Theo các chuyên gia, nếu không sớm chuẩn bị để tuân thủ các quy định mới đặt ra này thì cà phê và các sản phẩm nói trên từ Việt Nam sẽ bị hạn chế hoặc khó có thể đưa vào thị trường châu Âu trong thời gian tới. Song nếu tuân thủ tốt thì sẽ là một bước phát triển mới, giá cà phê xuất khẩu chắc chắn sẽ tăng và mức tăng không dưới 20 USD/tấn.
EU là thị trường lớn của cà phê Việt Nam, chiếm trên 40% tổng lượng cà phê xuất khẩu của cả nước, và đang có xu hướng gia tăng. Do đó, bên cạnh phải tuân thủ những quy định về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và chứng chỉ carbon của EU, các chuyên gia cho rằng ngành hàng này cần có kế hoạch hành động thích ứng với quy định EUDR.
"Bộ NNPTNT coi việc tuân thủ quy định chống phá rừng châu Âu không chỉ là để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vào thị trường EU, mà xem đây là cơ hội để đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam theo định hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh".
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca Cao Việt Nam, EUDR quy định cà phê, ca cao không được nhập khẩu vào EU nếu được trồng trên diện tích đất phá rừng (lấy mốc từ ngày 31/12/2020 đến nay). Các doanh nghiệp thì cho rằng cà phê Việt Nam ít có nguy cơ trồng trên diện tích đất phá rừng nhưng điều quan trọng là chúng ta phải chứng minh nguồn gốc các vùng cà phê đó như thế nào, đáp ứng giấy tờ, thủ tục ra sao...
Đáng chú ý là những phần diện tích cà phê trồng trên đất chưa được cấp sổ đỏ sẽ không chứng minh được tính hợp pháp khi nhập khẩu vào EU, do đó cần tìm ra hướng giải quyết.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam ước tính, nước ta có khoảng 700.000ha cà phê nhưng chỉ có 30.000ha là thuộc các công ty nhà nước, diện tích còn lại là của bà con nông dân và chủ yếu được trồng manh mún, nhỏ lẻ, trồng xen với nhiều loại cây trồng khác. Cả nước có khoảng 1 triệu hộ trồng cà phê, trong đó 70% số hộ có diện tích dưới 0,5ha, do vậy việc truy xuất nguồn gốc rất khó khăn.
Ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đăk Lăk (Simexco DakLak) cho biết, hiện chưa có bản đồ phân loại đâu là vùng trồng rủi ro cao, rủi ro thấp. Nếu Việt Nam nằm trong vùng rủi ro thấp hay trung bình thì phải truy xuất được nguồn gốc lô hàng từ vùng đó.
Tuy nhiên, các vùng trồng cà phê hiện nay chủ yếu có diện tích manh mún, nhỏ lẻ, riêng Simexco hiện đã quản lý hơn 40.000 nông hộ, nên để đáp ứng quy định cần rất nhiều thời gian. Hiện, Simexco đã và đang phối hợp với tổ chức IDH để làm mô hình thử nghiệm truy xuất nguồn gốc từ các xã, vườn.
"Chi phí tuân thủ cao hơn rất nhiều so với các chương trình đã triển khai trước đây, trong khi biên lợi nhuận ngành cà phê rất mỏng. Chúng tôi đồng thời phải đáp ứng được sản lượng cung cấp cho châu Âu và lại phải đồng bộ các quy trình trong một thời gian ngắn. Do vậy áp lực không hề nhỏ, nhưng nếu vượt qua được thử thách thì ngành hàng cà phê sẽ chuyển đổi mạnh mẽ hơn" - ông Huy cho biết.
Tạo "cú hích" cho ngành cà phê
Là lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex cho rằng, luật mới của EU sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của ngành cà phê, nhưng nếu chúng ta đáp ứng được thì sẽ là một bước phát triển mới, giá xuất khẩu cà phê chắc chắn sẽ tăng và mức tăng không dưới 20 USD/tấn.
TS Nguyễn Đức Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nhận định, yêu cầu của phía EU là 100% sản phẩm cà phê xuất khẩu vào thị trường này phải có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn để xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ để hỗ trợ các doanh nghiệp.
"Chúng ta phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để có dữ liệu nền tảng cung cấp cho việc so sánh, đối chiếu và biết chính xác được diện tích, các diễn biến của quá trình chuyển đổi, sản xuất, thương mại. Nhờ đó sẽ minh bạch được quá trình sản xuất cà phê" – ông Thành gợi ý.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT) cho biết, Bộ NNPTNT đang tích cực làm việc với các cơ quan kỹ thuật của EU, các tổ chức tư vấn, cũng như tất cả các đơn vị kỹ thuật trong Bộ, nhanh chóng phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, hội nông dân để có thể xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu dùng chung, qua đó giúp giảm chi phí khi khai báo thông tin.
Liên quan tới việc thực hiện quy định EUDR, bà Trần Quỳnh Chi - Giám đốc Vùng Cảnh quan châu Á (Tổ chức IDH) cho biết, với những kinh nghiệm triển khai chương trình cảnh quan bền vững tại Tây Nguyên trong gần 10 năm qua cùng các cơ quan quản lý nhà nước và các công ty như JDE Peet's, Simexco, Intimex, ECOM..., IDH sẽ đồng hành cùng các đối tác Trung ương và địa phương để triển khai đồng bộ các hoạt động đáp ứng với EUDR tại Việt Nam.