Tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo Nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, các đại biểu Quốc hội khẳng định sự cần thiết ban hành chính sách này nhằm đảm bảo quyền thu thuế chính đáng đối với các doanh nghiệp nước ngoài thuộc diện chịu thuế TTTC tại Việt Nam (có doanh thu 750 triệu Euro tương đương 800 triệu USD/năm).
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, khối doanh nghiệp FDI đóng góp lớn trong quá trình mở cửa của Việt Nam trong 30 năm qua. Thu hút FDI đã có hiệu quả lớn đối với nền kinh tế.
Việt Nam từ nước thu hút FDI đứng thứ 121 thế giới, đến nay Việt Nam đứng thứ 25 trong số nơi được nhiều đầu tư FDI lớn trên thế giới. Số dự án của FDI hiện tại lên 38.000 dự án, với vốn 453 tỷ USD… điều đó chứng tỏ những tác động lớn mà FDI mang lại cho nền kinh tế.
Ông Ngân cho rằng, thời gian vừa qua dù FDI đã đóng góp lớn cho Việt Nam song vẫn còn một số vấn đề, tồn tại như tình trạng chuyển giá, lỗ giả lãi thật gây nhức nhối. Chính vì vậy, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đa số đại biểu Quốc hội đều ủng hộ, để đảm bảo minh bạch, kịp thời đối với thu thuế đối với các doanh nghiệp FDI. Ông Ngân cho rằng, nếu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu Việt Nam cần cân nhắc yếu tố mất, được cho nền kinh tế.
Về mặt được, Việt Nam được quyền thu thuế và thu thuế hợp pháp với hơn 1.000 doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam.
Thứ 2, việc thu thuế tối thiểu toàn cầu sẽ giúp công bằng giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại về cơ chế ưu đãi thuế và các ưu đãi khác liên quan. "Thuế tối thiểu toàn cầu thể hiện sự tiến bộ và minh bạch, Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng, lĩnh vực thuế cần tiệm cận với thuế thế giới".
Theo ông Ngân, để thu hút các dự án FDI lớn, công nghệ cao bên cạnh đầu tư nâng cao hạ tầng, cần đầu tư hơn nữa về giao thông để giảm chi phí, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nhất là phục vụ cho công nghệ cao, kinh tế xanh.
Ông Ngân nhấn mạnh, nhiều nhà đầu tư nước ngoài ngại thủ tục hành chính ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp sử dụng hình thức người Việt hỗ trợ làm đầu mối làm các thủ tục hành chính, nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp FDI, đồng thời tránh việc khó khăn ký kết, giải ngân vốn.
Bên cạnh đề nghị tăng thu thuế khi thuế TTTC được áp dụng, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị cần chích hỗ trợ tài chính trực tiếp cho doanh nghiệp để họ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
"Trước kia, khi xây dựng dự thảo Nghị quyết 98/2023/QH15, TP.HCM đưa vấn đề hỗ trợ tài chính trực tiếp cho doanh nghiệp FDI nhưng bị loại bỏ. Tuy nhiên, so với thế giới và khu vực, hình thức này đang được áp dụng, chính vì vậy tôi đề nghị Chính phủ cho áp dụng hỗ trợ tài chính trực tiếp cho doanh nghiệp nước ngoài trên toàn quốc để đồng bộ chính sách", ông Ngân nói.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội nhất trí cao với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Dù việc ban hành này là không bắt buộc, nhưng để đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc nên cần thiết phải ban hành Nghị quyết, song song với đó cần ban hành chính sách để khuyến khích hỗ trợ đầu tư mới để đảm bảo công bằng cho tất cả các doanh nghiệp.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc phân tích, dự kiến việc ban hành nghị quyết này sẽ có tác động rất lớn làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta, đặc biệt là với các nhà đầu tư chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt trong thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay.
Để giảm thiểu những tác động bất lợi, đại biểu cho rằng, đồng thời với việc ban hành nghị quyết về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Quốc hội cũng cần phải ban hành thêm nghị quyết về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để đảm bảo duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn để đáp ứng cùng một lúc cả hai mục tiêu là thúc đẩy được dòng vốn đầu tư chất lượng cao vào nền kinh tế nước ta, phù hợp với cái chiến lược phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước và đồng thời không vi phạm các cam kết quốc tế, không đi ngược với xu thế hội nhập.
Theo đại biểu, muốn vậy, về quan điểm phải khẳng định, việc chúng ta ban hành các chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư mới không phải là một biện pháp để bù đắp thiệt hại cho các nhà đầu tư, do họ phải nộp thuế bổ sung, vì điều này là vi phạm các nguyên tắc của OECD. Chính sách hỗ trợ đầu tư cần bảo đảm một nguyên tắc công bằng hướng tới tất cả các doanh nghiệp đạt được các tiêu chí cụ thể mà chính sách của chúng ta hướng tới, không phân biệt đó là doanh nghiệp thuộc đối tượng phải chịu thuế bổ sung hay không.
Đại biểu cho rằng, các lĩnh vực, dự án cần ưu tiên thu hút như lĩnh vực công nghệ cao thân thiện với môi trường, hoạt động nghiên cứu phát triển, lĩnh vực năng lượng tái tạo, các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao và có quy mô lớn và tất cả đều nhằm tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế theo đúng tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh hội nhập và thu hút đầu tư trong bối cảnh mới.
Trong khi chúng ta chưa ban hành được nghị quyết này hoặc chưa điều chỉnh pháp luật theo hướng này, đại biểu đề nghị Quốc hội phải khẳng định trong nghị quyết chung của kỳ họp thứ 6, đó là Quốc hội sẽ ban hành chính sách hỗ trợ theo các nội dung định hướng như trên để có thể làm yên lòng các nhà đầu tư chiến lược và giao Chính phủ tích cực chuẩn bị để Quốc hội có thể ban hành nghị quyết về vấn đề này….
Báo cáo tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ khi chúng ta ban hành Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu là xác định về quyền đánh thuế của đất nước chúng ta và mang lại lợi ích cho đất nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế của thế giới.
Khi hội nhập toàn diện, các quy định của quốc tế phải thực hiện, đòi hỏi nước ta phải luôn luôn chủ động để sửa đổi quy định của pháp luật phù hợp với yêu cầu của quốc tế để thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế của đất nước, Bộ trưởng nêu rõ.
Về ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại các tập đoàn đa quốc gia (TNCs) có thể nộp thuế tại nước ngoài thay vì chấp nhận nộp thuế ở Việt Nam, ông Phớc khẳng định: Nếu họ trả thuế ở nước mẹ, quy trình rà soát thuế tại Việt Nam và các nước cũng rất phức tạp, thậm chí mất thêm chí phí. Chính vì vậy, chắc chắn TNCs muốn nộp thuế tại Việt Nam vì chi phí thấp hơn và có thể ngành thuế sẽ hỗ trợ doanh nghiệp để giảm bớt các thủ tục, khâu trung gian nhằm giúp họ thuận lợi kinh doanh.
Liên quan đến chính sách ưu đãi tài chính trực tiếp cho doanh nghiệp nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: "Chính phủ đang giao cho Bộ KH&ĐT chủ trì phần việc này, chắc chắn sẽ sớm trình Quốc hội, Chính phủ để thực hiện các chính sách ưu đãi tương tự như các nước", ông Phớc nêu.