Việc tranh chấp quỹ bảo trì chung cư trên cả nước, đặc biệt là ở hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội diễn ra khá phức tạp. Nhiều chủ đầu tư (CĐT) chiếm dụng tiền và trì hoãn việc bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị theo quy định, dù ban quản trị nhà chung cư liên tục gửi công văn yêu cầu.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến cuối quý III/2023, có đến 29% tổng số nhà chung cư xảy ra tình trạng CĐT chưa bàn giao kinh phí bảo trì cho BQT sau khi BQT được thành lập. Trong đó, có 85 vụ tranh chấp liên quan đến kinh phí bảo trì, nhiều nhất là ở TP.HCM với 43 vụ và Hà Nội là 35 vụ.
Số tiền quỹ bảo trì của nhiều dự án lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, thì quỹ bảo trì nhà chung cư đã trở thành một "miếng mồi ngon" đối với nhiều CĐT.
Nhưng Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được thông qua đã có giải pháp để giải quyết tranh chấp này.
Cụ thể, theo Điều 152, Điều 153 và Điều 154 Luật Nhà ở 2023 về "kinh phí bảo trì; quản lý, bàn giao kinh phí bảo trì; cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu",đã quy định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở có trách nhiệm lập tài khoản riêng, để quản lý kinh phí bảo trì. Đồng thời quy định chủ đầu tư không được sử dụng kinh phí bảo trì "vào bất kỳ mục đích nào khác khi chưa bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư".
Luật quy định trường hợp chủ đầu tư dự án không bàn giao kinh phí bảo trì thì BQT nhà chung cư có văn bản, đề nghị UBND cấp huyện nơi có nhà chung cư, yêu cầu chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở bàn giao kinh phí bảo trì.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định UBND cấp huyện phải có văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì cho BQT nhà chung cư. Trong thời hạn 10 ngày, chủ đầu tư dự án nhà ở không bàn giao, thì "UBND cấp huyện có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế, tổ chức thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị nhà chung cư".
"Quy định này phù hợp với thực tiễn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cư dân nhà chung cư và tăng cường vai trò của UBND cấp huyện thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với tất cả nhà chung cư trên địa bàn, thay vì giao cho D cấp tỉnh thực hiện "cưỡng chế và tổ chức thu hồi kinh phí bảo trì" như quy định của Luật Nhà ở 2014", ông Châu nhận xét.
Tuy nhiên, Chủ tịch HoREA cũng thừa nhận, quy định này cũng làm tăng áp lực và khối lượng công tác lên UBND cấp huyện, trong lúc biên chế có hạn. Như tại TP.HCM có một số quận, huyện có quy mô dân số tương đương dân số 1 tỉnh, và có nhiều nhà chung cư.