Khu di tích Giàn Gừa, hay còn gọi là Miếu Bà Cố Hỉ, nằm tại ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ.
Với vẻ đẹp ma mị và hoang sơ, khu di tích Giàn Gừa không chỉ gắn liền với lịch sử cách mạng anh dũng mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng lâu đời của người dân Cần Thơ.
Người dân thập phương thường đến đây để cầu mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt.
Đến khu di tích Giàn Gừa, du khách không chỉ trải nghiệm sự kỳ bí, tâm linh của di tích lịch sử, mà còn choáng ngợp trước vẻ đẹp của giàn gừa nguyên sinh vững chãi với nhiều cây và nhánh đan xen, tạo thành một tấm lưới bao bọc khuôn viên Miếu Bà Cố Hỉ.
Bộ rễ to lớn, chằng chịt, mọc chi chít và giăng đầy trên mặt đất trông như những con rắn khổng lồ đang uốn lượn.
Trước đây giàn gừa này có diện tích rất lớn. Tuy nhiên do sự tàn phá của bom đạn chiến tranh mà sau này Giàn Gừa còn lại 2.740m2. Đến nay, diện tích khu di tích Giàn Gừa đã dần phát triển trở lại, khoảng 4.000m2.
Ngoài khung cảnh đẹp ảo diệu, khu di tích Giàn Gừa còn gắn với lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của quân và dân TP.Cần Thơ.
Khu di tích Giàn Gừa là một cơ sở cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của quân dân vùng đất Tây Đô, nơi tổ chức các hoạt động huấn luyện, đào tạo biệt đội mật và bổ sung lực lượng vũ trang.
Giàn Gừa còn đóng vai trò quan trọng trong việc cất giấu vũ khí, đạn dược, và là nơi hội họp triển khai các kế hoạch, góp phần lớn vào thành công của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.
Tháng 4/2013, Khu di tích lịch sử Giàn Gừa được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố. Ngày 13/6/2013, giàn gừa cổ thụ là loại cây đầu tiên và duy nhất tại TP.Cần Thơ được Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Sự tàn phá của bom đạn chiến tranh và ảnh hưởng của môi trường đã làm cho diện tích của khu di tích Giàn Gừa giảm xuống chỉ còn khoảng 2.700m2, nhiều vị trí trên thân gừa còn in hằn rõ những vết đứt, vết loang lổ do bom đạn để lại.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nhưng cây giàn gừa cổ thụ vẫn có sức sống mãnh liệt. Đến nay, giàn gừa cổ thụ đã phục hồi và vươn mình phát triển với diện tích lên đến hơn 4.000m2.
Bà Đinh Thị Tốt (59 tuổi, huyện Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) chia sẻ: "Tôi thường xuyên đến miếu Bà Thượng Động Cố Hỉ để cầu an, cầu phúc. Mỗi khi đến nhìn giàn gừa, tôi luôn ấn tượng bởi sự hùng vĩ của nó. Ngoài ra, không khí ở đây cũng rất trong lành, và khuôn viên sạch sẽ, khiến cho mỗi lần đến đây, tôi đều cảm nhận được sự thanh thản và bình yên trong tâm hồn".
Bên trong khu di tích Giàn Gừa ấy còn có một ngôi miếu thờ Bà Thượng Động Cố Hỉ, gắn với một giai thoại về lịch sử khai hoang, mở cõi của gia tộc nhà Nguyễn.
Bà Nguyễn Thị Thời (68 tuổi, ngụ xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ), cháu dâu đời thứ 6 của nhà họ Nguyễn kể lại: Giàn gừa tại xã Nhơn Nghĩa đã tồn tại từ thế kỷ XIX, lúc ấy có một người họ Nguyễn đến đây để khai khẩn đất hoang.
Trong quá trình khai hoang, người họ Nguyễn đã đốt ruộng làm đồng, không may gây ra hỏa hoạn, làm cháy sạch giàn gừa. Từ đó ở làng xuất hiện nhiều dịch bệnh, nhiều con cháu họ Nguyễn bị bệnh chết.
Một hôm, có một vị thầy tu trên núi đi ngang, tiết lộ rằng mảnh đất này nơi Bà Thượng Động Cố Hỉ ngự. Chỉ khi trồng lại giàn gừa, Bà Cố Hỉ mới có chỗ nương náu, họ Nguyễn mới có thể thoát khỏi kiếp nạn.
Gia đình họ Nguyễn lắng nghe lời khuyên và trồng lại giàn gừa, đồng thời xây dựng miếu thờ Bà Cố Hỉ. Kể từ đó, cuộc sống của họ Nguyễn và cả làng xóm trở nên bình yên và an lành. Đồng thời, ngày 27, 28 tháng 2 âm lịch hàng năm được chọn làm ngày giỗ Bà để tưởng nhớ và cầu mong sự bình an và hạnh phúc.
Lễ vía Bà Thượng Động Cố Hỉ là một sự kiện trọng đại, diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi. Đây là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với Bà Thượng Động Cố Hỉ, người được xem là thần linh phù hộ cho mảnh đất này. Đến lễ hội Giàn Gừa, du khách sẽ được trải nghiệm nghi thức cúng bái, lễ vật dâng cúng Bà và thần linh. Đặc biệt, có màn trình diễn múa bóng rỗi truyền thống và nghe đờn ca tài tử đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long.
"Khu di tích Giàn Gừa thu hút rất nhiều khách đến tham quan và cúng bái, đông nhất là vào những ngày cuối tuần và các dịp lễ. Miếu Bà Cố Hỉ được gia tộc họ Nguyễn tôi trông coi qua nhiều đời, đến tôi đã là đời thứ 5. Bà Cố Hỉ luôn phù hộ cho tôi có sức khỏe tốt và cuộc sống suôn sẻ. Tôi cảm thấy rất thoải mái và bình yên khi làm việc, trông coi và dọn dẹp miếu Bà sạch sẽ mỗi ngày"- Bà Thời vui vẻ nói thêm.