1.000 héc-ta đất rừng của Bình Định bị người dân Gia Lai xâm chiếm

Dũ Tuấn Thứ năm, ngày 02/11/2023 08:44 AM (GMT+7)
Khoảng 1.000 héc-ta đất rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh và doanh nghiệp tại Bình Định đã bị người dân Gia Lai xâm chiếm trái phép. Trải qua nhiều đời Chủ tịch tỉnh, Bình Định vất vả thực hiện loạt giải pháp, kể cả cử đoàn công tác sang tỉnh 'láng giềng' làm việc, thế nhưng vẫn chưa thể 'đòi' được đất.
Bình luận 0

"Xâu xé" rừng giáp ranh làm của riêng 

Hơn 1 thập kỷ trôi qua, để xử lý sự việc xâm chiếm đất rừng quy mô lớn ở vùng giáp ranh giữa huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) và thị xã An Khê (Gia Lai), cơ quan chức trách của 2 tỉnh này đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, nhưng mọi giải pháp chỉ nằm "trên giấy", chưa xử lý hiệu quả. 

Cả 2 bên đã cùng xác định diện tích bị lấn chiếm và các đối tượng vi phạm. Mọi việc đã sáng tỏ, rạch ròi và tưởng chừng sẽ được xử lý rốt ráo, nhưng đến nay, việc giải quyết vẫn "dậm chân tại chỗ", chưa có hồi kết. 

Theo UBND tỉnh Bình Định, trước đây tỉnh này giao đất lâm nghiệp cho Lâm trường Sông Kôn quản lý, sử dụng đất (nay là Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn). 

Trong quá trình quản lý và sử dụng đất đã để xảy ra trình trạng tranh chấp với các hộ dân tỉnh Gia Lai tại xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh với diện tích khoảng 840ha, trách nhiệm này theo quy định về pháp luật đất đai thuộc về Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn. 

1.000 héc ta đất rừng của Bình Định bị người dân Gia Lai xâm chiếm  - Ảnh 1.

Người dân thị xã An Khê (Gia Lai) lấn chiếm đất rừng giáp ranh với tỉnh Bình Định. Ảnh tư liệu.

Cụ thể, diện tích 403ha các hộ dân các xã: Tú An, Xuân An, Cửu An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai sang khai hoang, xâm canh sản xuất từ trước năm 2004. Khi Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn thực hiện bồi thường hỗ trợ, đã xảy ra tranh chấp. 

Diện tích 437ha, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn triển khai trồng rừng từ năm 2001; đến năm 2007 sau khi Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn thu hoạch trồng lại rừng thì bị các hộ dân tranh chấp, lấn chiếm. 

Ngoài ra, theo báo cáo của Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh các hộ dân thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai đã lấn chiếm 162ha, thuộc địa phận xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh. 

Từ năm 2016, UBND tỉnh Bình Định đã có Văn bản số 4059/UBND-NC ngày 16/9/2016, giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp các Sở, ngành đơn vị địa phương liên quan cùng các cơ quan địa  phương tỉnh Gia Lai, để thống nhất ý kiến giải quyết. 

Sau đó, Đoàn công tác các Sở, ban, ngành tỉnh Bình Định đã làm việc Đoàn công tác các Sở, ban, ngành tỉnh Gia Lai vào ngày 19/8/2016 và 2 bên đã có Biên bản làm việc và thống nhất.

Đối với 403ha đất người dân sản xuất từ năm 2004 về trước năm 1995, giao UBND thị xã An Khê chỉ đạo các xã Tú An, Xuân An, Cửu An rà soát lập phương án sử dụng đất đề xuất thu hồi lại đất cho Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn quản lý theo quy định. 

1.000 héc ta đất rừng của Bình Định bị người dân Gia Lai xâm chiếm  - Ảnh 2.

Một chốt bảo vệ rừng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn. Ảnh: DT.

Phần diện tích 318ha (trong 437 ha) người dân tỉnh Gia Lai lấn chiếm của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn đề nghị UBND thị xã An Khê chỉ đạo UBND các xã có liên quan phối hợp Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn và các cơ quan chức năng vận động các hộ dân giao lại đất cho Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn sau khi thu hoạch. 

Phần diện tích 162ha đất rừng phòng hộ bị lấn chiếm đề nghị UBND thị xã An Khê chỉ đạo các xã phối hợp BQL rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh cùng các cơ quan chức năng vận động các hộ dân tự nguyện trả lại đất để phát triển rừng phòng hộ theo quy định. 

"Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện theo các nội dung nêu trên gặp khó khăn, nguyên nhân chủ yếu là chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền sở tại 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai, nhất là sự thiếu tích cực của các cấp, ngành tỉnh Gia Lai", lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cho hay. 

"Đòi" lại đất rừng… chuyện không dễ

Để "đòi" lại đất, trong quá khứ, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn đã từng bỏ ra rất nhiều tiền với mục đích, hỗ trợ hoa màu cho dân. 

Tại các cuộc đối thoại, bề ngoài người dân đã đồng ý, song thực tế họ quay sang chống đối và ngang nhiên chiếm đất công khai. 

Thậm chí, khi công nhân của công ty vào trồng rừng thì bị một số người quá khích dùng rựa, cuốc hăm dọa tấn công công nhân, với biểu hiện liều lĩnh.

1.000 héc ta đất rừng của Bình Định bị người dân Gia Lai xâm chiếm  - Ảnh 3.

Khu vực rừng do Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn quản lý. Ảnh: DT.

Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn Nguyễn Ngọc Đạo cho biết, hiện tại vẫn còn 319ha đất rừng do doanh nghiệp quản lý bị lấn chiếm. 

"Bắt đầu từ năm 2018, công ty đã khoanh vùng diện tích này nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được. 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai đã làm việc nhiều năm rồi và yêu cầu người dân phía Gia Lai trả đất nhưng họ không chịu", ông Đạo nói.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, UBND huyện Vĩnh Thạnh và Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn đã phối hợp với UBND các xã thuộc thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai để tổ chức tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân trả lại đất lấn chiếm. Tuy nhiên, việc này không đạt hiệu quả.

"Nhiều năm qua, chúng tôi đã thành lập rất nhiều đoàn công tác, thực hiện loạt giải pháp nhưng mọi việc vẫn chưa ổn. Người dân không đồng ý trả đất, việc vận động, tuyên truyền không mang lại hiệu quả", Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Bùi Tấn Thành ngao ngán.

1.000 héc ta đất rừng của Bình Định bị người dân Gia Lai xâm chiếm  - Ảnh 4.

Lực lượng tuần tra, giữ rừng vùng giáp ranh. Ảnh: DT.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cho biết, chính quyền tỉnh này sẽ chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo chính quyền địa phương sở tại giải quyết việc lấn, chiếm đất của một số hộ dân thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai, tại địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định. 

Yêu cầu Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn và Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh phải có trách nhiệm kiểm tra quản lý đất đai đã được nhà nước giao, cho thuê. Chịu trách nhiệm khi để xảy ra lấn chiếm đất đai, kịp thời báo cáo chính quyền địa phương sở tại, khi có xảy ra lấn chiếm đất đai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem