Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang, trong những năm qua, hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã thể hiện được vai trò quan trọng trong phát triển số lượng doanh nghiệp (DN), tăng năng suất, hiệu quả, tăng trưởng cũng như năng lực cạnh tranh của các DN. Đặc biệt, bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua đã đặt ra những yêu cầu mới cho hoạt động khởi nghiệp và ĐMST.
Trong bối cảnh bình thường mới, các sáng kiến, các giải pháp, dự án khởi nghiệp ĐMST càng phải thể hiện được vai trò tiên phong trong việc giải quyết những vấn đề KT-XH trên nền tảng phát huy tính tự chủ, sáng tạo và đổi mới.
"Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam trong những năm gần đây ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển của một thế hệ các DN mới, hoạt động dựa trên việc khai thác các công nghệ tiên tiến, có năng lực tiếp cận nhanh với thị trường trong và ngoài nước", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN, từ năm 2015, Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST Techfest được tổ chức thường niên và là chuỗi hoạt động lớn nhất quy tụ cộng đồng khởi nghiệp ĐMST trong, ngoài nước tại Việt Nam. Đồng hành cùng với các kỳ Techfest quốc gia, nhiều vùng, nhiều địa phương cũng đã tổ chức các Techfest vùng, địa phương.
Trong năm 2022 đã có 15 Techfest vùng, địa phương được tổ chức, thu hút hàng chục nghìn lượt người tham dự, trình diễn và vinh danh hàng trăm sản phẩm, dịch vụ ĐMST của địa phương, của vùng miền.
Tính đến tháng 10/2023 đã tổ chức Techfest vùng đồng bằng sông Hồng, Techfest vùng Thủ đô, Techfest Hải Phòng, Techfest Bắc Ninh...
"Với sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hệ sinh thái ĐMST cũng như các hoạt động khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2021, 2022 đã ghi nhận hơn 1,5 tỷ đô la Mỹ đầu tư cho các DN khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, đây là mức đầu tư cao nhất từ trước tới nay. Trong hệ sinh thái, sự tham gia của các chủ thể ngày càng tích cực và đã có sự tăng trưởng tốt về số lượng với hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp từ các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư, cơ sở ươm tạo thúc đẩy kinh doanh, các trường đại học, cao đẳng...:, ông Giang thông tin.
Đặc biệt, các DN, tập đoàn lớn cũng bước đầu tìm hiểu, tham gia vào hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp với vai trò là nhà đầu tư tài chính cho DN khởi nghiệp, giúp DN khởi nghiệp mở rộng thị trường, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chuyên môn trong ngành.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang, Bắc Giang là tỉnh trung du miền núi, nằm ở vị trí phía Bắc của Tổ quốc, thời gian qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng trên cơ sở phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt khó, linh hoạt, sáng tạo, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, đạt kết quả tích cực khá toàn diện trên các lĩnh vực KT-XH và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Trong quá trình hoạt động, Bắc Giang luôn có tư duy, tầm nhìn và coi trọng hoạt động khởi nghiệp ĐMST. Ngày hôm nay, tỉnh Bắc Giang tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST năm 2023 trước thềm khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST quốc gia dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 23-25/11 tại TP Hồ Chí Minh.
Đây là tiền đề, dấu mốc quan trọng, cơ sở pháp lý và thực tiễn góp phần hình thành, thúc đẩy nhân rộng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST tỉnh nhà, kết nối ngày càng hữu cơ hơn, hiệu quả hơn với các hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST khác trong nước và thế giới trong thời gian tới.
Để hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tỉnh Bắc Giang phát triển mạnh mẽ hơn nữa, góp phần khẳng định “vị thế, hình ảnh tỉnh Bắc Giang ở tầm cao mới", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang đề nghị ngành KH&CN tỉnh Bắc Giang cần tạo môi trường, điều kiện, cơ sở pháp lý thuận lợi để các DN khởi nghiệp, ĐMST một cách thuận lợi nhất, hiệu quả nhất, chi phí thấp nhất, rủi ro ít nhất, truyền cảm hứng, tạo động lực, thúc đẩy xu thế, phong trào khởi nghiệp ĐMST.
Bố trí kinh phí triển khai các chương trình, đề án phát triển thị trường KH&CN; hỗ trợ triển khai khởi nghiệp, ĐMST, chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm công nghiệp địa phương, sản phẩm OCOP.
Tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực tài chính hỗ trợ khởi nghiệp, ĐMST từ nhiều nguồn khác nhau; đẩy mạnh các phương thức hợp tác đầu tư phù hợp, hiệu quả trong hoạt động khởi nghiệp, ĐMST.
Cần tập trung khuyến khích, có cơ chế chấp nhận rủi ro và bảo vệ những người dám khởi nghiệp, ĐMST. Đồng thời, tôi cũng kêu gọi các DN trong tỉnh, các tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội DN, DN nhỏ và vừa tăng cường ĐMST, hợp tác, đặt đề bài để cộng đồng khởi nghiệp ĐMST, các viện nghiên cứu, trường đại học cùng tham gia giải quyết. Qua đó thúc đẩy hiệu quả kinh tế cũng như giải quyết những bài toán lớn của tỉnh, của vùng, cũng như của quốc gia.