4 giờ sáng, khi bóng tối và màn sương phủ khắp lối, PV Dân Việt có mặt tại chợ Ú ở xã Đại Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) để tham gia phiên chợ trâu, bò lớn nhất cả nước.
Trên con đường dẫn vào chợ, dòng người nối nhau đang dắt trâu, bò. Cùng với đó, âm thanh từ trâu, bò tạo ra khiến râm ran cả một vùng.
Clip: Mục sở thị chợ trâu, bò lớn nhất cả nước ở Nghệ An, xã Đại Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An).
Bước vào cổng chợ, PV tận thấy hàng trăm con trâu, bò được chia ra thành hai khu vực riêng. Phía sát cổng chợ, người dắt bò, người trả giá rất sôi nổi. Nhiều người kì kèo nhau vài trăm ngàn để mua bò khiến chợ càng huyên náo.
Chợ buôn bán trâu, bò ở xã Đại Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Ảnh: Nhân Sinh
Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Lê Hữu Phượng (58 tuổi, ở xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) cho biết: "Sáng nay tôi dậy lúc 3 giờ, dắt 6 con bò ra chợ với hi vọng bán hết, kiếm thu nhập về nuôi con cái ăn học. Tuỳ theo trọng lượng, màu da và một số điểm trên con bò để định giá, hôm nay, con bò của tôi thấp nhất 8 triệu, con lớn cũng hơn 20 triệu".
Theo ông Lê Hữu Phượng, cách để chọn con bò đẹp, chất lượng cần phải dựa vào các đặc điểm, như: Không có lang o (lông đen đốm trắng), không bị lõ đuôi (lông đuôi màu đen mà chót đuôi lại trắng) và người ta kỵ nhất là con bò có chiếc lưỡi màu đỏ cả mặt trên và mặt dưới nhưng lại ưng nhất là những con có màu lông trắng ngả sang đỏ.
Cùng với đó, vị trí các xoáy trên mình con giống cũng đóng vai trò rất quan trọng. Con bò nào có xoáy đóng cao trên u thì đó là con giống lý tưởng còn nếu xoáy mà đóng thấp ngược về phía lưng lại là một dự báo không lành về sự đoản mệnh của chính con giống ấy.
Những con bò có xoáy đóng ngay giữa lưng hay bên cạnh sườn là con có đường ruột không khỏe, thường bị tiêu chảy.
Còn con có yếm dài, tai quắp, dậu dài, mo đỏ (dậu là cơ quan sinh dục của bò đực, mo là của bò cái) là những con bò đáng chọn nuôi và hứa hẹn sẽ sinh đẻ những con bê tốt.
"Tôi năm nay cũng đã hơn 30 năm buôn bán bò ở chợ Ú. Nghề này vất vả, thức khuya, dậy sớm để đi chợ, kì kèo trả giá nhiều lúc cũng phát bực vì bà con họ trả thấp quá. Thế nhưng, chính nghề này đã cho tôi nguồn thu nhập khá để nuôi sống gia đình và các con tôi ăn học", ông Lê Hữu Phượng chia sẻ.
Bước sâu vào bên trong, khu vực dành cho trâu cũng rất nhộn nhịp, nhiều người chen nhau dắt trâu len lỏi giữa đám đông tìm người để bán, khi thuận mua vừa bán, chủ trâu vỗ mạnh vào phần mông của trâu để biểu thị cuộc giao dịch thành công.
Tại khu chợ này, phần lớn mọi cuộc giao dịch đều bằng hình thức chuyển khoản, chỉ trong vài phút, mười mấy, hai mươi triệu đã được người mua chuyển thẳng vào tài khoản người bán.
Đang nắm chặt dây thừng để dắt mũi trâu di chuyển trong sân, bà Nguyễn Thị Lâm (55 tuổi, ở xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) cho hay: "Từ khi tôi về làm dâu ở xã này là bén duyên với nghề buôn bán trâu, bò, đến nay cũng gần 30 năm rồi. Sáng nay tôi dậy từ 3 rưỡi, một mình dắt 7 con trâu tới chợ, con lớn nhất 15 triệu, con nhỏ cũng tầm 10 triệu.
Nhiều người tới hỏi mua nhưng tôi vẫn chưa ưng bụng với giá họ đưa ra. Mong rằng, có người trả sát giá tôi đưa ra để sớm về, lấy tiền đó gửi vào cho các con đang ăn học xa nhà".
Được biết, chợ Ú ở xã Đại Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) là đầu mối buôn bán trâu, bò có diện lớn nhất cả nước. Mỗi tháng 6 phiên vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21, 26 âm lịch, thu hút thương lái và người mua bán từ khắp các địa phương trong cả nước.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Cảnh Lâm - Chủ tịch UBND xã Đại Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An), cho biết: "Chợ buôn bán trâu, bò ở địa phương được hình thành từ thập niên 60 của thế kỷ trước và nhanh chóng phát triển quy mô như hiện nay. Việc mua bán diễn ra từ từ 4 giờ sáng đến khoảng 9 giờ.
Trâu, bò tại chợ này được đưa về từ khắp các vùng trong cả nước, có cả từ các nước Lào, Campuchia... Người dân địa phương cũng nhờ vào chợ trâu bò mà thêm nghề mưu sinh và có nguồn thu nhập khá".