Làng nghề nồi đất cổ ở xứ Nghệ có cách quảng bá siêu độc, lạ, khiến mạng xã hội "dậy sóng"
Làng nghề nồi đất cổ ở xứ Nghệ có cách quảng bá siêu độc, lạ, khiến mạng xã hội "dậy sóng"
Cảnh Thắng - Nguyễn Tình
Thứ hai, ngày 26/12/2022 05:40 AM (GMT+7)
Trải qua nhiều đời, đến nay nghề làm nồi đất ở xã Trù Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An vẫn giữ được nét mộc mạc vốn có. Nồi đất Trù Sơn được người dân khắp nơi biết đến nhờ vào cách quảng bá siêu độc, lạ vào dịp Giáng sinh khiến mạng xã hội dậy sóng.
Những ngày cuối năm, người dân xã Trù Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An nơi có làng nghề làm nồi đất đang tất bật sản xuất để kịp "chốt" các đơn hàng trong năm. Nồi đất vừa nung xong, chỉ cần một cuộc điện thoại là thương lái lập tức có mặt để nhận sản phẩm.
Làng nghề làm nồi đất ở xã Trù Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An với cách quảng bá sản phẩm siêu độc, lạ trong mùa Giáng sinh, khiến mạng xã hội dậy sóng. Thực hiện: Thắng Tình
Nghề làm nồi đất ở xã Trù Sơn đã có cả trăm năm qua. Đến bây giờ, người dân nơi đây vẫn giữ được những công thức truyền thống vốn có. Đất sét được nhào thủ công, đến khi nhuyễn, đảm bảo được độ kết dính thì tạo khuôn trên những chiếc bàn quay.
Sau khi những chiếc nồi đất với các kích cỡ khác nhau được hoàn thành, người dân Trù Sơn không nung sản phẩm của mình trong những lò nung được thiết kế kín mà hoàn chỉnh sản phẩm bằng việc đốt trong những chiếc lò chỉ thiên hình tam giác.
Những chiếc lò chỉ thiên này được xây thấp bằng đá ong, rất đơn sơ. Lớp thấp nhất được kê lên bởi những sản phẩm lỗi để tránh nhiệt độ quá cao khiến nồi đất bị hỏng. Sau đó, phía dưới được chất các loại lá như dành dành, lá bạch đàn, lá thông… Tiếp tục phía trên được phủ thêm ít lá, rơm khô rồi châm lửa nung.
Chính những loại lá mà người dân xã Trù Sơn dùng để nung nồi đất có chứa tinh dầu cho nên nồi đất sau khi thành phẩm rất bóng và đẹp. Sản phẩm nồi đất qua cách nung truyền thống này rất nhẹ và mỏng nhưng lại có độ bền cao.
Sản phẩm muốn tốt, muốn đẹp trước tiên phải có được nguồn nguyên liệu đạt chuẩn. Bởi thế, người dân xã Trù Sơn phải cất công lặn lội tìm kiếm ở các huyện lân cận như Nghi Lộc, Yên Thành… mới tìm ra cho được thứ đất sét rất dẻo.
Làm nghề từ khi còn con gái, đến bây giờ bà Trần Thị Năm (SN 1971, trú tại xóm 7, xã Trù Sơn, huyện Đô Lương) đã có hàng chục năm gắn bó với nghề làm nồi đất. Đôi tay bà Năm thoăn thoắt, nhẹ nhàng vê những lón đất để tạo hình trên chiếc bàn xoay. Chỉ mất khoảng 5 phút là bà Năm đã hoàn thành một sản phẩm.
Nồi đất làng Trù Sơn không cầu kỳ nhiều hình dáng, chỉ đơn giản gồm những loại phổ biến như nồi nấu cơm, đồ xôi, chỗ ngâm giá đỗ, kho cá, sắc thuốc… với kích cỡ to nhỏ khác nhau. Nay có thêm chậu hoa, ống đựng tiền tiết kiệm nhưng số lượng ít.
Điều đặc biệt, sản phẩm gốm Trù Sơn không được tráng men nên có màu đất rất đặc trưng, dân dã, mộc mạc như chính con người nơi đây.
"Muốn có sản phẩm tốt thì đất sét phải đẹp, chứ đất xấu thì có khéo tay mấy thì cũng hỏng cả thôi. Nhà tôi thường mua đất sét ở tận huyện Yên Thành về để làm. Tết thì thương lái họ giục hơn vì cũng cần hàng, vì thế hai vợ chồng làm nhiều hơn thường ngày. Khi nào gom đủ 600 – 700 chiếc thì mới nung một lần. Mình nung xong là họ đánh xe đến tận nơi để thu mua, không cần phải chở đi bán như trước đây nữa", bà Năm chia sẻ.
Càng những ngày gần Tết Nguyên đán, người dân làng nghề càng phải khẩn trương, bởi nhu cầu trong dịp Tết là rất lớn, đặc biệt là các nhà hàng, khách sạn thường thường đặt mua số lượng lớn để nấu các món ăn dân dã.
Thương lái cũng liên tục điện thoại "réo" để có hàng bán Tết. Mỗi sản phẩm được thương lái thu mua ngay khi vừa mới ra lò với giá từ 8.000 – 15.000 một cái tùy theo kích cỡ.
Làng nghề cổ với cách quảng bá sản phẩm siêu độc, lạ làm dậy sóng mạng xã hội
Trước đây, sau khi làm ra những chiếc nồi đất, người dân xã Trù Sơn lại phải dùng xe đạp để đi khắp nơi rao bán từng chiếc.
"Cứ một chiếc xe đạp chúng tôi chở được gần 1.000 cái nồi vào hai chiếc sọt lớn ở hai bên và kê lên nữa. Ngày xưa, tôi từng đạp xe rong ruổi vào Hà Tĩnh, Quảng Bình để bán nồi đất. Cứ một chuyến đi như vậy kéo dài hơn 1 tuần mới trở về", ông Trần Văn Ba (SN 1966, trú tại xã Trù Sơn, huyện Đô Lương) chia sẻ với phóng viên.
Sau những chuyến hành trình như thế, nồi đất Trù Sơn đã đến tay với nhiều người tiêu dùng mới. Chính chất lượng của sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu của nồi đất Trù Sơn.
Những năm gần đây, đến dịp Giáng sinh, người dân làng nghề Trù Sơn đã quyết định dựng một cây thông khổng lồ được xếp bằng hàng ngàn chiếc nồi đất. Ngay sau khi được dựng lên, hình ảnh cây thông bằng nồi đất của làng nghề đã tràn ngập các trang mạng xã hội, phương tiện truyền thông.
Chính bằng hình thức này, hình ảnh về làng nghề đã lan tỏa khắp nơi xa gần đều biết đến nồi đất của Trù Sơn.
Năm nay, người dân nơi đây, đã dựng lại các hoạt cảnh, quá trình làm, nung nồi đất tại một không gian rộng, để du khách khi đến vui Giáng sinh có thể tìm hiểu hơn về nghề làm nồi đất của người dân.
Tuy nhiên, nghề làm nồi đất chỉ còn dành cho người từ tuổi trung niên tại xã Trù Sơn, bởi lớp trẻ hầu hết đã không còn đam mê với cái nghề vất vả, lam lũ này.
Hiện, xã Trù Sơn hiện có khoảng 60 hộ làm nghề. Mỗi tháng, làng nghề làm ra hàng chục nghìn sản phẩm, cao điểm nhất là vào 3 tháng cuối năm. Chính quyền địa phương cũng khuyến khích các hộ dân duy trì, phát triển làng nghề làm nồi đất như một nghề đặc biệt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.