Nhiều năm nay, ông Phạm Hữu Nghĩa (ngụ ấp Bảo Vĩ, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm, từ khâu cải tạo vuông nuôi, thả giống, chăm sóc, quản lý đến thu hoạch nên năng suất tôm nuôi đạt cao, năng suất 220kg/ha/năm tăng 20kg so với nuôi truyền thống.
Ông Nghĩa cho biết, nhờ áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nên ông rất chú trọng khâu phơi đầm trước khi thả giống để loại bỏ những khí độc tích tụ trong đất tạo ra lớp đất mới, sản sinh ra tảo làm thức ăn tự nhiên cho tôm nuôi phát triển, hạn chế dịch bệnh, rút ngắn thời gian thu hoạch.
"Sau khi sên vét vuông tôm, sẽ tiến hành phơi đầm khoảng 10 ngày, và khi mặt đất khô nứt sẽ lấy nước vào để xử lý trước khi thả giống", ông Nghĩa nói và cho biết, nhờ thực hiện tốt việc phơi đầm mà nhiều năm nay các vụ nuôi tôm của ông đều cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
Để nuôi tôm đạt hiệu quả cao nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện Ngọc Hiển cũng chú trọng nguồn nước trong vuông tôm, thường xuyên bổ sung men vi sinh giúp hạn chế rong rêu, cải tạo môi trường nước...
Những biện pháp này giúp lập lại cân bằng hệ sinh thái trong vuông nuôi, loại bỏ những vi khuẩn gây hại đối với tôm nuôi, tăng sức đề kháng tạo lợi khuẩn cho tôm phát triển, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước. So với cách nuôi truyền thống thì năng suất nuôi tôm sử dụng men vi sinh đạt khoảng 70%/ vụ.
Anh Phạm Minh Tâm cho biết, trong quá trình nuôi tôm anh sử dụng men vi sinh để loại bỏ những vi khuẩn gây hại, chất cặn bã như lá cây, rong rêu tồn đọng trong đáy vuông. Men vi sinh được làm từ mật đường và bột men, ủ khoảng 7 đến 10 ngày là có thể sử dụng để tạc ra vuông.
"Cách nửa tháng tôi sẽ tạc men vi sinh một lần nhằm tạo ra vi khuẩn có lợi và thức ăn cho thủy sản giúp tôm hấp thu tốt dinh dưỡng tăng sức đề kháng, tạo môi trường nước ổn định hạn chế dịch bệnh. Với ưu thế giá thành thấp không tốn nhiều chi phí, men vi sinh được làm tự nhiên giúp ổn định môi trường nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu", anh Tâm nói.
Ông Lê Hoài Phương - Phó Phòng NNPTNT huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) cho biết, hiện nay việc cải tạo vuông tôm trước khi thả giống rất quan trọng giúp hạn chế được dịch bệnh trên tôm nên ngành nông nghiệp địa phương thường xuyên hướng dẫn người dân các kỹ thuật xử lý đất, nguồn nước để đảm bảo các thông số môi trường vuông tôm trước khi thả giống.
"Nhiều hộ dân đã mạnh dạn sử dụng men vi sinh hoặc phơi đầm để loại bỏ những vi khuẩn gây hại tạo ra lượng thức ăn tự nhiên giúp tôm mau lớn, nhanh thu hoạch giảm được rủi ro trong sản xuất", ông Phương cho biết.
Các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp nhìn nhận, việc chú trọng khoa học kỹ thuật trong quá trình nuôi tôm từ phơi đầm đến xử lý nguồn nước sẽ giúp cho người dân giảm được những rủi ro trong sản xuất, môi trường nuôi thuận lợi giúp tôm lớn nhanh tăng năng suất thu hoạch tạo ra mô hình nuôi tôm bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.