Căn phòng rộng gần 70m2 trên đường Cao Thắng, phường 7, quận 3, mỗi tối thứ 6 lại sáng đèn. Nơi đây chính là lớp võ miễn phí dành cho nữ của cô giáo chuyển giới Uyên Mi, 36 tuổi, ngụ quận Gò Vấp.
4h30 chiều, Mi sửa soạn và rời khỏi nhà đến lớp võ. Hôm nay cô mặc bộ váy đen, đứng trước các học viên. Mi di chuyển đòn tay, dùng lực bổ nhào người trợ giảng bật ngã xuống sàn, cả lớp bật cười, mở màn cho buổi học.
Gần 20 cô gái ở nhiều độ tuổi, trang phục khác nhau hướng mắt nhìn theo những đòn võ của Mi. Dứt khoát từng động tác, cô quay sang nói: "Ngoài học phản xạ đòn nhanh, các bạn phải luôn giữ vững tâm lý thật tốt khi gặp nguy hiểm. Đây là điều quan trọng mà Mi muốn truyền đạt lại cho mọi người trong bài học hôm nay".
Theo Mi, học võ chuyên nghiệp thì có rất nhiều lớp tập ở Sài Gòn. Nhưng để mọi người nắm được phản xạ nhanh, vận dụng đòn thế thực tế thì không phải nơi nào cũng dạy. Đặc biệt là tâm lý luôn được Mi chú trọng trong mỗi bài giảng.
Đưa ra những tình huống minh họa khi gặp cướp, yêu râu xanh,… nữ võ sư chậm rãi dừng lại vài nhịp để học viên quan sát, và lưu ý: "Đa phần các bạn nữ ra đường hay mặc váy, điều này khá bất tiện và tạo sơ hở cho kẻ gian tấn công. Đó cũng là lý do Mi để các bạn tự do ăn mặc, thậm chí là váy đến học, như vậy các bạn sẽ nắm bắt tốt chiêu thức xử lý thực tế".
Từng bị sàm sỡ, nên Mi hiểu người phụ nữ cần được tự vệ bản thân quan trọng đến nhường nào. Trong một lần về nhà khuya, Mi vô tình bị hai kẻ lạ mặt tấn công từ phía sau. Mặc dù bản thân có võ, nhưng vì bị đột kích bất ngờ, Mi không kịp trở tay và bị sờ ngực. Ý định dạy võ cho phụ nữ tự vệ cũng bắt đầu từ lúc đó.
Hôm sau, Mi tiến hành ngay kế hoạch của mình. Cô chạy khắp nơi tìm mặt bằng nhưng chưa có. Về nhà, thấy em gái ủ rủ, Dominic Nguyễn - anh trai Mi, hỏi chuyện mới biết cô muốn mở lớp võ miễn phí cho nữ.
Nghe Mi tâm sự, anh liền nói: "Tầng 3 trung tâm ngoại ngữ của anh còn trống, em lấy đó mở lớp dạy, đừng đi đâu kiếm cho xa. Anh tài trợ toàn bộ mặt bằng và chi phí điện nước".
Và cứ thế lớp võ của Mi bắt đầu hoạt động vào năm 2020. Ban đầu chỉ lác đác vài học viên, Mi vẫn đến lớp đều, có bao nhiêu dạy bấy nhiêu. Thời gian sau mọi người cùng truyền tai nhau, Mi cũng kêu gọi trên mạng xã hội, dần lớp học thu hút nhiều học viên hơn.
Công việc bận rộn đến đâu, Mi vẫn luôn ưu tiên buổi tối thứ 6 mỗi tuần cho việc dạy võ. Đối với cô, mỗi ngày đứng lớp là một niềm vui, vì bản thân làm được việc tử tế, giúp ích cho xã hội.
Chị Sunny, 22 tuổi, quận 12, chia sẻ cách đây 5 năm, trong lần đi sinh nhật cùng chị gái về muộn, qua khu công nghiệp Vĩnh Lộc B, bất ngờ hai thanh niên đi xe máy lao tới rạch một dao sau lưng Sunny, còn chị gái bị rạch tay và cướp mất sợi dây chuyền. Kể từ đó, chị luôn lo sợ.
Sau 2 tháng tham gia lớp võ, hiện Sunny có thể tung đòn phản xạ chính xác khi gặp tình huống tấn công giả định tại lớp, và tự tin di chuyển vào ban đêm.
"Đừng nghĩ học võ là để so nắm đấm với yêu râu xanh hay kẻ cướp, đó không phải là cách cô Mi dạy. Ở đây, cô dạy tâm lý chiến đấu và kỹ năng tự vệ khoa học. Mặc dù chưa có dịp áp dụng để tự vệ thực tế, nhưng học võ giúp tôi rèn luyện sức khỏe tốt hơn", cô gái 2k nói.
Sunny chia sẻ cô Mi rất có tâm với lớp. Cách đây khoảng hai tuần, mưa tầm tã, nhiều tuyến đường bị ngập, nhưng cô vẫn tới lớp. Mọi người nhắn nhau trong nhóm xin nghỉ, nhưng Mi lại nói "nếu cô không đến lớp thì những bạn tới trước sẽ đợi và ai sẽ dạy họ, làm mất thời gian của các bạn, tội lắm". Và cứ thế, Mi động viên cả lớp cùng đi học để không lãng phí thời gian.
Trần Thị Trâm Anh, 30 tuổi ở quận 3, là nhân viên văn phòng. Tình cờ theo dõi facebook của Mi và biết đến lớp võ, đăng kí tham gia để rèn luyện sức khỏe. "Sư phụ kèm theo từng người, đưa bài tập đi từ dễ đến khó. Tôi cảm giác ở cô có sự chỉn chu và đầu tư rất nhiều tâm huyết, không đòi hỏi học viên cái gì hết. Đi làm áp lực, cuối tuần qua lớp võ tôi thấy được thư giãn, giúp mình trút bỏ áp lực trong công việc", Trâm Anh nói.
Ở tuổi 36, nữ võ sư đã trải qua hơn 30 năm tập luyện với võ thuật. Thành công của cô hôm nay chính là cái kết ngọt ngào của một hành trình dài theo đuổi đam mê và tìm lại giới tính thật của bản thân.
Cô giáo Mi kể năm 4 tuổi, cô đã có niềm đam mê với võ, và đó cũng là lúc cô phát hiện tính nữ hình thành trong người mình.
Ngày xưa, gia đình còn khó khăn, không đủ tiền đến lớp đào tạo, Mi tìm cách học lõm ở chùa. Không có dụng cụ tập luyện như bây giờ, cô cùng anh trai tìm nhặt những cuốn tập bỏ đi để tạo bao cát, may vải vụn làm găng tay. "Cứ như thế, bản thân tôi tự lực, tự cố gắng mỗi ngày để tiến bộ", nữ võ sư nói.
Song đó, nữ võ sư luôn tìm cách chứng minh cho gia đình chấp nhận giới tính thật trong mình, nhất là ba cô. Mi kể, từ nhỏ, là con trai nhưng cô sớm nhận ra tính nữ trong con người mình. Càng lớn, khao khát muốn là con gái trong Mi lại càng mãnh liệt, cô muốn mặc váy, muốn mặc áo dài… Sau nhiều lần cố giấu, nữ võ sư quyết đối diện với cha, nói "con muốn làm con gái". Khi đó, cha cô không nói gì và im lặng quay đi. Kể từ đó, khoảng cách giữa Mi và cha dần cách xa.
Mãi về sau, trong ngày sinh nhật cha, ông công nhận giới tính và chấp nhận cái tên Nguyễn Võ Uyên Mi, lúc này cô cảm giác như được sinh ra lần nữa.
"Trong suốt thời gian đi tìm câu trả lời "tôi là ai", tôi luôn nghĩ về những điều tích cực, không quay đầu và tìm ra con đường mới để tự mở lối cho đời mình. Tôi nghĩ, cứ đối xử với mọi người bằng con tim, sự nhiệt huyết thì mình sẽ nhận lại tình yêu thương từ mọi người. Và lớp võ này như món quà tôi cảm ơn đời", Mi chia sẻ.