Ngày 11/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết đã báo cáo UBND tỉnh nhiều vấn đề khó khăn về tín dụng khi triển khai Đề án Quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó có việc di dời, cải tạo và hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trong nhà kính sang trồng ngoài trời.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, đầu tháng 10/2023, Sở đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng (Agribank Lâm Đồng) về việc xây dựng gói tín dụng riêng để hỗ trợ vốn vay cho các tổ chức, cá nhân hộ gia đình thực hiện cải tạo, chỉnh trang, di dời nhà kính đạt tiêu chuẩn. Việc cải, tạo chỉnh trang này thuộc nội dung của Đề án Quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 diện tích nhà kính giảm 20% so với hiện trạng năm 2022 và đến năm 2030 giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính tại nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn TP.Đà Lạt. Để đạt được mục tiêu này, cần khoảng 4.820 tỷ đồng để cải tạo, di dời, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trong nhà kính sang trồng ngoài trời. Trong đó, giai đoạn 2023-2025 nhu cầu kinh phí cần 964 tỷ đồng.
"Cụ thể, đến năm 2030 sẽ có khoảng 2.500ha nhà kính cần phải đưa ra khỏi nội ô TP.Đà Lạt, với kinh phí khoảng 1,3 tỷ đồng/ha, tổng kinh phí cần 3.250 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2023-2025 di dời 500ha (tương đương 20% diện tích nhà kính nội ô của Đà Lạt) kinh phí cần 650 tỷ đồng. Ngoài ra, việc cải tạo nhà kính đạt tiêu chuẩn cùng cần kinh phí khoảng 1 tỷ đồng/ha. Theo thống kê đến năm 2030 sẽ phải cải tạo khoảng 860ha, tổng kinh phí cần để thực hiện cải tạo là 860 tỷ đồng.
Việc chuyển đổi cây trồng trong nhà kính sang trồng ngoài trời với diện tích khoảng 2.500ha thì cần chi phí khoảng 710 tỷ đồng. Trong đó, cây rau 200 tỷ đồng và cây hoa 510 tỷ đồng, riêng trong giai đoạn 2023-2025 nhu cầu vốn cần 142 tỷ đồng để hỗ trợ cho 500ha (tương đương với 20% diện tích nhà kính nội ô TP.Đà Lạt)", Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng thống kê.
Theo Sở NNPTNT, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân thực hiện xây dựng mới, di dời, cải tạo, chỉnh trang nhà kính đạt tiêu chuẩn việc tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng và Agribank Lâm Đồng xem xét việc xây dựng gói tín dụng riêng để hỗ trợ vốn vay cho các tổ chức, cá nhân hộ gia đình phối hợp thực hiện đề án trên.
Tuy nhiên, theo Agribank Lâm Đồng, đơn vị này hoạt động kinh doanh trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank Việt Nam). Việc đề xuất gói tín dụng ưu đãi lãi suất áp dụng riêng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng phải có chủ trương của Agribank Việt Nam.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc xây dựng các chính sách tín dụng phải do Hội sở các ngân hàng thương mại thực hiện và triển khai trong phạm vi toàn quốc hoặc khu vực. Chính vì vậy, các ngân hàng thương mại tại Lâm Đồng không thể xây dựng được gói tín dụng phục vụ vay vốn ưu đãi áp dụng riêng trên địa bàn tỉnh để thực hiện đề án trên.
Chính vì vậy, Sở NNPTNT tỉnh kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên và tạo điều kiện cho các tổ chức, hộ nông dân vay vốn triển khai thực hiện Đề án Quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu theo các chương trình tín dụng mà Chính phủ đã ban hành.
Bên cạnh đó, đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng có chính sách hỗ trợ một phần lãi suất vay từ ngân sách Nhà nước cho các cá nhân, tổ chức khi vay vốn từ các ngân hàng thương mại để di dời, cải tạo chỉnh trang, xây dựng mới nhà kính. Phương thức hỗ trợ lãi suất là chi trả trực tiếp cho cá nhân, tổ chức phần chênh lệch lãi suất vay, tương tự như phương thức hỗ trợ lãi suất đối với chính sách hỗ trợ tín dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương.
Hiện nay, diện tích nhà kính toàn tỉnh Lâm Đồng đạt 4.476 ha, trong đó TP.Đà Lạt là địa phương có diện tích nhà kính lớn nhất với hơn 2.500ha, chiếm 57% tổng diện tích nhà kính toàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định về quản lý xây dựng nhà kính phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như quy định mật độ, quy cách xây dựng, thủ tục xây dựng...
Vì vậy, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý chưa có giải pháp hữu hiệu để quản lý dẫn đến diện tích nhà kính phát triển tự phát, không hài hòa với cảnh quan, người dân chưa quan tâm đến cảnh quan, môi trường chung.