Một ngày trung tuần tháng 11/2023, PV Dân Việt có dịp về huyện vùng cao Bác Ái ở tỉnh Ninh Thuận. Đây là huyện nghèo nhất của tỉnh với đa số người dân là đồng bào Raglai sống tập trung tại 38 thôn của 9 xã. Trong đó, có 31 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Từ TP. Phan Rang – Tháp Chàm, chúng tôi di chuyển hơn 50km theo tỉnh lộ 705 để đến trung tâm huyện Bác Ái ở xã Phước Đại.
Đến đây, chúng tôi cảm nhận được sức sống của vùng nông thôn miền núi đang chuyển mình. Rõ nhất là các công trình giao thông, chợ, tượng đài... được xây dựng khang trang. Khắp đường làng ngõ xóm vang vọng tiếng chương trình phát thanh từ cụm loa công cộng.
Ông Ngô Thanh Lâm – Phó chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết, nhờ các nguồn vốn hỗ trợ mà diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện đã ngày càng khởi sắc.
Trong đó, việc đầu tư hệ thống thông tin truyền thanh rộng khắp đã giúp người dân tiếp cận tốt hơn với chủ trương, chính sách của nhà nước, phục vụ cho phát triển kinh tế.
Đến nay, 9/9 xã của huyện đã đạt 100% tiêu chí về thông tin và truyền thông trong xây dựng nông thôn mới.
Là một trong những hộ đầu tiên được tiếp cận thông tin từ hệ thống truyền thanh của xã, gia đình chị Chamaléa Thị Hương ở thôn Núi Rây, xã Phước Chính, đã hết "nghèo" thông tin để vươn lên làm giàu.
Chị Hương cho biết, trước đây cuộc sống gia đình chỉ dựa vào việc trồng bắp, đậu nên thu nhập bấp bênh. Đầu tháng 8 năm 2023, nghe thông tin trên loa phát thanh của xã về hỗ trợ chăn nuôi cho hộ nghèo nên chị đã đăng ký tham gia.
Được hội phụ nữ xã giúp sức, gia đình chị được nhà nước hỗ trợ 14 con cừu cái sinh sản và 1 con cừu đực từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Có được "cần câu" giảm nghèo, gia đình chị Chamaléa Thị Hương đã ổn định cuộc sống để tăng gia sản xuất và chăn nuôi cừu. Cuộc sống gia đình 6 người hứa hẹn sẽ có nhiều khởi sắc để thoát hộ cận nghèo và vươn lên làm giàu.
"Nhờ được hỗ trợ thông tin kịp thời từ chính sách nhà nước mà gia đình tôi có cơ hội thoát nghèo. Hai tháng nữa là mấy con cừu cái sẽ sinh thêm cừu con nên gia đình rất mừng…", chị Hương phấn khởi nói.
Một trong những địa phương điển hình đã giảm nghèo bền vững về thông tin ở huyện Bác Ái là xã Phước Chính.
Dạo quanh các tuyến đường liên thôn, chúng tôi không khó để bắt gặp những ngôi nhà có ăngten truyền hình. Tất cả đều là ăngten chảo truyền hình Vinasat thuộc dự án hỗ trợ đầu thu truyền hình số vệ tinh cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Thông qua các kênh truyền hình đã giúp người đồng bào Raglai biết đến những mô hình hay để canh tác nông nghiệp hiệu quả.
Đã thành thói quen, cứ mỗi 6 giờ sáng là chị Chamaléa Thị Đạo ở thôn Núi Rây, xã Phước Chính mở ti vi để cập nhật tin tức thời sự.
Chị Đạo cho biết, vì đời sống khó khăn nên gia đình chị chỉ cập nhật tin tức qua chiếc ti vi cũ. Nhờ theo dõi thông tin trên ti vi mà gia đình nắm bắt được các chủ trương của huyện, tỉnh để cùng thực hiện, đặc biệt là chủ trương về phòng chống dịch và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
"Xem ti vi hay nghe phát thanh của xã chúng tôi biết được nhiều kiến thức bổ ích về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để ứng dụng hiệu quả hơn. Đặc biệt là tham gia mô hình cánh đồng lớn để tăng năng suất lúa…", chị Đạo cho hay.
Theo ông Nguyễn Quốc Hoàn – Chủ tịch UBND xã Phước Chính (huyện Bác Ái), hiện nay địa phương đã có máy phát thanh với hệ thống loa đến các thôn. Xã có dịch vụ viễn thông, internet, có dịch vụ bưu chính. Cán bộ cấp xã cũng đã thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành.
"Địa phương sẽ tiếp tục chú trọng nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin để nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào Raglai trên địa bàn...", ông Hoàn cho hay.
Theo UBND huyện Bác Ái, sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2011-2020) diện mạo nông thôn miền núi đã có nhiều khởi sắc. Số tiêu chí đạt tăng gần gấp 4 lần so với năm 2021.
Đến nay toàn huyện đạt 4 tiêu chí cấp huyện và cấp xã đạt trung bình 12 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó có nhiều tiêu chí đạt cao như: giao thông, thủy lợi và phòng chống thiên tai, mạng lưới điện.
Riêng về tiêu chí giảm nghèo thông tin truyền thông đã được địa phương hoàn thiện từ năm 2019. Toàn huyện có 1 bưu cục trung tâm và 6 bưu điện văn hóa xã thực hiện các dịch vụ bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính và phân phối truyền thông. Các bưu điện văn hóa xã đều có phòng đọc sách phục vụ nhu cầu của người dân đồng bào thiểu số.
Tất cả các thôn trên địa bàn xã đều có dịch vụ điện thoại di động và dịch vụ truy nhập Internet. 100% cơ quan trong hệ thống chính trị đều ứng dụng công nghệ số và hệ thống Internet vào nhiệm vụ chuyên môn, phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Ông Ngô Thanh Lâm – Phó chủ tịch UBND huyện cho biết, trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng công nghệ thông tin giúp người nghèo, hộ nghèo và cận nghèo chủ động hơn trong tiếp cận thông tin, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp để thoát nghèo bền vững.
"Song song đó là nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền cơ sở, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thông tin thiết thực của người dân, phục vụ giam nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới…", ông Lâm thông tin.
Huyện Bác Ái ở Ninh Thuận là một trong 74 huyện nghèo theo Quyết đinh 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 202 – 2025. Đây cũng là huyện nghèo khó khăn nhất của tỉnh Ninh Thuận với dân số là 8.026 hộ/33.608 nhân khẩu, đa phần là đồng bào dân tộc Raglai với 86%.
Diện tích tự nhiên toàn huyện Bác Ái là 102.730 ha, chiếm 30,57% diện tích toàn tỉnh. Trong đó, diện tích rừng và đất lâm nghiệp là chủ yếu với 76.700 ha, chiếm 75%, diện tích đất sản xuất nông nghiệp 14.500 ha, chiếm 12%.
Với đặc thù là huyện miền núi, đời sống nhân dân và mặt bằng dân trí không đồng đều nên đời sống phụ thuộc vào nông nghiệp nên còn nhiều khó khăn. Toàn huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao 34,81%, cận nghèo 8,78%.