Sản phẩm OCOP Bắc Giang không ngừng nâng cao chất lượng

Kế Nguyễn Thứ sáu, ngày 27/10/2023 09:35 AM (GMT+7)
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP của tỉnh Bắc Giang đã mang lại kết quả tích cực, giá trị sản phẩm OCOP không ngừng được nâng cao.
Bình luận 0

Bắc Giang là một trong những tỉnh nằm trong top đầu toàn quốc về số lượng sản phẩm được chứng nhận OCOP. Tính đến tháng 8/2023, Bắc Giang có 255 sản phẩm được công nhận OCOP đạt từ 3 sao trở lên, giá trị sản phẩm OCOP ước khoảng 650 tỷ đồng.

Xuất phát từ những tiền đề và lợi thế lớn của tỉnh, những năm qua, được sự tham gia của các cấp, ngành, hệ thống chính trị, Chương trình OCOP triển khai trên địa bàn tỉnh đã thể hiện được sự phù hợp về định hướng, chính sách để phát huy thế mạnh điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Bắc Giang: Không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Việc cải thiện đóng gói bao bì, nhãn mác đẹp, nâng cao chất lượng sản phẩm đã giúp cho các sản phẩm OCOP có doanh thu cao hơn, giá trị kinh tế tăng lên.

Các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang được công nhận đều mang đặc trưng sản xuất của các làng nghề truyền thống, làng nghề như: Mỳ Chũ, mỳ Châu Sơn, rượu Vân, bún Đa Mai… Bên cạnh các sản phẩm nổi tiếng khác đã phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như: Gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, vải sớm Phúc Hòa, vú sữa Hợp Đức, mật ong Tây Yên Tử, trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo…

Ông Nguyễn Thái Trường- Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết: "Để nâng cao năng lực cho cán bộ, chủ thể, năm 2023, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang tổ chức 7 lớp tập huấn cho 500 chủ thể sản xuất và cán bộ quản lý Chương trình OCOP các cấp. Quá trình tập huấn ưu tiên hướng dẫn các chủ thể đăng ký tham gia chương trình và hướng dẫn chuyên sâu các chuyên đề về phát triển sản phẩm, đánh giá phân hạng sản phẩm, chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử, xúc tiến thương mại..."

Hiện nay, có nhiều chủ thể HTX có trình độ, nhiệt huyết khởi nghiệp từ nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm thể hiện sự sáng tạo của người dân. Trong đó, HTX Xuân Hồng là một ví dụ điển hình trong việc nỗ lực xây dựng quảng bá thương hiệu sản phẩm "Vải thiều Lục Ngạn".

Ngay từ những năm đầu tiên tham gia Chương trình OCOP, HTX Hồng Xuân đã đưa sản phẩm "Vải thiều Lục Ngạn" tham gia đánh giá, phân hạng và đạt kết quả 4 sao. Đến nay, HTX Hồng Xuân có 5 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, gồm 01 sản phẩm 4 sao và 4 sản phẩm 3 sao. HTX cũng là một trong những đơn vị được cấp mã số đóng gói xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc hàng năm chiếm 90% sản lượng vải thiều xuất khẩu của cả tỉnh.

Bắc Giang: Không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Bắc Giang đặc biệt trú trọng công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP tại các hội chợ, triển lãm.

Ông Phạm Văn Dũng đại diện HTX Xuân Hồng chia sẻ: "Sản phẩm vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân khi triển khai nâng cấp sao, hàng có sẵn, chất lượng ngày càng được nâng cao, cơ sở vật chất, thương hiệu đã được xây dựng, xuất sang Hoa Kỳ, Úc (mỗi năm khoảng 100 tấn) và đã cung cấp cho nhiều siêu thị trong nước.

Sau khi được công nhận OCOP 4 sao, bao bì, nhãn mác đẹp, chất lượng tốt, người tiêu dùng yên tâm về sản phẩm nên tiêu thụ cũng tốt hơn, doanh thu cao hơn, kéo theo giá trị cũng tăng lên. Ngoài ra, ông Dũng mong muốn các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hỗ trợ các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước qua đó tạo điều kiện cho chủ thể có cơ hội tìm kiếm đối tác thương mại, đầu tư làm cơ sở cho hoạt động xuất khẩu sản phẩm của mình và hướng tới sản phẩm đạt chuẩn 5 sao.

Trong giai đoạn 2019-2022, những sản phẩm được gắn sao OCOP của Bắc Giang có doanh thu tăng bình quân 15% so với sản phẩm thông thường, trong đó doanh thu bình quân của các sản phẩm 4 sao đạt 4,3 tỷ đồng/sản phẩm/năm, sản phẩm 3 sao đạt 2,8 tỷ đồng/sản phẩm/năm.

Bắc Giang phấn đấu hết năm 2025, có ít nhất 310 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó khoảng 1-2 sản phẩm OCOP đạt 5 sao cấp Quốc gia; đến năm 2030 có khoảng 350 sản phẩm OCOP.

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang cho hay: "Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP là các sản phẩm chủ lực mang tính đặc trưng ở mỗi địa phương. Để khơi dậy tiềm năng này, thời gian tới, sở sẽ giao Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục hướng dẫn các địa phương tập trung phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nhằm thu hút du khách, quảng bá hoạt động du lịch, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP của tỉnh.

Đồng thời, Bắc Giang sẽ triển khai thực hiện từ 1-3 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế... Cùng với đó là tăng cường xây dựng và hoàn thiện các chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

"Phát triển sản phẩm OCOP chính là động lực quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh"- Giám đốc sở NN và PTNT tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem