Hàng vạn du khách về đền ông Hoàng Mười ngày chính lễ
Lễ hội đền ông Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) năm 2023 diễn ra vào ngày 21 và 22/11 (tức ngày 9 và 10/10 âm lịch). Lễ hội được tổ chức hàng năm, trở thành nét đẹp văn hóa, thu hút hàng vạn du khách thập phương về vãn cảnh, dâng lễ.
Hàng vạn du khách về dâng hương tại đền ông Hoàng Mười ở xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An trong ngày chính lễ. Thực hiện: Thắng Tình
Đền ông Hoàng Mười còn có tên khác là Mỏ Hạc Linh Từ với kiến trúc độc đáo và giá trị văn hóa, tín ngưỡng trong hệ thống đạo Mẫu tứ phủ Liễu Hạnh.
Dù trải qua nhiều thăng trầm và nhiều đợt trùng tu, tôn tạo, đền ông Hoàng Mười vẫn lưu giữ được kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Ở đền cũng đang lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật đồ tế khí quý hiếm. Trong đó có 21 sắc phong, bản thần tích chữ Hán, hệ thống tượng pháp có giá trị lịch sử, thẩm mỹ.
Đền ông Hoàng Mười được UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa năm 2002, công nhận điểm du lịch văn hóa tâm linh năm 2018. Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Lễ hội đền ông Hoàng Mười là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo dân gian, ông Hoàng Mười là vị thánh chuyên ban lộc về công danh sự nghiệp. Bởi thế, không ít du khách ở các tỉnh phía Bắc cũng cất công vào tận đền dâng lễ vào mỗi dịp lễ hội.
Từ lâu, đền ông Hoàng Mười đã nổi tiếng linh thiêng và có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Nghệ An và du khách thập phương.
Du khách đội lễ lớn, mua ngựa giấy khung dâng lễ tại đền ông Hoàng Mười
Với quan niệm ông Hoàng Mười là một vị tướng đánh trận giỏi nên cần thuyền, ngựa để xông pha trận mạc. Vì vậy, người đi lễ không ngại sắm thêm ngựa, thuyền giấy khủng mang vào đền làm lễ cầu lộc, cầu tài, mong mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, vợ chồng con cái hạnh phúc.
Tuỳ vào kích thước, mỗi con ngựa, thuyền giấy có giá từ 150.000 - 350.000 đồng. Tại đây, còn có cả xe chuyên dùng để vận chuyển những mâm lễ vào phía trong đền.
Ghi nhận của phóng viên vào ngày 22/11, con đường dẫn vào đền ông Hoàng Mười du khách rất tấp nập. Ngoài ngựa giấy, nhiều loại mâm lễ khác nhau, đủ kích cỡ cũng liên tục được đưa vào đền để làm lễ. Các mâm lễ có giá giao động từ 300.000 đồng cho đến 2 triệu đồng.
Sau khi làm lễ xong, vàng mã, ngựa giấy được tập kết đến lò hóa vàng mã ở phía sau đền để đốt. Tại đây, lò hóa vàng mã chạy hết công suất mới đủ đáp ứng nhu cầu của du khách.
Bà Hoàng Thị Hoài Thanh - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An cho biết, theo ước tính sơ bộ trong dịp lễ năm nay có hơn 40.000 du khách thập phương về đền ông Hoàng Mười dâng lễ.
Theo nhân gian kể lại ông Hoàng Mười là nhân vật huyền thoại, được giáng trần để giúp đời. Người dân xứ Nghệ cũng lưu truyền các truyền thuyết về lai lịch, thân thế, sự nghiệp của ông Hoàng Mười với những nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam.
Theo truyền thuyết, ông Hoàng Mười là con thứ 10 của Đức Vua cha Bát Hải Động Đình. Theo lệnh, ông giáng trần để giúp nông dân.
Ông Hoàng Mười không chỉ vì ông là con trai thứ 10 mà ông là người tài đức vẹn toàn, văn võ song toàn ("10" mang ý nghĩa tròn đầy, viên mãn). Không những là vị tướng xông pha chinh chiến nơi trận mạc, ông còn là người rất hào hoa phong nhã, giỏi thơ phú văn chương. Với truyền thuyết về vị tướng "Tài đức vẹn toàn".