Chùa Cầu Đông ngày nay nằm ngay trên con phố Hàng Đường nổi tiếng với các mặt hàng ô mai. Chùa nằm khiêm tốn và tĩnh lặng tại số 38B, phố Hàng Đường, Hà Nội.
Tượng thờ Thái sư Trần Thủ Đô và vợ Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung tại chùa Cầu Đông, phố Hàng Đường, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Chùa xưa thuộc thôn Đông Hoa Môn xưa, trước thế kỷ XV. Kể từ khi mới dựng, chùa đã qua nhiều bước thăng trầm cùng lịch sử và cũng đã được trùng tu không ít lần.
Chùa Cầu Đông thờ Phật theo dòng Tào Động. Đây là một trong năm phái thiền của Phật giáo Việt Nam. Bởi vậy, nhiều khách tham quan đến chùa Cầu Đông khá bất ngờ vì tại đây có một ban thờ tượng Thái sư Trần Thủ Độ và vợ của ông là bà Trần Thị Dung.
Hai bức tượng đều được tạc bằng gỗ và được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá có cùng niên đại nửa đầu thế kỷ XVIII với gần 60 bức tượng cổ khác trong chùa.
Hai pho tượng đặt bên trái điện thờ và mặc những trang phục rất giản dị, thậm chí tượng Trần Thủ Độ còn có phần khắc khổ, suy tư, mắt ông đăm chiêu hướng xuống.
Và người vợ của ông, bà hoàng của một thời cũng trong một phục trang đơn giản tương xứng. Cả hai pho tượng đều tạc với dáng vẻ ngồi thiền.
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại cũng chưa một ai biết về nguồn gốc và ý nghĩa của hai bức tượng này. Kể cả các vị Tỳ kheo Ni (những nữ tu hành) đã tu tập tại chùa vài chục năm cũng không biết rõ.
Theo Sư cô Thích Đàm Đạo, phật tử thập phương xưa nay tới chùa vẫn chỉ lễ Phật và cầu xin bình an. Mặc dù chùa có thờ hai bức tượng Thái sư Trần Thủ Độ và vợ của ông là Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung.
Tại chùa cũng không còn lưu giữ bất kỳ thư tịch cổ nào nói về nguồn gốc của hai pho tượng cổ này.
“Thi thoảng chỉ có một vài vị Phật tử cùng quê với Thái sư Trần Thụ Độ đi ngang qua chùa vào thắp nén hương lễ Phật và vợ chồng Ngài.
Họ nói rằng biết ở đây có tượng Ngài nên vào thắp nén hương tưởng nhớ chứ trước nay chùa không hề có bất cứ bút tích nào về lịch sử của hai bức tượng về hai vợ chồng Ngài.
Có lẽ do chùa trải qua nhiều lần tu bổ và chiến tranh loạn lạc, người xưa cũng không ai còn biết và nhớ nên câu chuyện về hai pho tượng này. Vì vậy, đây vẫn là bí ẩn đối với bản thân chùa và du khách thập phương” - sư cô Thích Đàm Đạo cho hay.
Tượng Thái sư Trần Thủ Độ có phần đăm chiêu, khắc khổ.
Duy chỉ những công lao của Thái sư cùng vợ đối với nhà Trần vẫn được lưu truyền đến ngày nay. Thái sư Trần Thủ Độ là nhà chính trị xuất sắc có công sáng lập và củng cố vương triều Trần (1225 - 1400).
Vốn có võ nghệ xuất chúng, ông tham gia đánh dẹp các thế lực cát cứ, giúp nhà Lý, được phong giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ.
Nhân cơ hội nhà Lý suy yếu, ông đã dùng nhiều thủ đoạn khéo léo, sắp đặt việc Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho cháu họ của ông là Trần Cảnh (tức Trần Thái Tông), lập nên vương triều Trần.
Ông làm Thái sư giúp vua còn nhỏ tuổi, nắm mọi quyền lực ở triều đình kiêm coi trấn phủ Thanh Hóa. Là người có bản lĩnh, Trần Thủ Độ có tính quyết đoán, nhiều mưu kế, tận tụy với công việc, luôn đề cao phép nước, cư xử nghiêm minh.
Năm 1258, khi quân Nguyên Mông xâm lược nước Đại Việt lần thứ nhất, ông đã 64 tuổi nhưng vẫn khảng khái trả lời vua Trần Thái Tông: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo!”. Sau đó, chỉ trong 10 ngày quân dân nhà Trần phản công đã đánh tan giặc Mông Cổ.
Thuở nhỏ, Trần Thủ Độ được ông Trần Lý nuôi dạy và coi như con. Trần Thị Dung là con gái của Trần Lý. Hai người yêu nhau nhưng khi Thái tử Lý Hạo Sảm lánh nạn về ở nhờ nhà ông Trần Lý, thấy Trần Thị Dung xinh đẹp đã xin cưới làm vợ.
Trần Thủ Độ đành hi sinh mối tình đầu để người yêu lấy Thái tử Sảm, sau này lên ngôi vua là Lý Huệ Tông.
Lúc đầu Trần Thị Dung được lập làm nguyên phi, sau được phong làm Hoàng hậu. Bà sinh được hai công chúa: Thuận Thiên sau lấy Trần Liễu và Chiêu Thánh (tức Lý Chiêu Hoàng) lấy Trần Cảnh.
Sau, Lý Huệ Tông đi tu rồi chết. Nhà Trần đã gả Hoàng hậu triều Lý là Trần Thị Dung cho Thái sư Trần Thủ Độ. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất, bà Trần Thị Dung đã có công chỉ huy hoàng tộc rút khỏi kinh thành Thăng Long.
Sau đó, bà lại lo chỉ đạo thu nhặt sắt thép, động viên các hiệp thợ ngày đêm rèn đúc vũ khí để cung cấp cho quân Trần.
Lương thực, thực phẩm để quân đội ăn no đánh thắng cũng do bà lo liệu. Với công lao to lớn đó, vua Trần đã sắc phong cho bà là Linh Từ quốc mẫu. Cũng có truyền thuyết nói rằng, dưới thời nhà Trần, Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung đã cho tu bổ lại chùa Cầu Đông nên được tạc tượng thờ.
Nơi lưu giữ nhiều di vật cổ
Chùa Cầu Đông còn có tên chữ là Đông Môn Tự hay còn gọi chùa Đông Môn. Chữ “Đông” nghĩa là phía Đông, còn “Môn” nghĩa là cửa. Tấm bia ở chùa dựng năm Vĩnh Tộ thứ 6 (1624) cho biết: “Chùa Đông Môn là nơi danh lam cổ tích. Sông Nhị chầu phía trước, dòng nhánh tỏa lượn mênh mông, thành Thăng Long nằm phục phía sau…”.
Trên quả chuông đồng của chùa có niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) cũng ghi: “…Duy có chùa cổ, cầu đá phía Đông, sông Tô chảy bên trái, cửa Hoa bên phải”.
Theo tư liệu này, cửa Hoa (tức cửa Đông thành) nằm ở bên phải chùa. Như thế, chùa Cầu Đông đã trở thành một dấu tích lịch sử quan trọng, nguồn sử liệu quý giá cho biết địa thế tọa lạc của ngôi chùa, góp phần giúp các nhà nghiên cứu xác định một phần diện mạo miền đất phía Đông của kinh thành Thăng Long.
Trong sơ lược lịch sử của chùa Cầu Đông hiện đang lưu giữ tại đây, chùa được xây dựng từ đời nhà Lý. Năm 1010, vua Lý Thái Tổ quyết định rời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đổi tên Thăng Long là “Hà Nội”. Về kinh đô mới, nhà vua cho xây dựng nhiều đền chùa theo mẫu Hoa Lư như tháp Báo Thiên, chùa Nhất Trụ và có cả chùa Cầu Đông.
Đặc biệt, ngoài hai pho tượng của vợ chồng Thái sư Trần Thủ Độ, trong chùa có gần 60 pho tượng tròn chất liệu gỗ. Một trong số đó là ba pho tượng Tam thế, thể hiện ở ba thời: Dĩ vãng, hiện tại và tương lai. Cả ba pho tượng được tạo tác vào nửa đầu thế kỷ XVIII, có hình thức gần giống nhau.
Đây là các pho tượng quý hiếm, đẹp, có giá trị nghệ thuật điêu khắc cao, được diễn tả bằng các nét trang trí như anh lạc (vòng đeo cổ), khuôn mặt phụ nữ, mang đầy đủ tiêu chuẩn của tượng Phật ở nước ta thế kỷ XVII, XVIII.
Trong Phật điện còn có pho tượng Tuyết Sơn có nét khắc đẹp, tinh tế, gần giống với tượng Tuyết Sơn ở chùa Tây Phương (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất).
Thân tượng được tạo theo kiểu áo buông lửng trên vai để lộ tấm thân gầy guộc, song vẫn toát lên vẻ thanh tao. Tượng Di Lạc ở đây to gần bằng người thực, khuôn mặt với nụ cười rạng rỡ, bụng phệ, thể hiện sự no đủ, hoan hỷ.
Bên cạnh đó, hiện chùa Cầu Đông còn lưu giữ được 4 bia đá cổ có các niên đại: Vĩnh Tộ thứ sáu 1624, Dương Hòa thứ năm 1639, Vĩnh Thịnh thứ tám 1712 và Gia Long thứ mười sáu 1817. Đó là những năm chùa được trùng tu lớn.
Hiện nay, chùa Cầu Đông Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích văn hóa, lịch sử. Người dân Hà Nội, nhất là những người trong khu phố cổ đều rất tự hào về ngôi chùa này. Khắp con phố cổ Hàng Đường vẫn lưu truyền những bài ca dao như: “Cầu Đông vẳng tiếng chuông chùa/ Trăng soi giá nến, gió lùa khói hương. Mặt ngoài có phố Hàng Đường/ Hàng Mây, Hàng Mã, Hàng Buồm, Hàng Chum…”.