Nhằm góp phần thông tin rộng rãi những nội dung dự kiến sửa đổi và những điểm mới của chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội đến các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là cộng đồng đối tác quốc tế, các doanh nghiệp FDI, sáng nay (28/11), Bộ LĐTBXH tổ chức Hội thảo “Thông tin chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội”.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: Bảo đảm việc làm và an sinh xã hội cho người dân là nhiệm vụ quan trọng được Đảng và Nhà nước quan tâm, qua đó góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Những năm qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về lao động, việc làm và an sinh xã hội, trong đó có 2 văn bản quan trọng là: Luật Việc làm và Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH). Hiện, Bộ LĐTBXH đang được giao chủ trì soạn thảo Đề án xây dựng Luật Việc làm và Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.
Thông tin về những nội dung quan trọng của Đề án xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, ông Trần Hải Nam - Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, (Bộ LĐTBXH) cho biết: Việc sửa luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH, hướng tới BHXH toàn dân. Đây là lần đầu chúng ta có khái niệm và định hướng cho hệ thống chính sách BHXH ở Việt Nam là hướng tới BHXH toàn dân, hướng tới mục tiêu là mọi người dân được tham gia và được thụ hưởng, được bảo vệ sức khỏe thông qua chính sách về bảo hiểm y tế. Chúng ta cũng xây dựng hệ thống đa tầng và bên cạnh tầng lương hưu đóng góp thì có thêm tầng về trợ cấp hưu trí xã hội để đảm bảo cho các đối tượng không có điều kiện tiếp, tham gia đóng góp để nhận khoản trợ cấp hưu trí từ Quỹ BHXH thì được tiếp nhận khoản trợ cấp tuổi già từ ngân sách Nhà nước.
Hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công mỗi năm tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 3 triệu lượt người/năm; tổ chức hơn 1.200 phiên giao dịch việc làm/năm. Lũy kế đã tư vấn giới thiệu việc làm cho hơn 13 triệu người; hỗ trợ học nghề cho trên 252 nghìn người; hỗ trợ đào tạo nghề duy trì việc làm cho 32 đơn vị với hơn 3.200 người; trợ cấp thất nghiệp cho hơn 6,5 triệu người. Tính đến ngày đến 31/12/2022 quỹ BHTN đang kết dư là 59,375 tỷ đồng.
Hội thảo chia sẻ các nội dung liên quan tới việc sửa đổi các chính sách có liên quan tới việc làm như: Luật BHXH; Luật Việc làm... thông qua đó, nêu các khuyến nghị hoàn thành về chính sách về an sinh xã hội của Việt Nam.
Thông tin về tình hình lao động, việc làm và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bà Nguyễn Thị Quyên - Phó cục trưởng Cục Việc làm cho biết, hiện cả nước có hơn 14,33 triệu lao động tham gia BHTN. Chính sách BHTN phát huy vai trò quan trọng là cơ chế chống sốc tự động, hỗ trợ một phần thu nhập cho người thất nghiệp.
Bà Quyên cho biết, thời gian tới, Luật Việc làm sửa đổi sẽ có một số điểm mới như: Đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia để kỹ năng người lao động được công nhận trong toàn khu vực; tăng cường năng lực cho các trung tâm dịch vụ việc làm; bao phủ chính sách cho lao động khu vực phi chính thức; việc làm cho lao động già…
Việc sửa đổi luật việc làm tới đây cũng tham khảo các ý kiến của các bên để thành lập hệ thống giao dịch trực tuyến để tăng cung - cầu lao động. "Hiện chính sách đào tạo, nâng cao kỹ năng của lao động còn hạn chế. Trong Luật Việc làm sửa đổi tới đây, ban soạn thảo sẽ hoàn thiện thêm chính sách về BHTN", bà Quyên nói.
Bên cạnh đó, hệ thống trung tâm DVVL thiếu kết nối, chia sẻ dữ liệu. Nhiều hình thức giới thiệu việc làm còn chưa được quản lý, nhất là ở 500 công ty, đơn vị tư hoạt động trong lĩnh vực tư vấn giới thiệu việc làm.
“Ngay cả chính sách BHTN còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, đối tượng chưa bao phủ hết nhóm lao động có quan hệ lao động. Quy định chế độ hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng khá chặt chẽ, cơ chế quản lý tài chính tổ chức bộ máy còn nhiều bất cập , quỹ BHTN quỹ ngắn hạn nhưng kết dư còn lớn”, bà Quyên nêu cụ thể.
Để khắc phục những hạn chế này, tới đây chính sách sẽ tăng cường việc dự báo BHTN, các chính sách hỗ trợ lao động. Dự báo cụ thể các ngành nghề có thể sa thải lao động, các ngành nghề thiếu lao động... để Chính phủ có chính sách chủ động điều hành.
Bà Quyên cũng cho biết, do Việt Nam đang bước vào quá trình già hóa dân số nên tới đây Bộ LĐTBXH sẽ đưa thêm nội dung việc làm cho người cao tuổi vào luật để quản lý, hỗ trợ.
"Đặc biệt, khi sửa Luật Việc làm sẽ quy định cụ thể, trực tiếp điều chỉnh nhóm đối tượng lao động phi chính thức. Ví dụ như: lái xe công nghệ; lao động làng nghề; lao động tự do quản lý lao động", bà Quyên nói.
Ông Tống Hải Nam - Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) cũng cho biết thời gian qua có nhiều vụ trục lợi BHTN. Nhiều lao động dù có việc làm nhưng vẫn không đi làm chờ hưởng BHTN, nợ 12 tháng để hưởng BHXH 1 lần. Thậm chí có lao động đi làm vẫn yêu cầu công ty không ký hợp đồng để đợi hưởng xong trợ cấp thất nghiệp. Nếu ký thì lao động sẽ nghỉ việc.
"Mỗi một chính sách lúc áp dụng lại đón nhận những hành vi khác nhau của người lao động. Vấn đề là làm thế nào khi sửa luật hạn chế những hành vi không tích cực này", ông Trần Hải Nam nói.
Ông Nam cũng cho biết, ngoài việc sửa luật BHXH để cập nhật những nội dung mới thì việc sửa luật cũng góp phần thể chế quy định về thu - đóng BHXH... Đồng thời việc sửa luật cũng hướng tới việc đảm bảo an toàn, bền vững, hiệu quả khi đầu tư cho Quỹ BHXH, qua đó tạo nguồn thu để thực hiện các chính sách chủ trương khác cho lao động.