Nhìn từ bắp ngô nếp tím Kỳ Sơn
Chia sẻ tại tọa đàm, Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan nhớ lại hình ảnh bắp ngô nếp tím được Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn tặng khi ông có chuyến thăm huyện này vài tháng trước để lấy ví dụ về một sản vật của miền Tây xứ Nghệ nhưng chưa được nhiều người biết đến.
"Về Hà Nội, tôi đưa ngô nếp tím Kỳ Sơn xuống căng tin của Bộ để giới thiệu cho mọi người, nhưng kỳ lạ, có những người quê Nghệ An nói chưa bao giờ được thưởng thức, hay như món cá kho tiêu cũng tương tự như vậy", Bộ trưởng Hoan nói và cho rằng, miền Tây xứ Nghệ được ban tặng khí hậu, thổ nhưỡng đất đai, tài nguyên dưới tán rừng, dòng sông Lam chảy qua, sự đa dạng về văn hoa, cùng với vô vàn sản vật... nhưng tựu chung lại đều chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế, lan tỏa ra bên ngoài...
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết, miền Tây Nghệ An có 11 huyện, với 211 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 27 xã biên giới với 468,281 km đường biên giáp 3 tỉnh của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, với 5 cửa khẩu; 4 đường quốc lộ nối hành lang kinh tế Đông - Tây và đường Hồ Chí Minh, tạo thuận lợi trong giao thông với Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan và các nước trong khu vực. Có 9 huyện nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO chính thức công nhận vào ngày 18/9/2007.
Theo ông Quý, ở miền Tây xứ Nghệ còn có khoảng 41 vạn người đồng bào dân tộc thiểu số, như: Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Đan Lai, Ơ Đu, Kinh... Và đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của tỉnh Nghệ An, khu vực Bắc Trung bộ và cả nước; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của tỉnh; có tiềm năng và lợi thế phát triển về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và phát triển kinh tế cửa khẩu.
"Một vùng đất rộng lớn như thế nhưng vì sao vẫn mãi khó khăn. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng đang rất trăn trở, tìm hướng để khai phá tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội 11 huyện miền Tây", ông Quý giãi bày.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, Nghệ An là một trong những địa phương có tiềm năng, lợi thế thuộc tốp đầu cả nước. "Nghệ An có biển, sông, núi, rừng, cửa khẩu... đặc biệt cả một vùng miền Tây rộng lớn", ông nói và cho rằng, độ khó phát triển thì Nghệ An cũng đứng hàng đầu, "câu hỏi này gây nhức nhối từ rất lâu rồi", nếu chỉ có "tháo gỡ không thôi thì liệu Nghệ An có phát triển?", ông Thiên đặt câu hỏi.
Theo ông Thiên, không chỉ phát triển những vấn đề lịch sử để lại, Nghệ An còn phải chuẩn bị cho một "tương lai" mà Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về phát triển của tỉnh. Bởi vậy, để phát triển ông cho rằng, cơ chế cũng phải khác chứ không chỉ còn là "tháo gỡ".
"Tại sao tiềm năng, lợi thế lớn như vậy lại không phát triển được?", PGS.TS Trần Đình Thiên tiếp tục nêu vấn đề.
Để "giải phóng" cho miền Tây Nghệ An, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, tỉnh phải định vị lại các tài nguyên, thế mạnh; Về mặt chính sách phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đến đầu tư, sản xuất.
Là người con và cũng là một trong những doanh nghiệp tiên phong đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH cho hay, để phát triển cần phải có "tư duy" cho miền Tây Nghệ An. Trên cơ sở đó, đánh giá lại nguồn lực đất đai.
"Khi tôi đặt bút xây dựng chiến lược của Tập đoàn TH, ngành chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam lúc bấy giờ chưa thành công và cuộc khủng hoảng sữa nhiễm melamine có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe trẻ em. Với tấm lòng của một người mẹ, tôi xây dựng thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK trên nền tảng giá trị cốt lõi “Vì sức khỏe cộng đồng”. Để thành công, đầu tiên phải có chiến lược sản phẩm, chiến lược thương hiệu xuyên suốt, có tư duy bao trùm", Anh hùng Lao động Thái Hương nói.
Theo bà Thái Hương, nhận thấy thực tế ngành sữa Việt Nam khi đó 92% là sữa bột nhập khẩu về pha lại, bà đã đưa ra chiến lược hoàn hảo là làm sản phẩm sữa tươi sạch và nguồn dinh dưỡng không những cho trẻ em mà cho mỗi người trong cả vòng đời của mình.
"Năm 2008 khi tôi bắt đầu dự án, tình trạng các các nông lâm trường ở miền Tây Nghệ An lúc ấy hoạt động không hiệu quả, nông sản không tìm được thị trường. Lúc đó cần một cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ về nguồn lực đất đai. Tôi thấy Thường vụ Tỉnh ủy lúc ấy và người đứng đầu chính quyền đã vào cuộc sát sao, đánh giá lại các đất nông lâm trường kém hiệu quả, trả về cho địa phương và doanh nghiệp vận hành", Anh hùng Lao động Thái Hương nhấn mạnh.
Về cơ chế chính sách, bà Thái Hương cho rằng mọi doanh nghiệp, thành phần sử dụng phải đóng thuế đất đầy đủ. Đối với những doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, trồng cây 5-10 năm mới cho trái, bởi vậy phải có cơ chế chính sách về gói cho vay tín dụng ngắn, dài hạn. Cần rà soát lại nguồn lực đất đai, giao cho các doanh nghiệp có đủ tâm – trí – lực, các doanh nghiệp này cần trở thành trụ cột và lôi kéo người nông dân đi theo, thành một mắt xích trong chuỗi liên kết sản xuất, như cách chúng tôi đã đang làm và đã rất thành công.
Chia sẻ tại tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói: "361km là chiều dài của sông Lam khi bước vào địa phận của Kỳ Sơn để chảy qua 5 huyện để ra Cửa Hội. Sông Lam, núi Hồng Lĩnh đều là những biểu tượng, có giá trị để chúng ta suy nghĩ về việc "bán". 361km dòng sông Lam đó không có phân khúc địa giới hành chính, không phân biệt nó nằm ở huyện nào. Đất đai mình nối liền một dải, và đó là di sản. Cũng giống như môi trường rừng của các huyện phía Tây không hề phân chia bản đồ hành chính, chỉ do con người chúng ta lấy cái bản đồ phân chia địa giới hành chính ở huyện này, huyện kia. Bây giờ chúng ta phải làm cho nó liền lại để thấy rằng tài nguyên đó lớn hơn và giá trị ẩn sâu trong lòng đất, trong tầng văn hóa, lịch sử của địa phương và cấu trúc của cộng đồng bà con dân tộc của các huyện phía Tây như thế nào.
Ngày nay, người ta thường đi bán những câu chuyện để tăng thêm giá trị cho mật ong, trà hoa vàng hay những nông sản mà chúng ta thấy bà con đem trưng bày tại đây. Sự kiện hôm nay sẽ giúp chúng ta đưa ra những tầm nhìn mới lạc quan hơn, giúp chúng ta có sự phối hợp hành động từ Trung ương đến địa phương, mang tính chất liên ngành, đa ngành. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải tiếp cận một cách tổng thể để khơi dậy tiềm năng từ tài nguyên bản địa, cộng với văn hóa của các dân tộc miền Tây, cấu trúc cộng đồng xã hội. Tôi nghĩ rằng đó là câu chuyện của phía Tây Nghệ An.
"Canh tác có nghĩa là vun trồng, vun trồng đất, vun trồng con người, vun trồng tương lai, vun đắp cho những con người xứ Nghệ, trong đó có cộng đồng bà con các dân tộc. Cùng nhau, chúng ta hãy cùng vun trồng tương lai cho miền Tây xứ Nghệ", Bộ trưởng Lê Minh Hoan.
Tạm thời chúng ta chia là Con Cuông, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Kỳ Sơn, nhưng khi chúng ta đi chung, dùng chung một khái niệm là phía Tây Nghệ An, chúng ta thấy rằng sản lượng của chúng ta rất nhiều. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp ở đây không chỉ đong đếm tài nguyên bản địa phía Tây ở một xã hay một huyện nào đó, mà phải có một không gian lớn hơn, chứa đựng một giá trị lớn hơn. Muốn có không gian lớn hơn thì tư duy chúng ta phải mở hơn, tư duy mở thì không gian mở, không gian mở thì giá trị tích hợp nhiều.