Clip: Lê Thị Thơ, sinh năm 1995, trú xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) gác lại bằng Đại học Nông nghiệp về quê nuôi cà cuống, bật mí cách kiếm tiền tỷ mỗi năm nhờ con cà cuống.
Gác lại bằng đại học, tay ngang nuôi cà cuống
Sau 4 năm học tập, rèn luyện trên ghế giảng đường Đại học, năm 2017 cô gái trẻ Lê Thị Thơ (SN 1995, sinh ra tại xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) đã cầm trên tay tấm bằng thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Chị Lê Thị Thơ, sinh ra tại xã Mai Phụ, Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh gác lại bằng Đại học để khởi nghiệp với con cà cuống mang về thu nhập 1 tỷ đồng/năm. Ảnh: PV
Ra trường, chị Thơ nhận lời yêu và nên duyên cùng với anh Phan Văn Hiệp (SN 1987, trú tại xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh).
Hai vợ chồng chị Thơ quyết định ở lại Hà Nội lập nghiệp bằng công việc bán nước mắm truyền thống của gia đình chồng.
Chị Lê Thị Thơ chia sẻ về cơ duyên đến với nghề nuôi cà cuống: "Một lần vô tình, vợ chồng tôi xem được 1 video đánh giá về món bánh cuốn, bún chả chấm với nước mắm cà cuống được nhiều lượt tương tác cao.
Sau đó, vợ chồng tôi quyết định tìm hiểu về con cà cuống, nhận thấy loài vật này có giá trị kinh tế cao mà thị trường hiện tại rất khan hiếm hàng".
Theo chị Thơ, từ khi lấy anh Hiệp chị đã yêu thích, gắn bó buôn bán nước mắm truyền thống mà gia đình chồng làm. Mong muốn tạo ra một sản phẩm nước mắm đặc biệt, có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe từ sản phẩm nước mắm của gia đình.
Chị Thơ tâm sự: "Thấy con cà cuống được nhiều người săn lùng để thưởng thức mà không biết tại sao. Sau khi tìm hiểu, trong đông y, cà cuống có vị ngọt, cay, tính bình và không độc.
Dùng cà cuống để điều chế các loại thuốc, ngâm rượu hoặc làm nước mắm, cà cuống có tác dụng bổ thận, hỗ trợ chữa yếu sinh lý ở nam giới. Cho nên giá cả cà cuống rất cao từ 200.000 -250.000 đồng/cặp.
Tuy khan hiếm hàng, giá cao, trên thị trường rất ít nuôi loài vật này. Đầu năm 2022, nghĩ là làm, chị Thơ quyết định bàn với chồng nghỉ việc ở Hà Nội về quê nuôi cà cuống.
Nuôi con đặc sản 3 lần thất bại mới thành công
Tại Hà Tĩnh vào mùa hè là "chảo lửa" của cả nước, khí hậu này phù hợp với con cà cuống. Bên cạnh đó, nhiều sông suối, nguồn thức ăn đa dạng, giá rẻ thích hợp để nuôi loài vật này.
Không có thành công nào là dễ dàng, mới bắt đầu vợ chồng chị Thơ đã phải chịu thất bại 3 lần.
Chị Lê Thị Thơ nhớ lại : "Sau nhiều thời gian tìm hiểu, tháng 8/2022 tôi quyết định mua 10 cặp cà cuống tự nhiên ở Lào với giá 2.5 triệu để về nuôi thử nghiệm trong thùng xốp. Cà cuống tự nhiên nuôi trong điều kiện nhân tạo khiến nó bỏ ăn, chết hết trong 1 tháng.
Không ngại thất bại, vợ chồng chị Thơ mua 10 tổ trứng, tổng giá 2.5 triệu để ươm. Số trứng trên nở ra khoảng từ 1.500-2.000 con cà cuống giống khiến chị rất vui.
Tuy nhiên, lần này do thiếu thức ăn, đói quá các con cà cuống quay ra cắn nhau gây thất thoát, vợ chồng chị thất bại lần thứ 2.
"Sang lần thứ 3, tôi cũng mua 10 ổ trứng cà cuống để nuôi lại. Trong lần này cà cuống cũng chết không được thay nước sạch thường xuyên và đưa ra nơi rộng rãi hơn", chị Thơ thổ lộ.
Đúc rút kinh nghiệm sau nhiều lần thất, vợ chồng chị Thơ đã thành công nuôi loài "khó tính" này.
Đến nay, các sản phẩm cà cuống được khách hàng nhiều nơi đón nhận nhiệt tình, luôn trong tình trạng "cháy" hàng, nhờ đó đã giúp gia đình chị thu về khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Bí quyết thu về 1 tỷ/năm nhờ nuôi con cà cuống
Sau khi thất bại nhiều lần, cũng như có thêm nhiều kinh nghiệm, chị Lê Thị Thơ đã cũng chồng nhiều tháng liền ra Bắc vào Nam để tham quan, học hỏi các mô hình, nghiên cứu các kỹ thuật để nuôi cà cuống.
"Nuôi con cà cuống vừa khó lại vừa dễ. Loài vật này rất nhạy cảm với môi trường, cần nơi sạch để sinh sống. Về địa điểm nuôi, tôi chọn nơi sạch sẽ, thoáng mát và tránh các nơi họ hay phun thuốc trừ sâu hoặc hay đốt rác.
Về nguồn nước cần đảm bảo phải sạch, người nuôi thường xuyên thay nước (2-3 lần/ngày). Bên cạnh đó thường xuyên vớt thức ăn ra ngoài tránh ô nhiễm nguồn nước.
Về thức ăn, cà cuống là động vật săn mồi, chúng chỉ ăn được thức ăn tươi sống, còn hoạt động. Khi chúng ăn sẽ hút dịch từ con mồi, để lại xác. Nếu không đủ thức ăn, cà cuống sẽ tự cắn nhau, ăn thịt đồng loại", chị Lê Thị Thơ bật mí,
Theo chị Lê Thị Thơ, lúc mới nở, cà cuống con sẽ ăn các loại động vật như tép, cá 7 màu, nòng nọc ếch. Lớn dần, chúng sẽ được cho ăn các loại cá, động vật to hơn.
Để nước luôn sạch, người nuôi thường xuyên chú ý, vớt xác thức ăn của cà cuống ra ngoài sau khi chúng ăn xong.
Từ khi được nở ra đến khi trưởng thành cà cuống trải qua 5 lần lột xác, kéo dài 40 ngày, sau 10 ngày nữa cà cống có phấn trắng ở bụng. Lúc này cà cuống có tinh dầu cao nhất.
Đầu năm 2023, chị Thơ đã bắt đầu bán lứa cà cuống đầu tiên, được người tiêu dùng tiếp nhận tích cực, giá thành cao, vượt ngoài mong đợi.
Các mặt hàng liên quan đến cà cuống được bán với giá cao, luôn trong trình trạng "cháy hàng", cung không đủ cầu.
Với 1 ổ trứng cà cuống có giá bán 200.000 -250.000 đồng; 200.000 -250.000 đồng/ cặp cà cuống giống; nước mắm cà cuống giá 400.000 đồng/lít nhờ vậy con cà cuống đã giúp chị Thơ mang về 1 tỷ đồng/năm.
Với tốc độ sinh sản nhanh, số lượng lớn và đẻ trứng quanh năm. Mỗi tháng có thể sinh sản 1 đến 2 lần, tỷ lệ nở con thành công đạt gần 100%.
Đến nay, cơ sở của chị Thơ có diện tích khoảng 400m2, với 200 cặp giống, hơn 1.000 con giống và thương phẩm.
Chia sẻ về dự định tương lai, chị Thơ nói: "Hiện tại các sản phẩm liên quan đến cà cuống của cơ sở tôi luôn cháy hàng, được thị trường đón nhận nhiệt tình.
Dự định của vợ chồng tôi là chuyển giao kỹ thuật để bà con trong địa phương nuôi loài vật kinh tế này, chúng tôi sẽ bao tiêu sản phẩm giúp bà con, giúp họ có thêm nguồn thu nhập.
Bên cạnh đó, chúng tôi mong các cấp chính quyền, đoàn thể hỗ trợ, giúp đỡ để mở rộng diện tích trang trại và khu chế xuất nước mắm cà cuống của gia đình. Có như vậy mới ổn định được nguồn cung, hướng tới mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài; tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương".
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Bắc-Chủ tịch UBND xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà cho biết: "Vợ chồng chị Thơ là người trẻ, năng động, dám nghĩ dám làm và nhạy bén trong kinh doanh. Họ đã tiên phong nuôi con cà cuống tại Hà Tĩnh để phát triển kinh tế.
Tại xã Mai Phụ trước đây có nghề nước mắm truyền thống nổi tiếng, tuy nhiên nay đã mai một. Với nước mắm cà cuống, vợ chồng chị Thơ đã góp phần gìn giữ, phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương".
"Cơ sở nuôi cà cuống, kết hợp sản xuất nước mắm truyền thống của chị Lê Thị Thơ là mô hình tiêu biểu của địa phương. Chị Thơ làm hồ sơ tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên tỉnh Hà Tĩnh năm 2023. Đây là mô hình thực chất, có hiệu quả kinh tế cao, rất thích hợp khí hậu và địa hình của địa phương nên dễ nhân rộng và phát triển tốt", Ông Nguyễn Xuân Bắc-Chủ tịch UBND xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, (tỉnh Hà Tĩnh) nói.