Bà Trịnh Thị Sim năm nay đã 86 tuổi nhưng bà vẫn còn minh mẫn lắm. Bà kể cho mọi người nghe chuyện Thánh Mẫu: Thánh Mẫu Nguyễn Thị Uyển Trà là con gái cụ Nguyễn Công, một gia đình quý tộc ở huyện Thượng Nguyên, phủ Thiên Trường (tỉnh Nam Định ngày nay).
Trưởng nữ Nguyễn Thị Uyển Trà nổi danh là bậc quốc sắc thiên hương. Năm bà Uyển Trà lên 8 tuổi thì mẫu thân qua đời, cụ Nguyễn Công lấy thêm bà Trần Thị.
Chẳng hiểu duyên cớ nào mà bà Uyển Trà bỏ nhà từ Thiên Trường (Nam Định) sang tá túc tại chùa Từ Vân ở Thuận Vy trang nhưng vẫn giúp cha nuôi các em ăn học nên người.
Khi Nguyễn Thị Uyển Trà ở tuổi trăng tròn, cụ Nguyễn Công bảo con: “Ta coi tử vi và xem tướng mạo, số con phải làm vương phi nhà Chúa”.
Uyển Trà không tin và cũng không muốn làm vương phi. Bà biết Chúa Trịnh Sâm đã từng có ý định chọn bà vào vương phủ (có sách nói bà đã là vương phi của Trịnh Doanh, bố Trịnh Sâm).
Bà từ chối thẳng thừng và nói thật những suy nghĩ của mình cho bố biết. Cụ Nguyễn Công lắc đầu, đọc hai câu thơ trước khi về phủ: “Xưa nay trong bọn nữ nhi/Càng tài, càng sắc, càng suy về tình”.
Khi đã là vương phi của Chúa, Nguyễn Thị Uyển Trà xin phép được về thăm cố hương.
Khi hồi cung, bà nói rằng: “Đường xa dính cát bụi trần, ta ra sông Bồ Đề tắm gội”. Lấy cớ là đi tắm nhưng bà đã gieo mình xuống sông Bồ Đề (đoạn Ngọc Hồi - Hà Nội) tuẫn tiết.
Lúc đó là giờ ngọ ngày rằm tháng ba âm lịch. Nhà Chúa cho quân đi tìm nhưng không thấy. Dân làng Trà Vy (xã Quang Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình ngày nay) nhặt được bài vị của bà và theo mộng ứng, đã xây lăng mộ thờ cúng.
Từ đường Nguyễn Kim, chùa Từ Vân và lăng mộ Thánh Mẫu Uyển Trà đã được Nhà nước cấp bằng di tích cấp quốc gia.
Trong từ đường Thánh Mẫu hiện còn đôi câu đối do chính tay vua ngự viết: “Quan Tây hữu địa khởi lâu đài/Thần Bắc tự thiên san tạo hóa”. Nhà vua truy tặng Thánh Mẫu Uyển Trà là “Thượng đẳng phúc thần”.
Tượng Thánh Mẫu Nguyễn Thị Uyển Trà ở làng vườn Bách Thuận, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình).
Ngược dòng lịch sử, chuyện Thánh Mẫu Uyển Trà được nhiều người kể: Sau vụ án oan, Thái tử Lê Duy Vỹ và Tiến sĩ Nguyễn Lệ bị giết, Nguyễn Công là em ruột Tiến sĩ Nguyễn Lệ cũng bị liên đới.
Các con của cụ Nguyễn Công oán hận, dấy binh tại vùng Sơn Nam hạ. Trịnh Sâm cử nội giám Thân Xuân Thự, dẫn đại quân cùng trấn thủ Sơn Nam Ngô Đình Hoàng, lại điều thêm Huy quận công Hoàng Đình Bảo đến giúp sức, mới đẩy được nghĩa quân ra biển.
Chúa cho quân vào Thận Vy trang đốt phá nhà cửa, giết hại dân lành. Cả trang Thận Vy chìm trong biển máu. Lúc này, bà Uyển Trà chưa bị đưa vào cung. Bà tập hợp dân chúng gần khu chùa Từ Vân lại, bày cách đấu tranh với Chúa. Nhiều tín đồ dũng cảm theo diệu kế của bà, đặc biệt là hai thị giả Diệu Chính và Diệu Khai...
Chuyện ly kỳ lý thú xảy ra ở Từ Vân tự, được phả tộc ghi lại như sau: Theo thông lệ, ngày rằm tháng ba âm lịch, Vương Mẫu Nguyễn Thị Ngọc Anh đi lễ đền Vân Cát, Trịnh Sâm hộ tống mẹ đi nhằm tìm cách tiễu trừ tận gốc dòng họ Nguyễn Kim ở Thận Vy trang.
Trong lúc Vương Mẫu đỗ thuyền ở sông Vị Hoàng thì Trịnh Sâm dẫn quân đi thị sát. Tới tam quan chùa Từ Vân, Chúa thấy rợn người.
Trong chùa có hai thị giả lạ lùng: một người khóc gào thảm thiết, một người cười khanh khách. Chúa đã toan sai lính chém nhưng ngẩng đầu lên nhìn trên lầu thượng, Phật Bà (do Uyển Trà giả dạng) đầu đội khăn trắng, vận xiêm y trắng, tay cầm cành liễu trắng.
Chúa hoảng hốt cúi đầu vái tạ và hỏi nguyên do. Quan âm truyền: “Đó chính là điềm trong thiên hạ. Nhà vương cứ về hỏi quốc mẫu sẽ biết”. Tĩnh Vương thân vào chùa thắp nhang, vái lạy, rồi kéo quân về Vị Hoàng kể chuyện cùng Thái Hậu.
Vương Mẫu Ngọc Anh là người sùng đạo Phật, kính trọng vua Lê, biết con phạm lỗi, sáng hôm sau bà tự thân sắm lễ vật cùng cung nữ vào chùa Từ Vân vấn an sư bản tự.
Bà Uyển Trà bước ra vái chào Thái phi, rồi nói: Họ Trịnh ta từ buổi trung hưng, cùng quốc lão đại thần bách tính phò tá Hoàng Lê mà đời đời hưởng lộc.
Vụ biến Lê Duy Tường làm cho xã tắc nghiêng ngả. Nay thái tử, mai là vua của nước, vô cớ bị hình án, khiến nơi nơi nháo nhác. Lại thêm Sơn Nam hạ đại loạn, nhà vương không biết, đem quân đi chém giết, chẳng đáng chê cười sao? Thị giả kia cười là cười nhà vương không tường thế sự.
Thị giả kia khóc là xót thương cho công đức nhà vương, nối đời phù tá trung hưng, danh ghi quốc sử. Nay con cháu đem lòng khác, khiến lòng người đen đục, hỏi cơ đồ nhà Chúa rồi sẽ ra sao?
Giữ lòng hiếu trung, trọn đạo vua tôi thì trăm họ đều biết. Sao quốc mẫu không lấy điều phải trái mà bàn với nhà Chúa? Trăm họ một lòng thờ vua thì chuyển loạn thành trị, xã tắc yên bình. Dân thì được yên, nhà Chúa thì bền thịnh, để tấm gương trung liệt cho đời.
Chiều hôm ấy, Vương Mẫu bàn với Tĩnh Vương. Khi về đến Thăng Long, Tĩnh Vương xuống lệnh dừng truy sát những người tham gia bạo loạn ở trấn Sơn Nam. Trợ cấp tiền cho Thận Vy trang sửa chữa nhà dân, miễn thuế ba năm. Sau vụ ấy, dân làng Thận Vy biết ơn, tôn bà Nguyễn Thị Uyển Trà làm phúc thần Thánh Mẫu.
Nhân ngày giỗ Thánh Mẫu Uyển Trà, các bậc cao niên của dòng họ Nguyễn Kim ở thôn Thuận Vy, xã Bách Thuận (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) đều kể cho con cháu nghe công đức của các bậc tiền nhân, sự tích “Phật Bà Quan âm” Nguyễn Thị Uyển Trà. Truyền thống của gia đình, dòng họ, của quê hương luôn thúc giục mọi người tiếp tục vươn lên.