Nông dân một huyện miền núi của Khánh Hòa đổi đời nhờ trồng bưởi da xanh, nuôi lợn đen

Công Tâm Thứ sáu, ngày 27/10/2023 12:42 PM (GMT+7)
Những năm qua, các cấp đã mạnh dạn triển khai các chính sách hỗ trợ cho các nông dân huyện miền núi huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) bằng những giống cây ăn quả, con giống, nhờ đó mà đời sống của người dân đã được cải thiện đáng kể, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bình luận 0

Vào những ngày cuối tháng 10, PV đã có dịp đến vùng đất thôn A Xây, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa. Từ con đường làng vào hầu hết bà con nơi đây ai ai cũng hồ hởi, bởi những cơn mưa mát dịu làm cho không khí mát hẳn ra. Trên con đường làng được làm bằng bê tông giúp người dân đi lại thuận lợi, bên cạnh đó là những căn nhà đang được xây dựng và những cây bưởi đang cho ra quả. 

Khánh Hòa: Nông dân miền núi Khánh Vĩnh trồng bưởi, nuôi heo cuộc sống đổi đời - Ảnh 1.

Những con lợn của chị Nông Thị Đào đang phát triển tốt và đã cho sinh sản từ nhiều năm qua. Ảnh: Công Tâm

Qua sự giới thiệu của địa phương, chúng tôi tiếp cận hộ chị  Nông Thị Đào (thôn A Xây, xã Khánh Nam),  trước đây gia đình chị thuộc diện hộ nghèo. Thông qua nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Khánh Vĩnh và sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, gia đình chị hiện nay kinh tế đã khấm khá hơn trước.

Khánh Hòa: Nông dân miền núi Khánh Vĩnh trồng bưởi, nuôi heo cuộc sống đổi đời - Ảnh 2.

Những cây bưởi được nhà nước hỗ trợ đang cho ra quả và dự kiến tết năm nay sẽ xuất bán kiếm tiền ăn tết. Ảnh: Công Tâm

Nhớ lại những tháng ngày khó khăn chị Đào kể: "Năm 1999 tôi lập gia đình thì kinh tế nghèo lắm, tài sản lại không có gì, hàng ngày chỉ đi làm thuê kiếm sống, đất đai lại không có, cuộc sống rất chật vật nhiều năm".

Năm 2015, gia đình chị được nhà nước hỗ trợ 9 sào đất để trồng keo và đến năm 2019 gia đình chị tiếp tục được hỗ trợ 12 triệu đồng để làm chuồng và mua giống lợn. Từ 6 con lợn nhỏ ban đầu, với sự chăm sóc chu đáo nên giống lợn thường xuyên sinh sản khi đủ ký và giá ổn định chị bán cho các thương lái để lấy tiền trang trải trong gia đình. 

Khánh Hòa: Nông dân miền núi Khánh Vĩnh trồng bưởi, nuôi lợn cuộc sống đổi đời - Ảnh 3.

Gia đình chị Đào trồng bắp làm thức ăn cho lợn, gà nên ít tốn chi phí trong chăn nuôi. Ảnh: Công Tâm

Chị Đào phấn khởi nói, trong năm 2021 - 2022 gia đình bán lợn rai rai cho các thương lái, đầu năm 2023 đã xuất bán 5 con, với tổng số tiền khoảng 5 triệu đồng. Hiện tại, trong chuồng còn lại 10 con, dự kiến tết năm nay sẽ xuất bán 3 con để lấy tiền tiêu tết. 

CLIP: Trồng bưởi da xanh ở xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa.

Bên cạnh đó, chị Đào còn được nhà nước hỗ trợ 35 cây bưởi da xanh mang về trồng trong vườn, với sự hỗ trợ của Ngân hàng chính sách huyện Khánh Vĩnh chị đã vay 50 triệu đồng để làm ăn. Những cây bưởi hiện giờ đã cho ra trĩu quả, trái to, màu sắc đẹp dự kiến đến cuối năm sẽ xuất bán cho thương lái khoảng 3 tạ. 

Khánh Hòa: Nông dân miền núi Khánh Vĩnh trồng bưởi, nuôi lợn cuộc sống đổi đời - Ảnh 4.

Những con đường vào làng đã được làm bằng bê tông, bà con đi lại rất thuận tiện hơn so với trước đây. Ảnh: Công Tâm

Chị Đào cho hay, kinh tế gia đình bây giờ đã đỡ hơn trước nhiều, gia đình đã tích góp sửa chữa lại căn nhà rồi có chỗ che nắng, che mưa nên gia đình phần nào yên tâm và giờ chỉ tập trung vào làm ăn. Ngoài chăn nuôi lợn, gia đình chị còn nuôi gà, vịt để cải thiện bữa ăn và thu nhập cho gia đình.

Bà Cao Thị Phượng - Trưởng thôn A Xây cho biết, toàn thôn có 176 hộ/566 khẩu là thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chiếm 95%. Đa số bà con đều sản xuất nông nghiệp là chính, thời gian qua đạ phương đã hỗ trợ cây bưởi giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho người dân để phát triển kinh tế.

Khánh Hòa: Nông dân miền núi Khánh Vĩnh trồng bưởi, nuôi lợn cuộc sống đổi đời - Ảnh 5.

Cây bưởi da xanh được xem là một trong những cây trồng chủ lực giúp cho người dân huyện Khánh Vĩnh phát triển kinh tế. Ảnh: Công Tâm

 Bên cạnh đó, địa phương cũng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn cụ thể cách trồng chăm sóc cây bưởi, riêng những cây bưởi nào bị chết sẽ được bổ sung kịp thời và vận động người dân không được để đất hoang gây lãng phí. Trong thời gian tới, địa phương đề xuất cần hỗ trợ giống bò, lợn, kinh phí để làm giếng tưới tiêu cho cây trồng. 

Theo lãnh đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Khánh Vĩnh, theo chuẩn nghèo tiếp cận  đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, đầu năm 2022, toàn huyện có 4.831 hộ nghèo/10.525 hộ dân, có 1.341 hộ cận nghèo. Trong đó, hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm trên 97% và hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm trên 92%. 

Theo lãnh đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Khánh Vĩnh, (tỉnh Khánh Hòa) được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, Thường trực HĐND huyện, các cơ quan chuyên môn đã tăng cường đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách của nhà nước về chính sách giảm nghèo. Các chính sách được triển khai như: Hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm và phát triển sản xuất; hỗ trợ về tín dụng ưu đãi; hỗ trợ nhà ở,...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem