Ngày 11/11, Hội nghị các trưởng cơ quan đại diện ngoại giao và tổ chức nước ngoài diễn ra tại Bình Định.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cùng lãnh đạo Bình Định đã gặp gỡ các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, gồm: Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhấn mạnh, tỉnh coi trọng đối ngoại và đã những bước đi cụ thể để thúc đẩy hợp tác với các cơ quan đại diện ngoại giao và tổ chức nước ngoài tại Việt Nam. Chính quyền tỉnh này cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức cá nhân nước ngoài sinh sống và làm việc tại tỉnh.
"Hội nghị này là dịp kết nối, đồng thời là cơ hội để quảng bá hình ảnh của tỉnh, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại", ông Dũng nói.
Bí thư Dũng cho biết, trong chiến lược phát triển Bình Định, tỉnh này luôn xác định, nội lực là nhân tố quyết định nhưng ngoại lực là nhân tố quan trọng.
Vì vậy, trên cơ sở bám sát đường lối đối ngoại "độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại" của Đảng và Nhà nước, tỉnh Bình Định đã và đang tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác, kêu gọi thu hút đầu tư trên các lĩnh vực.
"Chúng tôi cam kết sẽ giải quyết thủ tục nhanh nhất, có cơ chế ưu đãi tốt nhất cho các nhà đầu tư; luôn đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp", Bí thư Dũng cho hay.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn, tỉnh đặt mục tiêu trở thành tỉnh có nền công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, đồng thời trở thành trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế. Tỉnh cũng được định hướng trở trở thành trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo - nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam.
Chính vì thế, Bình Định đã và đang tập trung mời gọi các nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, có hàm lượng tri thức cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đánh giá, Bình Định - miền "đất võ – trời văn" là 1 trong 5 tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có vị trí chiến lược tại khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, đầy đủ các phương thức vận tải, nằm ở trung tâm của trục Bắc - Nam trên cả bốn tuyến đường bộ, đường sắt xuyên Việt, đường hàng không và đường biển.
Nơi có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh phong phú, đa dạng như Ghềnh Ráng Tiên Sa, Eo Gió, Kỳ Co…, được ví như "ngôi sao nối ngôi" trên bản đồ du lịch miền Trung.
"Bình Định là địa phương có hướng đi khác biệt, bứt phá với sự tập trung vào khoa học, công nghệ và sáng tạo", Thứ trưởng Hằng nói và cho biết, Bình Định là mạnh đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử, vùng đất địa linh nhân kiệt. Nhân dân Bình Định dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và cần cù, thông minh, sáng tạo trong xây dựng quê hương, hình thành nguồn lực nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu cho giai đoạn phát triển mới.
"Nếu không quan tâm Bình Định, muộn nhất là 5 năm sau sẽ ân hận bởi quyết định muộn màng"
Ông Dato' Tan Yang Thai, Đại sứ Malaysia cho hay, Malaysia nhận thấy tiềm năng và cơ hội to lớn ở Việt Nam và cam kết tăng cường hơn nữa hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước. Các lĩnh vực tiềm năng có thể hợp tác là phát triển bất động sản, thực phẩm và đồ uống, du lịch, sản phẩm y tế và dược phẩm, dịch vụ tài chính, năng lượng, điện lực và kinh doanh các sản phẩm hạ nguồn dầu khí.
"Nhân cơ hội này, tôi xin kêu gọi các doanh nhân Việt Nam kết nối, hợp tác với các đối tác từ Malaysia tại Việt Nam", ông này chia sẻ.
Theo Bà Wiraka Moodhitaporn, Tổng lãnh sự Thái Lan tại TP HCM, Bình Định đã kêu gọi đầu tư vào 151 dự án mới, đặc biệt là Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội. Đó là minh chứng cho cam kết của tỉnh đối với các hoạt động kinh tế thân thiện với môi trường.
Điều này phù hợp với các nguyên tắc của mục tiêu của Thái Lan về kinh tế xanh sinh học tuần hoàn, được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Bangkok vào năm ngoái. Thái Lan sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế; trong đó, có Việt Nam để thúc đẩy phát triển bền vững.
Nhiều năm gắn bó trong công tác tư vấn cho tỉnh Bình Định, GS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nêu cảm nhận, Bình Định là địa phương đi đầu trong mở cửa hội nhập quốc tế trong giai đoạn nền kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam đã và đang còn những khó khăn.
Nơi đây có những lợi thế khác hẳn các địa phương khác, các lợi thế này được tích hợp, cộng hưởng với nhau. Trong khát vọng vươn lên mạnh mẽ của tỉnh, hiện có hai điểm nổi bật nhất là mở cửa hội nhập quốc tế và đẳng cấp phát triển gắn với những quy hoạch.
Thể hiện được sự đột phá, tầm nhìn chiến lược, cùng những nỗ lực, giải pháp, từng bước kêu gọi hợp tác, đầu tư để vươn tầm quốc gia, quốc tế ở một số lĩnh vực. Trong đó, phải kể đến khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo.
"Bình Định là điểm đến rất đáng để các bạn quốc tế quan tâm, nếu không thì khoảng 2 - 3 năm và muộn nhất 5 năm sau, sẽ ân hận bởi quyết định muộn màng của mình", ông Thiên nói.