Người Chăm ở Ninh Thuận trồng rau gì mà cả thôn hộ nghèo giảm dần, hộ khá lên trông thấy
Người Chăm ở Ninh Thuận trồng rau gì mà cả thôn hộ nghèo giảm dần, hộ khá tăng lên trông thấy?
Đức Cường
Thứ bảy, ngày 28/10/2023 18:51 PM (GMT+7)
Nhiều nông dân người Chăm ở Ninh Thuận đã chủ động tham gia mô hình kinh tế hợp tác xã và xây dựng chuỗi liên kết để nâng cao giá trị cây măng tây xanh. Nhờ trồng măng tây, nhiều hộ người Chăm ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước đã thoát nghèo bền vững để vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Một ngày cuối tháng 10/2023, PV Dân Việt tìm về làng Chăm thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận. Đây là địa phương trồng măng tây xanh lớn nhất nhì ở tỉnh Ninh Thuận.
"Rau vua" mang lại hiệu quả kinh tế cao
Vừa vào làng, chúng tôi cảm nhận được sức sống của vùng nông thôn đang chuyển mình. Rõ nhất là các công trình giao thông, cổng làng, chợ, nhà sinh hoạt cộng đồng... được xây dựng khang trang. Khắp đường làng ngõ xóm, đâu đâu cũng một màu xanh tươi mát của cây măng tây xanh.
Dẫn chúng tôi tham quan ruộng măng tây 3 sào (3.000 mét vuông) của gia đình, ông Từ Văn Hay ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải cho biết, nhiều năm trước người dân nơi đây chỉ quen trồng rau màu, đậu phộng (cây lạc) chứ chưa biết cây măng tây.
Thời điểm đó, rau màu xuất bán giá cả bấp bênh nên đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Khoảng năm 2012 cây măng tây bắt đầu bén rễ và nhân rộng như ngày hôm nay, trở thành cây "giảm nghèo" cho người dân nơi đây.
Cũng theo ông Hay, ban đầu gia đình ông đầu tư hơn 10 triệu đồng để trồng thử nghiệm 1 sào (1.000 mét vuông). Sau 8 tháng chăm sóc, măng tây xanh bắt đầu cho thu hoạch từ 8 – 10kg/ngày. Với giá bán lúc đó 60.000 – 70.000 đồng/kg, mỗi tháng gia đình ông thu nhập 15 – 20 triệu đồng, đời sống kinh tế gia đình vì thế ngày càng khởi sắc.
"Nhờ trồng trên cát nên nước thấm hút nhanh, không ngập úng nên măng tây phát triển rất tốt. Cũng vì được trồng trên đất cát mịn nên sản phẩm măng tây xanh ở Tuấn Tú mềm và ngọt hơn nhiều nơi khác, giá trị dinh dưỡng cao nên thị trường rất ưa chuộng. Có bao nhiêu thương lái thu mua hết…", ông Hay cho biết.
Nhận thấy cây măng tây xanh vừa dễ trồng vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cây trồng khác, nhiều người Chăm cùng thôn như ông bắt đầu nhân rộng. "Phong trào" trồng măng tây xanh bắt đầu nở rộ, dần thay thế cây đậu phộng và rau màu để trở thành cây trồng chủ lực ở địa phương.
"Mỗi 1 sào (1.000 mét vuông) măng tây xanh, nếu chăm sóc tốt có thể cho thu nhập từ 500.000 đồng/ngày và mỗi tháng thu 15 – 20 triệu đồng. Đời sống người dân ngày một đi lên nên ai nấy rất phấn khởi…", ông Hay nhớ lại.
Thành lập HTX để liên kết thị trường, bao tiêu măng tây
Vì hiệu quả mang lại, số diện tích măng tây xanh ở thôn Tuấn Tú ngày càng mở rộng. Đến năm 2016, Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú ra đời với 13 thành viên.
Năm đầu tiên hoạt động, HTX vừa thu mua măng tây cho xã viên, vừa liên kết với một số doanh nghiệp địa phương để tiêu thụ sản phẩm cho HTX. Sản phẩm măng tây cắt bán luôn được thu mua với giá cả ổn định 50.000 đồng/kg. Đến nay, số thành viên HTX đã nâng lên 84 người với tổng diện tích trồng măng tây xanh hơn 55 ha.
Dẫn chúng tôi tham quan việc thu mua măng tây xanh ngay tại văn phòng HTX, ông Từ Văn Hay, hiện là Phó giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú cho biết, từ ngày đi vào hoạt động, HTX đã tạo điều kiện cho hàng chục thành viên thoát nghèo bền vững.
Hợp tác xã đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Thuận thực hiện mô hình giảm nghèo bền vững bằng cây măng tây xanh, giúp 11 hộ nghèo và 13 hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo.
Đơn cử như trường hợp của xã viên Thị Số (người Chăm thôn Tuấn Tú), năm 2020 gia đình chị được HTX hỗ trợ giống và phân thuốc để trồng 1 sào măng tây xanh. Sau hơn 3 năm trồng măng tây, đến nay gia đình chị Số đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ gia đình khá giả ở địa phương.
"Hiện nay gia đình đã mở rộng diện tích lên hơn 2 sào (2.000 mét vuông), mỗi ngày cắt bán 10 – 12kg măng tây đem về nguồn thu 450.000 – 500.000 đồng/ngày…", chị Số phấn khởi cho hay.
Cũng theo ông Hay, trước đây thành viên HTX đa phần hộ nghèo khó khăn, nhưng hiện nay trong 84 thành viên HTX không có thành viên nào thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương. Trung bình mỗi ngày, HTX thu mua từ 2-3 tạ măng tây xanh của thành viên.
Góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao
Theo UBND xã An Hải, hiện nay trên địa bàn đã hình thành vùng trồng rau an toàn với diện tích 300 ha. Trong đó phát triển được 100 ha măng tây xanh với cánh đồng lớn trồng măng tây xanh rộng 30 ha và 1 trang trại hữu cơ nông nghiệp CNC với diện tích 10 ha đã đi vào sản xuất. Qua đó, đưa giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đạt 234 triệu đồng/ha/năm.
Ông Hồ Thanh Phong - Phó Chủ tịch UBND xã An Hải huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) cho biết, cây măng tây xanh là cây trồng chủ lực ở địa phương. Riêng ở thôn Tuấn Tú, có 539 hộ với 2.445 nhân khẩu chủ yếu trồng măng tây xanh trên cát. Cây trồng này mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.
"Thu nhập bình quân ở thôn Tuấn Tú khoảng 52 triệu/người/năm. Đến cuối năm 2022 vừa qua, hộ nghèo toàn thôn đã giảm sâu chỉ còn 6 hộ nghèo (1,1%), hộ cận nghèo giảm còn 9 hộ chủ do già yếu neo đơn, thiếu sức lao động. Bà con trong thôn cũng đã đóng góp trên 1,3 tỷ đồng chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng xã An Hải đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao…", ông Phong thông tin.
Cây măng tây xanh (Asparagus officinalis L.) thuộc họ Asparagaceae - là một loại rau cao cấp, có hàm lượng dinh dưỡng khá cao, gồm 83% nước và 17% chất khô.
Trong đó, có 2,2% protein, 1,2% glucid, 0,6% celluloze và 21% các chất khoáng như Mg, K, Ca,... Ngoài ra, măng tây xanh còn có tác dụng chống lão hóa, chống béo phì, làm giàu sữa mẹ và đặc biệt là giảm lượng cholesteron trong máu, giúp ổn định huyết áp. Vì những lợi ích đó, cây măng tây được giới ẩm thực ưa thích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.