"Thầy giáo" bán cả nhẫn cưới để duy trì lớp học tình thương

Quang Sung - Mai Thi Thứ sáu, ngày 14/10/2022 10:30 AM (GMT+7)
Nằm sâu trong căn hẻm nhỏ ở phường Hiệp Thành, Quận 12 (TP.HCM) là lớp học tình thương Ngọc Việt. 14 năm qua, lớp học đã gieo con chữ cho hơn 1.000 em học sinh không có điều kiện đến trường. Đây là lớp học miễn phí đặc biệt trong loạt gian hàng “0 đồng” hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn của "thầy giáo" Huỳnh Quang Khải.
Bình luận 0

Hành trình 14 năm thầy đi tìm trò

Giữa lòng TP. Hồ Chí Minh nhộn nhịp, vẫn còn đâu đó hình ảnh những đứa trẻ phải chật vật mưu sinh dù đang tuổi ăn, tuổi lớn. Các em phải theo cha mẹ san sẻ nỗi lo cơm áo gạo tiền, nên không có cơ hội đến trường. Lớp học tình thương Ngọc Việt (phường Hiệp Thành, Quận 12, TP.HCM) ra đời đã giúp các em và nhiều thế hệ học trò nghèo ở quận 12 vẽ nên trang mới cuộc đời.  

Người đàn ông chuyên bán những thứ “0 đồng” - Ảnh 1.

Anh Khải (áo hồng) và giáo viên của lớp học tình thương Ngọc Việt. Ảnh: Mai Thi

Lớp học mở ra từ năm 2008. Anh Huỳnh Quang Khải (32 tuổi, Quận 12) là chủ nhiệm, đứng lớp suốt 14 năm qua. Khi ấy, anh đang là một hướng dẫn viên du lịch. Nhận thấy, trong khu phố nhỏ có nhiều em hoàn cảnh khó khăn, dù lớn tuổi nhưng vẫn không biết mặt chữ hay không có điều kiện đến trường. Chứng kiến những mảnh đời ấy, anh nảy ra ý tưởng tập hợp các em về để dạy chữ.

Sau đó, anh cùng các bạn đoàn viên thanh niên khu phố đã tìm đến những khu vực tập trung đông các em bán vé số. Anh ra sức vận động, hỏi thăm, nói chuyện với phụ huynh các em để các em được đi học vào buổi tối trên văn phòng khu phố. 

Hiện nay, lớp học có 42 em, từ 5 đến 18 tuổi. Học sinh của lớp là trẻ mồ côi, con, cháu của người lao động từ quê lên thành phố sinh sống. Hầu hết các em không đủ điều kiện đến trường vì gia đình khó khăn hay không may bị chậm phát triển.

Theo học lớp thầy Khải được 3 năm, em Đỗ Quang Hiếu (12 tuổi) cho biết, buổi sáng em theo phụ thầy Khải làm bánh mì chả cá. Buổi tối em tranh thủ đến lớp để học chữ, học tính toán. “Con mơ ước tương lai con có thể mở quán cà phê của riêng mình”, em Hiếu tâm sự.

Anh Khải dạy cho các em từ lớp 1 đến lớp 5. Mỗi buổi học kéo dài trong vòng 3 tiếng buổi tối (từ 18h - 21h) các ngày thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần.  

Người đàn ông chuyên bán những thứ “0 đồng” - Ảnh 3.

Các em học sinh tại lớp học hào hứng khi được nhận quà từ mạnh thường quân. Ảnh: QS

“Cuộc đời các em giống như một cuốn truyện, mỗi đứa một hoàn cảnh khác nhau, có cha có mẹ, hoặc không cha không mẹ. Có em ngày thường đi làm, tối đi học bữa được bữa mất, thầy phải dạy lại để em theo kịp các bạn” - Anh Khải tâm sự.

Bán nhẫn cưới để duy trì lớp học tình thương

Vì là lớp học 0 đồng, đôi lúc anh Khải cũng gặp không ít khó khăn trong sửa chữa, trang bị lại cơ sở vật chất lớp. Anh đã cùng vợ bán nhẫn cưới để duy trì lớp học Ngọc Việt khi thời điểm khó khăn xảy đến.

“Với mình, tình cảm dành cho mấy đứa nhỏ thực sự rất lớn, lớn hơn cả tiền bạc. Ngày nào các em còn nghèo, còn thất học thì mình lại càng mong muốn trụ lại với lớp. Mình còn chuẩn bị rất nhiều dụng cụ học tập để ngày nào lỡ không còn mình, mấy đứa nhỏ vẫn có cái để học” - Anh Khải bày tỏ.

Người đàn ông chuyên bán những thứ “0 đồng” - Ảnh 4.

Một buổi họp phụ huynh tại lớp học tình thương Ngọc Việt. Ảnh: Mai Thi

Tuy vậy, anh Khải cho biết: “Sau tất cả, khó khăn nhất đối với lớp học không phải vật chất mà là phụ huynh ngại đưa con đến lớp. Họ muốn con vào các xưởng lao động để có thêm đồng ra, đồng vào”.

Mỗi năm, anh họp phụ huynh 2 lần. Lần nào cũng vậy, anh Khải luôn nhấn mạnh việc học rất quan trọng đối với các em. Anh cũng cam đoan, sau khi hoàn thành kiến thức tiểu học, anh sẽ liên hệ để các em học lên hoặc học nghề theo mong muốn. Dù vậy, cũng có rất nhiều phụ huynh nghĩ rằng con mình chỉ cần nhận biết mặt chữ là đủ. Không ít em học sinh được bố mẹ báo ốm, nghỉ học để ra ngoài lao động. 

Anh Khải trầm ngâm: “Học sinh lớp học tình thương ngoan lắm. Có em giờ đã có gia đình, công việc ổn định, về lại thăm thầy. Nhưng có em lại không may mắn như thế, phải ra đời sớm. Tôi chỉ mong sao, phụ huynh một lần thực sự quan tâm đến sự học con em”.

Ngoài các giờ học theo chương trình của Bộ GD&ĐT, anh Khải còn dành ra một buổi để chia sẻ với các em lớp 5 về cuộc sống để định hình nhân cách sống, khuyến khích các em làm việc tốt, trở thành một công dân mẫu mực trong xã hội.

Anh Khải hào hứng khoe: "Đến thời điểm hiện tại, lớp học Ngọc Việt may mắn hơn rất nhiều so với những lớp học tình thương khác, khi được các mạnh thường quân biết đến và tài trợ. Giờ đây, lớp không thiếu thứ gì, từ quầy đồ ăn chống đói cho các em đến cây bút, cuốn vở hay cả một chiếc điều hòa hiện đại". 

Bà Mai Thị Thu Thảo - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy phường Hiệp Thành (quận 12, TP.HCM) cho biết: "Cũng từng làm cán bộ Đoàn, tôi đánh giá cao và nể phục Khải về những gì em ấy làm. Khải tổ chức cho lớp học dù công việc của em ấy là một hướng dẫn viên du lịch, đi nhiều, ít cố định về thời gian. Trong quá trình dạy học còn suy nghĩ ra nhiều hình thức khen thưởng cho các em học tốt."

Trao quà đến đâu, khóc đến đấy

Năm 2021 vừa qua, trong đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại TP.HCM, anh Khải đã tạm gác lại công việc giảng dạy và trở thành đầu bếp, người vận chuyển lương thực cho bà con. Anh mở ra hàng loạt gian hàng 0 đồng như: Bếp ăn 0 đồng, mỗi ngày nấu 1.100 suất, thuốc 0 đồng, siêu thị 0 đồng, chợ rau 0 đồng...

Người đàn ông chuyên bán những thứ “0 đồng” - Ảnh 6.

Anh Khải (áo hồng) phát những phần cơm 0 đồng trong đợt dịch Covid-19. Ảnh: QS

Suốt thời gian TP.HCM giãn cách xã hội, chứng kiến biết bao hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Vậy nên, anh cùng người thân quyết định nấu những suất ăn miễn phí cho người nghèo.

“Thời điểm đó, mỗi ngày mình nhận được vô số tin nhắn “cầu cứu” từ mọi người. Số lượng tin nhắn lên đến mấy ngàn tin. Mọi người đều không cầm cự nổi với số lượng mì tôm ít ỏi” - Anh Khải nhớ lại. 

Anh cho biết, mình chỉ là người vòng ngoài liên hệ lấy thực phẩm cho bếp và đưa cơm, đưa thuốc, đưa thực phẩm đến người cần, còn những đầu bếp chính trong "bếp ăn 0 đồng" là người thân trong gia đình. 

Nhắc đến những kỷ niệm trong các chương trình thiện nguyện của mình khi dịch Covid-19 bùng phát, anh Khải không giấu nổi xúc động: “Lúc mang thực phẩm tặng mọi người ở các dãy nhà trọ khó khăn không hiểu sao mình và 2 bạn cộng tác viên đều chững lại, rơi nước mắt. Mình đi đến đâu, khóc đến đó. Nhớ nhất lần vào nhà một hộ dân là người đồng bào dân tộc Khơ Me đang thất nghiệp. Họ chỉ ăn mì tôm, cơm với rau muống dại sau trọ, cho con nhỏ uống nước cơm chống đói”.

Người đàn ông chuyên bán những thứ “0 đồng” - Ảnh 7.

Học sinh của lớp học tình thương Ngọc Việt chăm chỉ học bài. Ảnh: Mai Thi

Thời điểm ấy, lớp học tình thương phải dừng lại do dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM bùng phát. Nhưng anh vẫn thường xuyên liên lạc với học sinh, thậm chí mang gạo, thực phẩm cho học sinh của mình. 

Trong lớp học tình thương Ngọc Việt, một dòng chữ được viết rõ ràng, đẹp đẽ “Sống là cho đi”. Đó là châm ngôn sống của anh Khải và cũng là điều anh mong muốn các thế hệ học sinh của mình thấu hiểu, làm theo. Những thứ “0 đồng” mà người thầy cần mẫn này đem lại cho đời lại mang giá trị rất lớn và vô cùng tươi đẹp cho cuộc đời này. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem