Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 9/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, đây là dự án lớn "vắt qua ba nhiệm kỳ quốc hội" việc chậm trễ có nhiều nguyên nhân mà Chính phủ cũng như tỉnh Đồng Nai cần có phân tích để có thêm những bài học kinh nghiệm khi triển khai dự án tương tự.
"Thực tế tiến độ triển khai dự án rất chậm, cũng có lý do là thời điểm thực hiện dự án xảy ra dịch Covid-19. Song, đây không phải nguyên nhân chính vì quyết tâm của tỉnh Đồng Nai và Chính phủ khi trình Quốc hội khóa XIV là sẽ bàn giao mặt bằng vào năm 2020, mà đại dịch diễn ra tại Đồng Nai vào giữa 2021", bà Hoa phân tích.
Về đề xuất thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư kéo dài đến hết năm 2024, tức là sẽ chậm tới 3 năm, đại biểu Hoa đặt vấn đề: Cần có một sự cam kết thật rõ từ phía Chính phủ.
Theo bà Hoa, nếu chậm ở giai đoạn đầu, sẽ tổng lực đẩy nhanh tiến độ ở giai đoạn cuối thì rất cần lưu ý việc đảm bảo chất lượng công trình.
"Việc xem xét kéo dài thời gian dự án là một sự cố gắng, nỗ lực và sự đồng hành của Quốc hội đối với Chính phủ để thực hiện một dự án lớn và chúng tôi hy vọng là tiến độ hoàn thành giai đoạn một vào năm 2025 sẽ được bảo đảm. Không có thêm một lần trình lùi hoãn thời gian nào nữa", Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nêu rõ.
Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) lý giải, thời hạn thực hiện dự án đã hết nhưng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chưa xong; nếu không gia hạn về thời gian thực hiện sẽ không có mặt bằng để xây dựng CHKQT Long Thành. Thứ hai, thời gian giải ngân vốn cũng đã hết trong khi nhiều dự thành phần chưa hoàn thành, nếu không kéo dài thời gian giải ngân thì nhiều công trình đầu tư xây dựng sẽ dở dang.
Ông Tiến đồng tình với đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024, vì năm 2023 sắp kết thúc và công tác GPMB càng về sau càng khó khăn nên phải có nhiều cố gắng thì cuối năm 2024 mới hoàn thành.
Báo cáo, làm rõ các vấn đề Quốc hội quan tâm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo tờ trình của Chính phủ, nguyên nhân tăng, giảm tổng mức đầu tư của dự án đã được UBND tỉnh Đồng Nai trình bày chi tiết trong Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh.
Báo cáo này đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước và các bộ, ngành liên quan kiểm tra, rà soát, bảo đảm đầy đủ cơ sở chính xác và trung thực theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai... UBND tỉnh Đồng Nai là chủ đầu tư chịu trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện.
Về nguyên nhân dự án chậm tiến độ, Bộ trưởng cho biết, ngoài các nguyên nhân khách quan như cơ quan chủ trì trình, Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ nguyên nhân chủ quan là do nhân sự chủ chốt của UBND tỉnh Đồng Nai trong thời gian thực hiện dự án có nhiều thay đổi.
Thủ tục lập quy hoạch tái định cư, thiết kế đấu thầu kéo dài và lực lượng lao động khan hiếm sau giãn cách của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các gói thầu xây dựng…
"Qua báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, có thể thấy trong quá trình triển khai thực hiện kể từ khi Quốc hội có quyết định phê duyệt chủ trương, các bước phê duyệt dự án có nhiều vướng mắc", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, sau góp ý của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục đánh giá, xác định các nguyên nhân chủ quan để từ đó rút kinh nghiệm và có các giải pháp khắc phục triệt để trong thời gian tới.
Ông Thắng cho rằng, gói thầu xây dựng nhà ga hành khách là phần quan trọng nhất quyết định tiến độ dự án. Sau nhiều khó khăn, nay đã lựa chọn được nhà thầu và đã khởi công ngày 31/8/2023. Theo hợp đồng, thời gian thi công là 39 tháng, dự án sẽ hoàn thành vào khoảng tháng 10-11/2026, chậm hơn 1 năm so với yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên chủ đầu tư đang chỉ đạo rất quyết liệt các nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu nếu hoàn thành trong năm 2025 là tốt nhất.
"Về dự án này, tháng nào Bộ GTVT cũng có đánh giá, báo cáo tiến độ với Chính phủ để báo cáo với Quốc hội", Bộ trưởng Thắng khẳng định.
Về giải pháp triển khai xử lý dứt điểm các nội dung còn tồn tại sau khi được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện, Bộ trưởng GTVT cho biết, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để khẩn trương có các giải pháp xử lý dứt điểm.
Về dự án thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư đã hoàn thành khối lượng lớn, bàn giao tới 97,6% để phục vụ giai đoạn I nhưng vẫn còn khoảng 6.157 tỷ đồng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025 đã được cấp có thẩm quyền bố trí nhưng chưa giải ngân. Số vốn này đã được hủy dự toán trên hệ thống và đang kết dư vào ngân sách tỉnh Đồng Nai.