Cả làng người Ba Na ở Gia Lai trồng cà phê trên đất trống, trái quá trời, tiền thu về làm việc hay
Cả làng người Ba Na ở Gia Lai trồng cà phê trên đất trống, trái ra quá trời, tiền thu về gây quỹ chung
Hoàng Lộc
Thứ hai, ngày 23/10/2023 18:30 PM (GMT+7)
Tận dụng quỹ đất trống ở trong thôn, người Ba Na ở xã Glar (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã cùng nhau trồng cà phê. Đến kỳ thu hoạch, số tiền thu được từ bán cà phê sẽ được bỏ vào quỹ của thôn để phục vụ cho các hoạt động cộng đồng.
Người dân trong thôn chung tay trồng cà phê gây quỹ
Xã Glar (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) có 10 thôn với gần 100% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số Ba Na. Hầu hết thôn nào đều có quỹ đất chung. Để có nguồn quỹ chi cho việc tổ chức các hoạt động chung của thôn và xây dựng, sửa chữa các công trình phục vụ đời sống dân sinh, những năm qua, xã Glar đã tuyên truyền, hướng dẫn các thôn vận động bà con chung tay xây dựng các mô hình trồng cà phê tập thể trên quỹ đất chung và góp ngày công lao động để chăm sóc cây trồng.
Tận dụng 1,6 ha quỹ đất trống, từ năm 2012, cộng đồng người thôn Dôr 1 (xã Glar) đã trồng cà phê. Với diện tích này, mỗi năm đem lại nguồn thu nhập từ 120 – 150 triệu đồng. Số tiền này sẽ được trích vào nguồn quỹ của thôn. Mô hình này được thôn Dôr 1 giao cho Chi hội Nông dân của thôn quản lý.
Chia sẻ về cách vận hành của mô hình, ông Hiên, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Dôr 1 cho hay, với diện tích 1,6 ha cà phê thì sẽ được chia nhỏ, giao khoán cho 10 tổ (gồm nhóm hộ dân trong thôn) quản lý, chăm sóc. Trung bình mỗi tổ được giao khoán từ 150 đến hơn 200 cây cà phê. Công việc chính bao gồm bón phân, tưới nước, làm cỏ. Để bảo vệ tốt vườn cây, các tổ cũng đã phân công thành viên thay phiên nhau tuần tra bảo vệ.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cà phê xanh tốt, anh Ên (trú tại thôn Dôr 1, xã Glar) kể, khu vực này trước đây chỉ là bãi đất trống. Được sự tuyên truyền, vận động của các ban ngành, đoàn thể từ xã đến huyện về mô hình cà phê tập thể thì người dân đã chung tay cải tạo lại khu đất và trồng cà phê.
Tổ của anh Ên có hơn 50 thành viên và được giao quản lý, chăm sóc 200 cây cà phê. Trung bình mỗi năm, vườn cà phê của tổ cho thu nhập từ 15-20 triệu đồng.
"Mỗi ngày, chúng tôi phân công nhau tưới nước, bón phân, làm cỏ, cắt cành, tỉa chồi cho vườn cà phê. Ai nấy đều làm việc hết sức trách nhiệm, nhiệt tình và xem như vườn cà phê của chính mình vậy. Sau khi bán cà phê, số tiền thu được thì một ít sẽ chi trả cho các chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và còn lại sẽ trích vào nguồn quỹ của thôn", anh Ên chia sẻ.
Theo ông Sing, Trưởng thôn Dôr 1, trước đây thì việc huy động bà con nhân dân trong thôn đóng góp kinh phí cho các hoạt động của thôn gặp khó khăn. Lý do là bởi đời sống của một số hộ còn nghèo khó. Sau khi các cấp ngành triển khai về mô hình cà phê gây quỹ cộng đồng, thôn đã vận động bà con sử dụng quỹ đất trống để trồng cà phê. Bà con tham gia mô hình rất tích cực và chăm sóc cho vườn cà phê được xanh tốt.
"Từ nguồn quỹ của vườn cà phê, hơn chục năm qua, thôn đã đóng góp cùng với nhà nước xây dựng nhà văn hóa của thôn; xây dựng nhà vệ sinh của nhà văn hóa; kéo 500m đường dây điện; làm 8km đường liên thôn. Ngoài ra, trong các dịp lễ Tết thì thôn trích quỹ ra tặng quà cho các hộ gia đình chính sách, khuyết tật và các cháu trong thôn lên đường nhập ngũ. Việc sử dụng quỹ đều phải thông qua người dân trong các cuộc họp thôn và đều nhận được sự nhất trí cao. Cũng nhờ đó mà các hộ gia đình khó khăn đỡ phải đóng tiền quỹ hàng năm", ông Sing chia sẻ.
Hiệu quả thiết thực
Bà Nhêm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Glar cho biết, toàn xã có hơn 2.000 ha cà phê. Mô hình cà phê gây quỹ hiện nay đã được triển khai tới 9/10 thôn của xã với tổng diện tích cà phê gần 15 ha và đã duy trì từ năm 2008 đến nay. Bình quân mỗi năm, tổng thu nhập của tất cả các thôn đạt trên 1 tỷ đồng.
Thời gian qua, Hội Nông dân xã đã thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, hướng dẫn các thôn, làng dùng quỹ đất chung để trồng cà phê. Bên cạnh đó, hội còn phối hợp tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo về trồng, chăm sóc cà phê. Nhờ vậy, hầu hết các mô hình này đã và đang có hiệu quả, nhất là mô hình của thôn Dơk Rơng, Ktu, Groi I…
"Từ nguồn thu này, các thôn đã đóng góp kinh phí làm đường và giúp nhiều hộ vay vốn phát triển sản xuất. Ngoài ra, các thôn còn chi cho các hoạt động hội họp, các phong trào văn hóa-văn nghệ ở cơ sở để nâng cao đời sống tinh thần, thu hút đông đảo người dân tham gia nhằm tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Điều đáng mừng là", bà Nhêm nói thêm.
Trong khi đó, đánh giá về mô hình này, ông Bùi Quang Thoại, Phó Chủ tịch UBND xã Glar cho hay: "Đây là một mô hình rất hiệu quả. Nguồn lực của Nhà nước cũng có hạn nhưng nhờ có mô hình này mà bộ mặt nông thôn của xã thay đổi mạnh mẽ. Thậm chí nhiều đoạn đường hư, người dân không chờ Nhà nước làm mà tự vận động nhau sửa chữa. Xã luôn quan tâm, động viên khuyến khích để bà con tự giác tham gia, duy trì tốt mô hình ý nghĩa này".
CLIP: Mô hình tận dụng đất trồng cà phê gây quỹ cộng đồng của đồng bào dân tộc Ba Na tại thôn Dôr 1 (xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.