Nông dân một xã ở Trà Vinh chuyển từ nuôi tôm sang nuôi cá bông lau trong ao đất cho lợi nhuận cao
Nông dân một xã ở Trà Vinh chuyển từ nuôi tôm sang nuôi cá bông lau trong ao đất cho lợi nhuận cao
Ni Rượng (Cổng TTĐT huyện Duyên Hải)
Thứ sáu, ngày 24/11/2023 13:00 PM (GMT+7)
Thời gia gần đây, giá bán các loại tôm thương phẩm giảm mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của người nuôi tôm. Một số hộ dân ở xã Long Vĩnh (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) đã chuyển đổi từ nuôi tôm sang nuôi cá bông lau thương phẩm trong ao đất.
Mô hình chuyển đổi từ nuôi tôm sang nuôi cá bông lau trong ao đất ở xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nông dân.
Nông dân xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh thu hoạch cá bông lau nuôi trong ao đất. Nhiều diện tích nuôi cá bông lau ở Long Vĩnh vốn trước đây là ao, hồ nuôi tôm. Ảnh: Ni Rượng.
Những năm trước đây, trên địa bàn xã Long Vĩnh chỉ có 3 hộ nuôi cá bông lau thương phẩm trong ao đất.
Lượng cá bông lau giống thả nuôi của các hộ này hàng năm chưa đến 8.000 con. Đến nay, trên địa bàn xã đã có hơn 30 hộ nuôi cá bông lau, với 38 ao, thả nuôi hơn 65.000 con cá giống.
Người tiên phong thực hiện mô hình nuôi cá bông lau thương phẩm trong ao đất là hộ ông Lâm Văn Bình, ấp Giồng Bàn.
Lúc đầu, gia đình ông Bình chỉ nuôi 1 ao, diện tích 1.500m2, với 4.000 con cá bông lau giống. Sau 9 tháng nuôi, cá bông lau đạt kích cỡ thu hoạch, giá cá bông lau bán từ 110.000 - 130.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình ông Bình còn lợi nhuận hơn 160 triệu đồng.
Ông Lâm Văn Bình ghi nhận, điều kiện môi trường ở xã Long Vĩnh rất thích hợp để nuôi cá bông lau thương phẩm trong ao đất.
Sau 9 tháng nuôi, cá bông lau đạt trọng lượng trên 1kg/con và có thể thu hoạch. Hiện tại, thương lái đến thu mua cá bông lau tại ao giá 120.000 đồng/kg.
Cá bông lau trước nay người dân miền Tây thường đánh bắt ngoài tự nhiên. Cá bông lau là loài thủy sản đặc hữu của sông Mekong, di chuyển từ Biển Hồ về làm ổ nhiều ở dòng Vàm Nao nối sông Tiền và sông Hậu, nơi có nước sâu chảy xiết và thông ra biển. Ảnh: Đa Ka.
Hạch toán, mỗi kg cá bông lau thương phẩm nông dân bán ra thu được lợi nhuận 40.000 đồng. Cá bông lau được nuôi trong môi trường ao đất, trong quá trình nuôi không sử dụng các loại thuốc cấm, chất kháng sinh nên được thị trường và người tiêu dùng chấp nhận.
Thịt cá bông lau ăn ngọt, giàu dinh dưỡng, được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Đa Ka.
Để mô hình “Nuôi cá bông lau thương phẩm” trong ao đất phát triển, xã Long Vĩnh tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia mô hình.
Xã hối hợp ngành chuyên môn tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi cá bông lau; tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm giúp người dân nắm vững kiến thức, kỹ thuật nuôi để đạt hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian tới, xã Long Vĩnh sẽ vận động người nuôi thành lập Tổ hội nghề nghiệp nuôi cá bông lau thương phẩm, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.