Một dòng sông lớn ở Thanh Hóa-con đường tụ nghĩa của nhân tài, quân sĩ, lập nên nhà Lê Sơ tồn tại gần 100 năm

Thứ ba, ngày 21/11/2023 18:55 PM (GMT+7)
Xã Xuân Bái (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) là vùng đất cổ nằm bên hữu ngạn sông Chu, cách Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh khoảng 3 km. Tự bao đời, phù sa màu mỡ của dòng Chu giang đã bồi đắp nên xóm, làng trù phú.
Bình luận 0

 Và cũng từ mạch nguồn thăm thẳm ấy, biết bao thế hệ người dân nơi đây đã cùng nhau viết nên lịch sử - văn hóa truyền thống độc đáo.

Trong hệ thống Mã giang, sông Chu là nhánh lớn nhất. Dọc chiều dài 325 km, phát nguyên từ Sầm Nưa (Lào), con sông trườn mình theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, đến Mường Hinh (Nghệ An) thì chuyển sang hướng Tây Đông để chảy qua các huyện Thường Xuân, Thọ Xuân, Thiệu Hóa rồi nhập vào sông Mã ở vùng Ngã Ba Đầu...

Sông Chu chảy qua huyện Thọ Xuân dài 29,4 km, chỉ một phần rất nhỏ trên hải trình dài. Tuy nhiên, từ xưa tới nay, sông Chu luôn đóng một vai trò quan trọng trên nhiều phương diện đối với huyện Thọ Xuân nói riêng, xứ Thanh nói chung. 

Địa chí huyện Thọ Xuân nhận định về vai trò của sông Chu trong dòng chảy lịch sử: “... Nếu tìm lại những dấu ấn của thời quá khứ thì chắc rằng người Thọ Xuân - xứ Thanh - đất Việt chẳng bao giờ quên dòng sông yêu dấu này 

Sông Chu đã từng là con đường đưa đón bao nghĩa sĩ từ các phương, miền đổ về để “tụ nghĩa Bình Ngô” trên đất Lam Sơn rồi cùng nhau “nằm gai nếm mật” mười năm trên rừng núi thượng nguồn con sông rồi tiến lên giành lại giang sơn cho Tổ quốc để lập ra nhà Lê Sơ huy hoàng gần một trăm năm...”.

Từ xa xưa, Xuân Bái vốn là vùng rừng núi rậm rạp, những người có công đầu đến khai phá lập làng mở ấp là cụ Lê Phúc Chân và hai con là Lê Phúc Thành và Lê Phúc Bình. 

Vùng đất nằm bên bờ sông Chu không chỉ gợi thương gợi nhớ bởi cảnh sắc thôn quê bình dị, thân thuộc, nhịp sống yên bình. Nơi đây đã từng là đầu mối giao thông đường thủy quan trọng trong những năm Lê Lợi khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược. Sự hình thành của tên làng, xã gắn với cuộc đời - sự nghiệp của vị anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã làm nên dấu son rực rỡ trong hành trình dựng nước, giữ nước của dân tộc. 

Một dòng sông lớn ở Thanh Hóa-con đường tụ nghĩa của nhân tài, quân sĩ, lập nên nhà Lê Sơ tồn tại gần 100 năm - Ảnh 1.

Chùa Linh Cảnh, xã Xuân Bái (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Xuân Bái là một trong những địa phương nằm bên dòng sông Chu. Ảnh: Hoàng Linh

Tương truyền, vào khoảng thế kỷ 14, khi Lê Lợi tìm cách trốn chạy khỏi sự bao vây của giặc Minh, ông chạy đến một ngôi làng bên dòng sông Chu, người dân nơi đây hay tin đã chạy ra bái lạy. 

Khi Lê Lợi chạy xuống làng dưới, dân làng ở đây cũng theo đó mà chạy ra vái. Sau này đánh đuổi được giặc, nhớ đến tình cảm của người dân khi ấy, ông đặt tên cho hai ngôi làng này là Bái Thượng và Bái Đô, hiện nay thuộc xã Xuân Bái.

Về xã Xuân Bái, ghé thăm ngôi chùa Linh Cảnh (còn có tên gọi khác là chùa Bái) để cảm nhận rõ hơn chiều sâu đời sống văn hóa – tâm linh của đất và người nơi đây. Mặc dù chưa có nguồn tài liệu nào ghi lại chính xác lịch sử hình thành, phát triển nhưng cho đến hôm nay và mai sau, chẳng thể nào phủ nhận được sức sống bền bỉ của ngôi chùa này. 

Theo các cụ cao niên trong làng: Ban đầu, chùa nép mình dưới tán cây đa cổ thụ với 3 gian, bày trí thờ tự đơn giản với 3 pho tượng Phật Tam thế...

Để có được diện mạo, quy mô, sức ảnh hưởng trong đời sống tôn giáo – tín ngưỡng Nhân dân như hiện nay, chùa Linh Cảnh đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Bài viết “Chùa Linh Cảnh” (Chùa xứ Thanh, NXB Thanh Hóa) của Nguyễn Đăng Lái phác họa những nét chính về lịch sử hình thành, phát triển cùng kiến trúc xưa và nay của ngôi chùa. 

Được biết, năm Đinh Sửu (1937), từ tấm lòng hảo tâm công đức của Nhân dân địa phương, du khách thập phương, chùa Linh Cảnh được trùng tu, tôn tạo. Bia ký chùa Linh Cảnh nêu rõ: “... Thượng điện chùa có ba gian, tiền đường 5 gian đều làm bằng gỗ Tứ Thiết, bao quanh chùa xây bằng tường gạch, mái lợp ngói. 

Tháng 9 năm Đinh Sửu (1937) thì khởi công, đến tháng 12 đã làm xong nhà tổ đường và tịnh xá theo quy chế mới. Đến năm Kỷ Mão (1939), thiền tăng lại hiệp đồng với bản xã cử cụ Chánh tổng Đặng Ngọc Liên làm đốc công và các ông chánh hộ... để tu sửa hai tòa nội và ngoại điện thờ đức Thánh Mẫu làm tăng vẻ thờ phụng tôn kính, uy nghi”.

Cũng như số phận phần lớn di tích trên dải đất hình chữ S này, trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, chùa Linh Cảnh có thời điểm bị tàn phá nặng nề. Năm 1996, chùa được trùng tu, tôn tạo lại trong khuôn viên phía trước của nền chùa cũ, gồm tiền đường và thượng điện.

Trải qua thăng trầm thời gian, sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến nay, chùa Linh Cảnh khang trang, bề thế hơn với cổng tam quan theo lối thượng gác chung; sân chùa rộng rãi, cảnh sắc đẹp; chùa chính thiết kế theo hình chữ Đinh, có tiền đường và hậu cung,... Chùa vẫn còn lưu giữ được nhiều nét cổ, hiện vật cổ như bia đá, tam bảo, chuông treo trên gác chuông...

Trong không gian tôn giáo – tín ngưỡng chùa Linh Cảnh, ngoài các hoạt động dâng hương, đi lễ vào các ngày rằm, mồng một, khoảng đầu tháng 2 âm lịch hằng năm, Nhân dân trong vùng lại háo hức, rộn ràng vui xuân, trẩy hội, tham dự lễ hội kỳ phúc chùa Linh Cảnh. 

Lễ hội bao gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm các hoạt động dâng hương, rước kiệu, tế lễ cổ truyền và tế tạ. Phần hội sôi động với các trò chơi dân gian, các hoạt động thể dục thể thao như: cờ tướng, giao lưu văn hóa văn nghệ, kéo co, bóng chuyền, cầu lông... 

Đây là lễ hội truyền thống của làng, xã nhằm bày tỏ lòng tôn kính, tri ân công đức của thần linh, các bậc tiền nhân có công lập làng; giáo dục các thế hệ cháu con truyền thống, ý thức bảo tồn và phát huy lịch sử - văn hóa làng, xã, nêu cao tinh thần cố kết cộng đồng.

Sông Chu vẫn đời đời xuôi dòng nước chảy, vẫn mang nặng phù sa mà bồi đắp cho bờ bãi xanh mướt, xóm, làng trù phú. Không chỉ có Xuân Bái mà rất nhiều ngôi làng đôi bờ, từ nghĩa tình, ân huệ của dòng Chu giang mà nỗ lực, cố gắng, hăng say lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa... 

Những vỉa tầng lịch sử - văn hóa cũng từ mạch nguồn phù sa dạt dào ấy cùng sức sáng tạo, ý thức, trách nhiệm gìn giữ, phát huy của bao thế hệ người dân mà lắng đọng, tỏa sáng rạng ngời, trở thành động lực, điểm tựa tinh thần vươn tới tương lai.

Hoàng Linh (Báo Thanh Hóa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem