp” tổ yến thô, tên tuổi yến sào Khánh Đan trở nên nổi tiếng tại Cần Giờ. Yến sào Khánh Đan cũng được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố năm 2019, 2021 do UBND TP.HCM khen tặng, là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực miền Nam năm 2022.

Hiện các sản phẩm của yến sào Khánh Đan đã có mặt TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đà Nẵng, Nghệ An và một số tỉnh ở miền Tây. Ngoài ra, cơ sở còn có một số đối tác tại các nước tham gia nhập khẩu sản yến sào, tổ yến của Khánh Đan.

Kỳ vọng yến sào Cần Giờ chinh phục thế giới

Chị Tuyền là một trong số nhiều nông dân và cơ sở sản xuất tổ yến lâu năm, nặng lòng với tổ yến Cần Giờ. 

Năm 2012, chị Tuyền bắt đầu xây dựng nhà yến với hệ thống thiết bị tạo điều kiện giống môi trường tự nhiên để dẫn dụ đàn chim yến về làm tổ. Năm 2013, cơ sở sản xuất đã thu hoạch những tổ yến đầu tiên. Lượng chim về làm tổ cũng tăng dần theo cấp số nhân nên có sản lượng tổ yến ổn định.

Người đánh bóng “vàng trắng” yến sào Cần Giờ - Ảnh 3.

Yến sào chỉ nâng tầm giá trị khi phát triển thành sản phẩm chế biến sâu, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ảnh: Thu Hoài

Từ khi gắn bó với nghề, chị và những người dân Cần Giờ luôn tự hào về chất lượng tổ yến Cần Giờ. Theo chị, với hệ động thực vật đa dạng, đặc trưng, Cần Giờ có một tiềm năng phát triển rất lớn nghề nuôi chim yến. Nguồn thức ăn phong phú tự nhiên tại Cần Giờ giúp yến sản sinh ra nhiều sản phẩm chất lượng.

“Nhà yến được xây dựng tại huyện Cần Giờ, nơi được UNESCO công nhận là vùng sinh quyển dự trữ của thế giới, đa dạng phong phú về nguồn thức ăn, thức ăn ở đây sạch, không bị ô nhiễm môi trường. Đây là những tiền đề giúp tổ yến luôn chất lượng”, chị Tuyền nói.

Người đánh bóng “vàng trắng” yến sào Cần Giờ - Ảnh 4.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, chủ cơ sở sản xuất yến sào Khánh Đan, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Ảnh: Thu Hoài

Yến sào đang đóng góp hiệu quả vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, theo hướng nông nghiệp đô thị tại TP.HCM. Các sở ngành của thành phố đang tập trung phát triển, từ khâu sản xuất cho đến xây dựng thương hiệu, hướng đến nâng cao giá trị yến sào Cần Giờ.

Cùng với chương trình xây dựng thương hiệu tổ yến Cần Giờ, phát triển vùng nuôi chim yến Cần Giờ và tiến tới xuất khẩu tổ yến chính ngạch sang Trung Quốc, chị Tuyền và các cơ sở sản xuất tại Cần Giờ kỳ vọng yến sào Cần Giờ sẽ khẳng định được thương hiệu, có chỗ đứng trên thế giới.

“Chúng tôi đang tiến hành hoàn thiện các hồ sơ pháp lý, nâng cao, mở rộng nhà xưởng để phục vụ nhu cầu trong nước tốt hơn, cũng như xuất khẩu chính ngạch ra nước ngoài, nhất là thị trường lớn Trung Quốc. Người Trung Quốc rất mê tổ yến”, chị Tuyền bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem