Đứa trẻ chăn trâu quê Thanh Hóa bị tướng nhà Minh bắt làm nô lệ, sau được Lê Lợi phong hổ vệ tướng quân

Thứ sáu, ngày 10/11/2023 22:26 PM (GMT+7)
Theo sách “Đại Việt thông sử”, Trịnh Khả sinh năm 1403 người xã Sóc Sơn, huyện Vĩnh Ninh, tỉnh Thanh Hoa (nay là tỉnh Thanh Hóa). Tổ tiên ông làm quan nhà Trần, đánh quân Nguyên có công. Trịnh Khả là một trong 18 người có mặt tại hội thề Lũng Nhai và trở thành một trong những vị tướng tài của Lê Lợi (Lê Thái Tổ)...
Bình luận 0
Theo sách “Đại Việt thông sử”, Trịnh Khả sinh năm 1403 người xã Sóc Sơn, huyện Vĩnh Ninh, tỉnh Thanh Hoa (nay là tỉnh Thanh Hóa). Tổ tiên ông làm quan nhà Trần, đánh quân Nguyên có công. 

Cha ông là Trịnh Quyện làm chức Chánh tổng, sinh được 4 người con trai, Trịnh Khả là con út. Trịnh Khả lớn lên lúc nước Đại Việt bị nhà Minh đô hộ. 

Một hôm, Trịnh Khả đi chăn trâu ngồi nghỉ ở cổng chùa trên núi, có viên tướng nhà Minh từ thành đi tới, trông thấy Trịnh Khả thì ưa, bèn dẫn về nuôi làm nô lệ.

Ít lâu sau, viên tướng này xem tướng Trịnh Khả, nói rằng: Đứa bé này hình rồng, mắt hổ, khỏe nhất ba quân, ngày sau tất cầm cờ mao tiết. 

Chợt lại bảo: Ngày sau đuổi chúng ta đi tất là mày, phải giết ngay đi kẻo lo ngại về sau. Trịnh Khả sợ hãi bỏ trốn, quân Minh đuổi theo không kịp, bèn bắt giam cha ông là Trịnh Quyện để buộc ông phải đến, nhưng Trịnh Khả cũng không chịu đến. Quân Minh bèn giết Trịnh Quyện rồi bỏ xác xuống sông. Trịnh Khả biết tin, nhân đêm lẻn về vớt xác cha lên chôn cất.

Căm thù quân Minh, ông tìm đến Lam Sơn theo Lê Lợi tham gia khởi nghĩa. Trịnh Khả là một trong 18 người có mặt tại hội thề Lũng Nhai và trở thành một trong những vị tướng tài, lập được nhiều công lao cho cuộc khởi nghĩa quân Lam Sơn. 

Năm 1428, ông được vua Lê Lợi phong hàm Kim tử vinh lộc đại phu, Tả lân hổ vệ tướng quân, tước Liệt hầu, có tên trong bảng khắc ghi danh sách 93 vị công thần khai quốc của nhà Lê. Những ngày đầu khởi nghĩa Lam Sơn, Trịnh Khả cùng nhóm Lê Văn Linh là tướng võ, tướng văn luôn mang gươm theo hầu Lê Lợi, sau đó được thăng làm Thứ thủ đội thiết đột. 

Năm 1418, quân Minh truy kích Lê Lợi không được, chúng liền sai người đào mộ Lê Khoáng là cha của Lê Lợi, rồi lấy hài cốt mang về. Lê Lợi sai ông và Bùi Bị đi lấy lại. Ông cùng Bùi Bị đội cỏ bơi đến thuyền quân Minh, lấy trộm lại được hài cốt Lê Khoáng.

Đứa trẻ chăn trâu quê Thanh Hóa bị tướng nhà Minh bắt làm nô lệ, sau được Lê Lợi phong hổ vệ tướng quân - Ảnh 1.

Nhờ tài năng và công lao hoạt động quân sự ngay trong thời hậu chiến, ở đời trị vì của vua Lê Thái Tông, giữa những rối ren bè phái, tranh chấp quyền lực (mà đứng đầu - cũng đồng thời thành nạn nhân - là những võ tướng đồng đội cũ: các tể tướng Lê Sát, Lê Ngân...), Trịnh Khả không những đã thoát hiểm mà còn ngày càng trở thành cận thần của Lê Lợi. 

Ông là người chủ chốt hộ giá vua Lê Thái Tông trong chuyến đi kinh lý miền Đông Bắc năm 1442, đồng thời là quan chức cao cấp nhất có mặt trong đêm vua Lê Thái Tông đột ngột băng hà ở Lệ Chi Viên.

Vào đầu thời kỳ trị vì của vua Lê Nhân Tông, Trịnh Khả được phong hàm Nhập nội suy trung tán lý dương vũ công thần, kiêm Lỗi Giang trấn phủ quân; Thượng tướng quân cai quản việc quân các vệ ở Tây Đạo, tước Quận thượng hầu. 

Lúc này, cùng với Lê Thụ, ông là bậc tể phụ của triều đình, nhưng khác với Lê Thụ, ông là người sống thẳng thắn, biết tự nhận lỗi của mình. Ông là bậc tể phụ đứng đầu, có tính thủ tín, thẳng thắn giữ phép công hết chức phận, lấy việc sửa lỗi cho vua, nhận lời chỉ bảo làm trách nhiệm của mình, biết điều gì cũng nói, lại dùng phép rất nghiêm, không ai có thể làm khác được. 

Thời ấy, các quan ai cũng sợ.

Sinh thời, ông rất ghét bọn quan lại tham ô và bọn xu nịnh, sách “Đại Việt thông sử” viết: “Viên Chủ bạ Nam Đạo là Đàm Thảo Lư ẩn lậu 4 quan tiền thuế, theo luật không đến nỗi xử tử, nhưng y đã từng vu hãm Nguyễn Thiên Tích nên ông ghét lắm, bèn quyết định ghép vào tội chết”. 

Viên Chuyển vận phó sứ huyện Văn Bàn là Trương Tông Ký ăn hối lộ, việc phát giác, án làm xong sắp đem chém thì tả hữu xin tha, ông nói: “Ăn trộm của một nhà còn không tha được huống hồ ăn trộm của một huyện sao tha được”. Để kẻ bị tội tâm phục khẩu phục, Trịnh Khả cho tra xét lại và cuối cùng vẫn xử tội chết, điều đó khiến các quan vừa nể vừa sợ.

Chính vì thế trong vài năm đất nước yên ổn nhưng tướng Trịnh Khả đã thành người có nhiều đối thủ gian thần. Và vào tháng 9-1451, có kẻ gièm pha cha con ông làm phản. Thái hậu Nguyễn Thị Anh đã ban lệnh giết chết 2 cha con ông. 

Phải 2 năm sau, khi vua Lê Nhân Tông đến tuổi trưởng thành mới có lệnh khôi phục quan chức cho tướng Trịnh Khả. Sau đó, đến đời trị vì của vua Lê Thánh Tông, năm 1484, mới có thêm lệnh truy tặng tướng Trịnh Khả chức và tước Thiếu phó, Liệt quận công rồi Thái úy, Liệt quốc công.

Lời bàn:

Theo sử cũ, Trịnh Khả là một trong những danh tướng chủ chốt của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống quân Minh xâm lược ở thế kỷ XV. 

Ông là một trong những người chiến đấu dũng cảm, lập được nhiều công lao xuất sắc trong các trận đánh, như: chiến thắng Tốt Động - Chúc Động, ải Lê Hoa... Ông đã cùng với các anh hùng hào kiệt góp phần đưa cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi và lập ra vương triều hậu Lê.

Sách “Kiến văn tiểu lục” có đoạn viết về ông như sau: Trịnh Khả xa giá từ lúc ở Lam Sơn, tài trí hơn đời, ứng biến không cùng tận, phá Vương Thông, đuổi Mộc Thạnh, giết Kha Lại nước Ai Lao, bắt Bí Cai chúa Chiêm Thành, danh vọng lừng lẫy một thời... 

Trong cuộc sống đời thường, ông là người có cốt cách mẫu mực, trung thành, thanh liêm và tận tụy. Trong triều đình, ông là vị quan không khoan nhượng trong cuộc đấu tranh chống tệ tham nhũng nên có nhiều kẻ tham quan ô lại căm ghét. Mặc dù kết cục bi thương là vậy, song tên tuổi và sự nghiệp của ông đã làm rạng danh vùng đất và con người xứ Thanh hôm nay và mai sau.

Hồ Ngọc (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem